Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra báo cáo nhanh về tình hình thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ từ ngày 1/1-3/1/2022. Số đường bay hiện được cấp phép khai thác là 8 chặng, tuy nhiên số lượng chuyến bay chưa nhiều và lượng hành khách nhập cảnh còn thấp.
Theo đó, 8 đường bay quốc tế thường lệ được Cục hàng không cho biết đã nối lại gồm: Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Mỹ, Hàn Quốc, Lào và Thái Lan (nằm trong kế hoạch 9 đường bay được phép mở lại từ ngày 1/1/2022 nhưng Trung Quốc đến nay chưa phản hồi đề nghị nối lại đường bay từ phía Việt Nam).
Trên thực tế, các hãng hàng không chưa thể ngay lập tức khai thác hết được 8 đường bay này; nguyên nhân được cho là thời gian triển khai gấp rút, các quy định hướng dẫn ban hành khá trễ, điều này dẫn đến cả khách hàng và các hãng hàng không đều bị động.
Cũng theo Cục Hàng không, từ ngày 1/1-3/1/2022, có 4 hãng hàng không Việt Nam và 7 hãng nước ngoài khai thác 17 chuyến bay quốc tế tới Việt Nam (gồm cả bay thường lệ, thuê chuyến, chở chuyên gia). Tổng cộng có 1.753 khách nhập cảnh Việt Nam thông qua 4 cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Theo số liệu từ báo cáo của Cục Hàng không do báo Người Lao Động trích dẫn, trong 3 ngày từ ngày 1-3/1, có 2 chuyến bay thương mại, 5 chuyến bay combo, 9 chuyến bay chở chuyên gia và 1 chuyến bay chở Đoàn công tác của Bộ Công An.
Theo kế hoạch khai thác sắp tới, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) mở bán vé để khai thác các chặng Hà Nội – Seoul từ ngày 6/1 với tần suất mỗi tuần là 2 chuyến; Hà Nội, TP.HCM – Singapore từ ngày 12/1 với tần suất một chuyến/tuần; TP.HCM – Bangkok (Thái Lan) từ ngày 8/1 với tần suất 2 chuyến/tuần; Hà Nội – Vientian (Lào) từ 9/1 với tần suất 2 chuyến/tuần; Hà Nội – Đài Bắc (Đài Loan) từ ngày 11/1 với tần suất một chuyến/tuần và giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 9/1.
Hãng hàng không Vietjet Air khai thác một số chặng như Hà Nội – Tokyo ngày 6/1, chặng Đài Bắc – Hà Nội ngày 8/1, chặng Đài Bắc – TP.HCM ngày 12/1. Theo hãng bay, mỗi tuần hãng sẽ có một chuyến bay khứ hồi trên đường bay Hà Nội – Tokyo (Nhật Bản) vào thứ Năm, Hà Nội – Đài Bắc vào thứ Bảy, TP.HCM – Đài Bắc vào thứ tư và TP.HCM – Singapore vào Chủ nhật.
Bamboo Airways cũng đã khai thác chặng Hà Nội – Đài Bắc, khởi hành ngày 5/1. Hãng khai thác tần suất một chuyến/tuần, khởi hành tiếp theo vào các ngày 12/1, 19/1 và 26/1.
Một số thay đổi gần đây gây khó khăn cho hành khách và nhận được nhiều ý kiến chính thức từ các hãng hàng không liên quan đến các quy định về test nhanh trước khi lên chuyến bay và sau khi xuống máy bay, yêu cầu hãng hàng không thu phí test nhanh qua vé máy bay và hãng thực hiện thanh toán test nhanh với các đơn vị y tế, v.v…
Cụ thể, hãng hàng không Cathay Pacific, Turkish Airlines đề nghị cảng HKQT Tân Sơn Nhất thành lập điểm thu phí tại sân bay hoặc tìm bệnh viện có thể thiết lập kênh thu phí qua cổng thông tin điện tử trực tuyến như ở các sân bay khác do các hãng hàng không không thể hỗ trợ việc thu phí này.
Cũng khó khăn về việc thu hồi chi phí test nhanh, hãng hàng không Starlux cho biết đã phải ký xác nhận hóa đơn của bệnh viện yêu cầu thanh toán chi phí xét nghiệm nhanh cho hành khách vào ngày 1/1/2022, hóa đơn vẫn chưa được thanh toán do không có phê duyệt.
Tương tự, đại diện Qatar Airways cho hay hãng đang phải thực hiện trả chi phí test nhanh của khách của bệnh viện Quận 1, hãng không thu được chi phí này từ khách. Do đó, hãng kiến nghị áp dụng cách thu phí của sân bay Nội Bài (hành khách sẽ tự chi trả chi phí này khi nhập cảnh).
Việc thu phí test nhanh tính vào giá vé máy bay gây phức tạp cho các hãng, bao gồm việc trước tiên Chính phủ của các hãng hàng không cần quy định đây là loại thuế mà Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) có thể cấp mã riêng, sau đó các hãng hàng không mới có thể đưa mã này vào vé bán cho hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Việc này sẽ mất tới 2 tháng để được thực hiện đầy đủ, đại diện Qatar Airways chia sẻ, báo Giao Thông đưa tin.
Vậy nên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất quy định về xét nghiệm SARS- CoV-2 trước chuyến bay theo thông lệ chung là chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (giống như các quốc gia khác và Việt Nam đang áp dụng trong suốt thời gian qua, kể cả thời điểm xuất hiện chủng mới Delta).
Trong trường hợp vẫn duy trì test nhanh, Cục Hàng không kiến nghị thống nhất việc thu phí xét nghiệm nhanh tại sân bay sẽ thu phí trực tiếp từ hành khách và chỉ xét nghiệm 1 lần đối với tổ bay nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam để chờ chuyến bay tiếp theo về nước (xét nghiệm tại sân bay hoặc tại khách sạn cách ly).
Quang Minh (t/h)
Xem thêm:
Trong 22 trường hợp viêm phổi nặng được xét nghiệm, sàng lọc tại tỉnh Bình…
Cầu Tứ Liên có chiều dài khoảng 11,5km, tổng mức đầu tư được tạm tính…
Tại thời điểm thống kê, xác định dịch bệnh, 58/100 con lợn giống cấp trong…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…