Ngày 6/12, nhà sáng lập TSMC Trương Trung Mưu (Morris Chang) cảnh báo rằng địa chính trị đã thay đổi mạnh mẽ, “toàn cầu hóa và thương mại tự do gần như đã chết” và khó có thể phục hồi.
Nhà máy mới của TSMC ở thành phố Phoenix, bang Arizona đã tổ chức lễ chuyển giao máy móc vào ngày 6/12. Nhiều khách mời quan trọng, gồm cả Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đã đích thân tham dự. Trong đó, bài phát biểu của ông Trương Trung Mưu thu hút sự chú ý của dư luận.
Nikkei đưa tin ông Trương Trung Mưu đã nói trong bài phát biểu của mình rằng trong hơn 20 năm qua, nhà máy sản xuất chip mới ở Arizona là nhà máy sản xuất chip tiên tiến đầu tiên của TSMC tại Hoa Kỳ, và vẫn còn rất nhiều “công việc khó khăn” trên con đường gặt hái thành công.
Ông so sánh dự án đầu tư 40 tỷ USD hiện tại với khi TSMC xây dựng nhà máy đầu tiên ở Hoa Kỳ tại thành phố Camas, bang Washington năm 1995, chỉ 8 năm sau TSMC đã trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.
Ông Trương nói: “Sau 27 năm, ngành công nghiệp bán dẫn đã chứng kiến những thay đổi lớn trên thế giới và những thay đổi lớn trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu. Toàn cầu hóa gần như đã chết, tự do thương mại cũng đang chết dần. Nhiều người vẫn hy vọng mọi việc có thể quay trở lại, nhưng tôi nghĩ không thể.”
Báo cáo cho biết khi nói điều này, dường như ông Trương Trung Mưu đang nghĩ đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra trong năm nay, và nỗ lực của Trung Quốc nhằm “thống nhất” Đài Loan bằng vũ lực.
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ở mức thấp trong nhiều thập kỷ. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều muốn phát triển độc lập chip, và giảm sự phụ thuộc vào nhau.
Ngày 7/10, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới sâu rộng sẽ cắt đứt Trung Quốc khỏi các thiết bị sản xuất chip tiên tiến và một số chip bán dẫn tiên tiến được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, bất kể chip có được sản xuất tại Mỹ hay không.
Động thái này là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm cắt đứt hoàn toàn khả năng tiếp cận công nghệ chip cao cấp của Trung Quốc, làm suy yếu việc phát triển thế hệ vũ khí tiên tiến mới và triển khai các hệ thống giám sát tự động trên quy mô lớn của Trung Quốc.
Chính trong tình hình đó, Hoa Kỳ đã tích cực thu hút TSMC thành lập nhà máy tại Hoa Kỳ với nhiều ưu đãi. Ông Trương Trung Mưu cho biết việc thành lập một nhà máy ở Hoa Kỳ là mong muốn của ông 25 năm qua và giờ đây, giấc mơ của ông cuối cùng đã thành hiện thực.
Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu gần như độc quyền sản xuất và kinh doanh các thiết bị và phần mềm quan trọng cần thiết để sản xuất chip cao cấp tiên tiến nhất. Vì vậy, nếu các nước này cùng đồng thuận hợp tác kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc sẽ là một đòn mạnh vào ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ đã thực hiện các biện pháp ngoại giao để hạn chế Trung Quốc tiếp cận thiết bị chế tạo chip, chẳng hạn như thúc giục Chính phủ Hà Lan ngăn ASML Holding NV bán thiết bị chủ chốt cho Trung Quốc.
Một ngày trước đó, TSMC đã thông báo rằng giai đoạn đầu tiên của dự án hiện đang triển khai dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt chip 4nm vào năm 2024. Giai đoạn xây dựng thứ 2 đã bắt đầu, ước tính quy trình sản xuất chip 3nm sẽ bắt đầu vào năm 2026.
Tổng vốn đầu tư của 2 giai đoạn là khoảng 40 tỷ USD, là một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau khi hoàn thành 2 giai đoạn, tổng sản lượng hàng năm sẽ vượt quá 600.000 đĩa bán dẫn (wafer), giá trị thị trường của sản phẩm đầu cuối ước tính vượt quá 40 tỷ USD.
TSMC chỉ ra rằng việc thành lập các nhà máy tại Hoa Kỳ là nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Điều này không chỉ cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và đối tác, mà còn mang đến cho TSMC nhiều cơ hội hơn để thu hút nhân tài trên toàn cầu.
CNA đưa tin, bà Lưu Bội Chân, nhà nghiên cứu kiêm Giám đốc Trung tâm dữ liệu kinh tế công nghiệp thuộc Viện Kinh tế Đài Loan, cho biết TSMC là công ty sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, đặc biệt là TSMC chiếm vị trí dẫn đầu trong quy trình sản xuất tiên tiến. TSMC đặt nhà máy tại Hoa Kỳ có ý nghĩa chiến lược đại diện cho “Made in America” hay chuyển trọng tâm sản xuất chất bán dẫn toàn cầu trở lại Hoa Kỳ.
TSMC đã lần lượt cử các kỹ sư đến Hoa Kỳ. Mọi tầng lớp trong xã hội đang lo lắng sự thất thoát các tài năng công nghệ cao của Đài Loan.
Về vấn đề này, Chủ tịch TSMC Lưu Đức Âm (Mark Liu) cho biết sẽ không có vấn đề chảy máu chất xám. Ông nói TSMC có hơn 50.000 kỹ sư tại Đài Loan và việc cử các kỹ sư là để phát triển bố cục của TSMC ở nước ngoài.
Ông Lưu Đức Âm nhấn mạnh TSMC sẽ tiếp tục triển khai các quy trình sản xuất tấm bán dẫn tiên tiến tại Đài Loan. Đài Loan có chuỗi sản xuất chất bán dẫn và các khu định cư công nghiệp hoàn chỉnh nhất, công nghệ xử lý tiên tiến nhất, nền tảng nghiên cứu và sản xuất vững chắc. TSMC chiếm một vị trí then chốt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Trước đó, ông Trương Trung Mưu đã giải thích rằng nhà máy sản xuất chip 5nm của TSMC ở bang Arizona là quy trình sản xuất tiên tiến nhất ở Hoa Kỳ, nhưng TSMC đã có chip 3nm ở Đài Loan. Nói cách khác, đầu tư của TSMC vào chip 5nm ở Hoa Kỳ chỉ là “N-1”, là thế hệ sau so với với quy trình sản xuất tiên tiến nhất của Đài Loan.
Ông Thi Chấn Vinh (Stan Shih), nhà sáng lập Tập đoàn Acer, từng là Giám đốc của TSMC trong một thời gian dài, cho biết nền tảng cốt lõi của TSMC là ở Đài Loan, và bố cục ở nước ngoài là sự phân công lao động theo chiều dọc mang tính khu vực. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế, và lợi nhuận đầu tư cuối cùng sẽ trở lại Đài Loan.
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…