Nợ nước ngoài của Việt Nam sắp chạm trần cho phép 50%GDP

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cảnh báo nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng lên, sắp chạm mức trần cho phép 50%GDP.

Dự kiến bội chi ngân sách năm 2018 gần 9 tỷ USD. (Ảnh: Shutterstock)

Đó là thông tin được ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề cập trong báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách năm 2018 và dự toán năm 2019.

Theo đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2017 nợ công chiếm 62,6%GDP; ước thực hiện năm 2018 giảm còn 61,4%GDP; và dự kiến tỷ lệ này giảm xuống còn 61,3%GDP trong năm 2019.

Mặc dù vậy, số tuyệt đối về nợ công vẫn tiếp tục đà tăng. Dư nợ công năm 2017 là 3,13 triệu tỷ đồng; ước năm 2018 là 3,41 triệu tỷ đồng, tăng hơn 280.000 tỷ đồng.

Điều này dẫn đến việc đi vay về để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là vay nợ nước ngoài của quốc gia đã tiến sát mức trần cho phép (50%GDP).

Cụ thể, dư nợ Chính phủ năm 2017 vào khoảng 2,59 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 51,8% GDP; năm 2018 ước tăng lên 2,89 triệu tỷ đồng, chiếm 52,1% GDP; và dự kiến trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên mức 52,2% GDP.

Cùng với đó, tỷ lệ vay nợ nước ngoài của Việt Nam từ chiếm 45,2%GDP trong năm 2017, đã tăng lên mức 49,7%GDP trong năm 2018 và ước năm 2019 sẽ tăng lên 49,9%GDP.

Ông Nguyễn Đức Hải cho rằng các chỉ tiêu này còn trong giới hạn cho phép nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Đánh giá chung về tình hình thu ngân sách năm 2018, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng kết quả thu ngân sách ước vượt dự toán, nhưng vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt được.

Theo Ủy ban này, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu 21% đề ra. Nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017. Thu nội địa ước vượt 0,9% so với dự toán nhưng thực chất, số thu từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt dự toán.

Về chi ngân sách, cơ quan này đánh giá việc cơ cấu lại chi ngân sách vẫn chưa có nhiều chuyển biến, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi vẫn còn cao, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn chậm…

“Giữ được mức bội chi bình quân cả giai đoạn [2016 – 2020] không quá 3,9% GDP và giảm mạnh xuống mức 3,5% trong năm 2020 là một thách thức”, ông Hải đề cập mới đây.

Theo dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2019, tỷ trọng chi thường xuyên chiếm khoảng 63,8% tổng chi, thấp hơn mức 64,1% của dự toán năm 2018; tỷ trọng chi đầu tư là 26,3%, cao hơn so với mức 26,2% của năm 2018.

Chân Hồ

Chân Hồ

Published by
Chân Hồ

Recent Posts

Đức phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus đậu mùa khỉ

Ca đầu tiên nhiễm biến thể mới clade 1b của virus đậu mùa khỉ (mpox)…

3 giờ ago

Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông thúc đẩy đàm phán ngừng bắn

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có mặt tại Israel ngày 22/10, điểm dừng chân đầu…

3 giờ ago

TP.HCM dự kiến xây 42 công viên dọc bờ sông Sài Gòn

TP.HCM dự kiến xây dựng 42 công viên dọc hành lang sông Sài Gòn để…

6 giờ ago

Bờ biển ở Thừa Thiên – Huế sạt lở bất thường hàng trăm mét

Đoạn bờ biển dài khoảng 300m ở xã Phú Thuận bị sạt lở nghiêm trọng,…

6 giờ ago

Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, giật cấp 15 khi vượt qua quần đảo Hoàng Sa

Bão Trà Mi mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines, sẽ vào…

7 giờ ago

Năm 2023, Quỹ Bảo hiểm y tế chi khám chữa bệnh 124.300 tỷ, phí quản lý hơn 3.900 tỷ

Trong năm 2023, tổng số chi của Quỹ Bảo hiểm y tế là hơn 140.000…

10 giờ ago