Chủ trương triển khai gói tín dụng lên đến 100 ngàn tỷ đồng phục vụ tổ hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao được nhiều doanh nghiệp trong ngành chờ đợi. Tuy nhiên, chính sách này còn thiếu hầu hết các quy định cơ bản như đối tượng được ưu đãi, điều kiện ưu đãi.
Tổ hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những khái niệm mới được đưa ra khi thiết kế gói ưu đãi tín dụng 100 ngàn tỷ đồng. Thực tế, khái niệm này dường như liên quan đến cả một vùng nông nghiệp, vùng sinh thái, chuyên canh… thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Ở đó không chỉ có các mô hình nhà kính nhà lưới, mà còn có các công ty chuyên cung cấp các thiết bị nhà kính, nhà lưới, khu chế biến nông sản, bao bì nhãn mác… hoặc các dịch vụ hậu cần đưa sản phẩm nông nghiệp đến tay người tiêu dùng tạo nên một chuỗi cung ứng (dịch vụ, hàng hóa) khép kín.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc công ty Rynan Agrifood, băn khoăn liệu doanh nghiệp mình có thuộc diện được vay gói 100 ngàn tỷ sẽ được triển khai trong thời gian tới không? Ông đề nghị gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao không chỉ hướng đến việc canh tác mà còn cần phải hướng đến chuỗi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như thiết bị ứng dụng, vật tư, bao bì,… để tạo ra sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chất lượng, cạnh tranh và có uy tín.
Còn dưới góc độ của nhà khoa học, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học cho rằng gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao cần đưa vào đúng chỗ, đó là ưu tiên cho công nghệ ứng dụng, không phải công nghệ trình diễn. Ông chia sẻ, ngành công nghiệp vi sinh vật Việt Nam có nhiều nghiên cứu các chủng vi sinh vật thay thế thuốc trừ sâu. Hiện đang hợp tác với Nhật Bản và được Nhật Bản ứng dụng thành công tại nước bạn. Tuy nhiên, việc triển khai dự án tại Việt Nam còn lúng túng do thiếu vốn.
Rõ ràng, gói tín dụng ưu đãi 100 ngàn tỷ, nếu được thiết kế hợp lý, đủ dài hơi để phù hợp với các dự án đầu tư dài hạn thì sẽ rất hữu dụng trong bối cảnh hạ tầng và thượng tầng của ngành nông nghiệp còn yếu kém và ngắn hạn như hiện nay.
Hiện nay, nguồn vốn cho vay đối với nông nghiệp gần như chỉ được triển khai tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), lãi suất phổ biến ở mức 6,5- 8%/năm. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, đây vẫn là mức lãi suất khá cao đối với việc đầu tư cho nông nghiệp. Ngoài ra, trước đây, Agribank cũng có thể cho doanh nghiệp vay vốn đến 70-80% giá trị dự án mà không cần thế chấp.
Bên cạnh đó, Agribank cũng có chính sách hỗ trợ trong trường hợp doanh nghiệp gặp rủi ro do thiên tai dịch bệnh. Trên thực tế, Agribank cũng không phải luôn “toàn tâm toàn ý” với nông nghiệp, khối nợ xấu của ngân hàng này hiện nay phần nhiều đến từ các dự án đầu tư vào ngành khác như bất động sản, sản xuất công nghiệp, khai khoáng…
Kết quả là, trong hàng chục năm qua, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 5%, và chỉ 1 % doanh nghiệp trong tổng số 420 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp nông nghiệp, cũng giống nhiều ngành nghề khác, cần phát triển dựa một phần vào nguồn vốn vay ngân hàng, gồm cả vốn đầu tư ban đầu và vốn lưu động.
Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại (khác với Agribank) hiện rất khó bởi doanh nghiệp khu vực này khó có thể đáp ứng yêu cầu về tài sản thế chấp (thường là bất động sản hoặc hàng hóa tồn kho) như các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hoặc đầu tư bất động sản.
Bởi vậy, nếu tín dụng ưu đãi 100 ngàn tỷ có nguồn gốc từ vốn huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần thì khả năng áp dụng lãi suất ưu đãi, tính dài hạn và ổn định của dự án này còn nhiều khúc mắc. Anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Nông sản An Phú Đà Lạt cho biết: “Ngân hàng thương mại cũng là đơn vị kinh doanh, tôi không biết họ sẽ áp dụng như thế nào về lãi suất, thời gian cho vay là bao nhiêu, điều kiện vay vốn thế nào?”
TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ NN&PTNT cho rằng đây là gói tín dụng của ngân hàng thương mại, nên cần phải cân đối lợi ích giữa một bên là Ngân hàng thương mại và một bên là lợi ích của các doanh nghiệp nông nghiệp, không thể dùng các biện pháp hành chính để ép các bên.
Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 với mục tiêu mỗi tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm có 5-7 doanh nghiệp, mỗi vùng sinh thái có 1-3 khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 30%-35%. tổng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 30-35% tổng giá trị sản xuất NN.
Khi chỉ còn 3 năm nữa là cán mốc 2020, thì các mục tiêu này vẫn chưa đạt được 30%. Do vậy, giải quyết khâu vốn cho các doanh nghiệp cũng được xem là giải pháp tích cực để hướng tới mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, gói tín dụng 100 ngàn tỷ bao giờ mới được giải ngân, với điều kiện nào, cho ai vẫn còn là một ẩn số.
Linh Hương (T/H)
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…