Thuế tiêu thụ đặc biệt, quy định về việc các tập đoàn công nghệ phải đặt máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam và những thủ tục về quy định An toàn thực phẩm đang làm khó các nhà đầu tư Mỹ.
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 (VBF 2017), bà Natasha Ansell, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đã lên tiếng về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên về hàng rào thuế quan và các rào cản thương mại.
Nêu lên thực tế sản phẩm của Mỹ nhập vào Việt Nam bị đội giá thành rất cao, đại diện của Amcham cho hay: “Việt Nam cần nghiêm túc giải quyết hàng loạt các rào cản kỹ thuật phi thuế quan đối với thương mại chủ yếu gặp phải tại biên giới, và những vấn đề được gọi rào cản phía sau biên giới làm hạn chế nguồn hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam”.
Bà Natasha Ansell dẫn chứng một số rào cản mà Hiệp hội Amcham đang gặp phải liên quan đến Nghị định 38/2012/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Luật An toàn Thực phẩm (ATTP), Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Dược, Nghị định 181 hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt…
Cụ thể, thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP đưa ra trong Nghị định 38 đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh từ hàng loạt các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội trong và ngoài nước như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Chè Việt Nam (Vinatea), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (Amcham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham). Các hiệp hội này cho rằng việc chờ đợi để được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP trên thực tế kéo dài hơn thời gian quy định là 1,5 tháng, có trường thậm chí phải chờ 3-6 tháng, điều này đang tạo thêm một “giấy phép con” gây phiền hà, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Với Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành của Amcham cũng chỉ ra một số điều khoản không hề tương thích với Luật Dược. Hơn nữa, việc thi hành Nghị định này sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu USD và làm gián đoạn việc cung cấp hàng ngàn loại thuốc cần thiết.
Đặc biệt, vị đại diện Amcham còn cho rằng Nghị định 181 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đòi hỏi một đơn vị Việt Nam chỉ có thể làm việc với một cơ quan quảng cáo được cấp phép ở quốc gia này không chỉ đặt Việt Nam vào tình trạng vi phạm nguyên tắc “đối xử quốc gia”, mà còn hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quảng bá sản phẩm khi họ quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của mình trên nền tảng xuyên biên giới như Google hay Facebook.
>> Khó quản lý trên Facebook, YouTube, Bộ trưởng 4T muốn thúc đẩy mạng xã hội của VN
Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng còn nhiều bất cập, Ông Herbert Cochran, Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam cho rằng ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt thì đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp nước giải khát và cả người tiêu dùng.
“Một số nước áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát trong quá khứ đã bãi bỏ loại thuế này do những tác động tiêu cực đối với ngành công nghiệp dẫn đến tổng thu ngân sách chính phủ từ thuế giảm. Đó là trường hợp của Indonesia và Đan Mạch”, ông Herbert dẫn chứng.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho rằng, việc áp dụng thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp này.
“Nếu Việt Nam áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt, thì đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, song song với đó người dân Việt Nam sẽ nằm trong khoảng 2,2% người dân Châu Á phải trả thuế cho loại đồ uống thông dụng này. Do đó, tôi đề xuất Việt Nam cần nghiên cứu kỹ hơn và đánh giá tác động khi một sắc thuế gây tác động to lớn đến toàn xã hội, ảnh hưởng đến một nền công nghiệp đang đóng góp đáng kể cho ngân sách”, ông Vỵ trao đổi với báo DĐDN.
FDI là nguồn vốn lớn, đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua. Theo thống kê, khu vực FDI đóng góp 20% tổng GDP năm 2016, đầu tư 69,5 tỷ USD trong giai đoạn 2001-2011, và chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2016.
Năm ngoái, Việt Nam thặng dư thương mại với Hoa Kỳ 32 tỷ USD, cùng với EU là hai thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam.
Từ thực tế trên, ông Adam Sitkoff kiến nghị các chính sách của Việt Nam cần được thiết kế thống nhất và đảm bảo tính công bằng. Điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam cải thiện niềm tin của người tiêu dùng trên thị trường. Đây cũng là một vấn đề quan trọng để Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Chân Hồ (T/h)
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…