Thông tư 20 ra đời có nhằm bảo vệ người tiêu dùng?

Căn cứ ban hành Thông tư 20 của Bộ Công thương là nhằm bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông. Vậy bản chất của Thông tư có đúng như căn cứ đặt ra hay không? Thông tư 20 không chỉ là chính sách thất bại với mục tiêu ban đầu của nó, mà còn dựng rào cản cho sự phát triển thị trường lành mạnh, công bằng và minh bạch.

(ảnh: vietnamcar.com)

Thông tư 20 đang bảo vệ ai?

Nội dung Thông tư 20 rất đơn giản, quy định rằng “Thương nhân nhập khẩu ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

  1. Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
  2. Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.”

Nhìn cấu trúc Thông tư 20, chúng ta có thể thấy một rào cản 3 vòng được dựng lên cho thị trường ô tô phân khúc 9 chỗ trở xuống tại Việt Nam.

Vòng thứ nhất, Thông tư 20 bảo vệ các nhà sản xuất ô tô lớn, giúp họ có thể trụ vững tại thị trường Việt Nam. Họ có địa vị hợp pháp để lựa chọn đối tác, định giá, phân bổ thị trường. Nếu không có ủy quyền chính hãng, nhà nhập khẩu ô tô tự do không thể nhập khẩu xe về Việt Nam. Nói cách khác, nếu nhà nhập khẩu ô tô không theo chỉ định của hãng sản xuất nhập khẩu đúng nguồn, đúng giá thì không có cách nào nhập khẩu xe về Việt Nam. Điều đó lý giải tại sao Toyota, Nissan, Audi, Ford,… ở Việt Nam luôn ổn định ở mức giá đắt hơn gấp nhiều lần ở các nước khác. Bên cạnh đó, các hãng sản xuất ô tô mới, không danh tiếng cũng khó lọt vào thị trường, mọi sự phải có chứng nhận của Lãnh sự quán nước sở tại.

Vòng thứ hai, Thông tư 20 bảo vệ các đại lý được hãng sản xuất ô tô ủy quyền. Phải chấp nhận luật chơi của các hãng sản xuất ô tô, thì các công ty nhập khẩu mới được ủy quyền. Hưởng lợi nhuận từ phân phối xe trong nước, hệ thống các đại lý lớn tạo thành một vòng chân rết bảo vệ quyền lợi của các hãng sản xuất. 

Vòng thứ ba, Thông tư 20 kết nối dịch vụ bảo dưỡng xe, bảo hành xe cũng đi theo chuỗi nhập khẩu xe. Bán hàng và dịch vụ bán hàng tạo thành một chu trình khép kín, ôm trọn lợi nhuận, khách hàng trong vùng thị trường được bảo hộ.

Thông tư 20 thực chất là cánh tay nối dài giúp các nhà sản xuất xe chính hãng quản lý thị trường, duy trì lợi nhuận cao tại thị trường Việt Nam.

Khi Cơ quan quản lý Nhà nước vươn quyền lực tới các lĩnh vực ngoài chức năng

(Ảnh: autodaily.vn)

Theo báo cáo giải trình của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20, mục đích ban hành Thông tư 20 là “nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ”. Thông tư yêu cầu thương nhân nhập khẩu, phân phối xe mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng về việc bảo hành xe và với tư cách là nhà nhập khẩu, phân phối được nhà sản xuất ủy quyền hoặc chỉ định, phải thay mặt nhà sản xuất chịu trách nhiệm về xe nhập khẩu đó trong một số trường hợp nhất định, thí dụ như triệu hồi do lỗi của nhà sản xuất. Với cách thức giải thích này, Bộ Công thương đã đánh đồng khái niệm Giấy ủy quyền nhập khẩu xe của nhà sản xuất với trách nhiệm bảo hành hàng hóa sản phẩm đối với người tiêu dùng cuối cùng.

Tuy nhiên cũng chính tại báo cáo này, Bộ Công thương cũng thừa nhận trách nhiệm cũng như thẩm quyền ban hành văn bản để đảm bảo an toàn giao thông không thuộc lĩnh vực mình quản lý.  “Thông tư 20 chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu, không áp dụng cho hàng sản xuất trong nước. Để thực sự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông, các quy định như của Thông tư 20 cần được áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia lưu thông, bất kể là xe chở người hay chở hàng, bất kể nơi sản xuất. Cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành các quy định như vậy là Bộ Giao thông vận tải, không phải Bộ Công Thương và quy định đó phải là quy định trong nước để áp dụng chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, không nên chỉ quy định tại cửa khẩu.”  Cuối cùng Bộ Công thương cũng đã thừa nhận mình đã có sự lo lắng thái quá cho người dân trên cả những lĩnh vực không thuộc thẩm quyền.

Kết quả là, người tiêu dùng chịu giá cao, lợi nhuận rơi vào các hãng lớn, cơ chế xin-cho để “tháo rào” hình thành

Năm năm trôi qua kể từ khi Thông tư 20 đi vào cuộc sống. Thị trường ô tô trở thành sân chơi riêng cho một số nhà sản xuất, đại lý lớn, trung tâm bảo hành cỡ đại. Nhiều công ty kinh doanh ô tô vừa và nhỏ, không tìm được “dây làm ăn” với các hãng sản xuất dần dần biến mất khỏi thị trường. Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty, nhiều lô hàng chui lọt nhờ các đợt “tháo rào” của Bộ Công thương năm 2012, 2013, 2014 mà vé chui rào cũng phải mất rất nhiều công sức, chi phí mới có được.

Những lần “tháo rào” giải cứu doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính hãng của Bộ Công thương.

Năm 2011, Bộ Công thương ký Công văn 7860 cho phép các lô hàng được làm thủ tục nhập khẩu với điều kiện đã xếp hàng lên tàu trước ngày 26/6/2011 và về đến cảng Việt Nam trước ngày 24/7/2011.

Năm 2012, Bộ Công thương ký Công văn 8415 ngày 7/9/2012 cho phép các lô hàng có chứng từ thanh toán trước ngày 12/5/2011 được làm thủ tục nhập khẩu.

Năm 2014, Bộ Công thương lại ký tiếp Công văn 4582 cho phép các lô hàng đến cảng Việt Nam chậm nhất ngày 28/5/2015 được làm thủ tục nhập khẩu.

Giá cả thị trường ô tô không hề giảm, đôi lúc cao đột biến theo mùa vụ. Người tiêu dùng phải trả giá cao hơn nhiều lần so với giá mặt hàng đồng loại ở các nước khác trong khu vực. Mặc dù thu nhập chỉ bằng 20% thu nhập người Thái Lan, bằng 40% thu nhập người Indonesia nhưng để sở hữu ô tô người Việt Nam phải trả giá cao hơn 150% so với hai nước này. Mức chênh lệch giá bán giữa các thị trường của cùng một hãng xe rơi vào túi nhà sản xuất và chuỗi kinh doanh, dịch vụ sau bán hàng của họ.

Nếu nói Thông tư 20 có thể điều tiết được số lượng xe nhập khẩu thì hoàn toàn sai lầm. Trong những năm qua, số lượng xe nhập khẩu không hề giảm mà tăng gấp 3 lần.

Về việc đầu tư cho ngành công nghiệp ô tô cũng không có mấy cải thiện. Hiệp hội Sản xuất ô tô hết lần này đến lần khác trì hoãn việc đầu tư cho ngành. Các dây chuyền sản xuất bao nhiêu năm vẫn chạy tốt. Còn người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác, không có tiêu chuẩn cao hơn để so sánh nên đành bằng lòng vậy. Cũng không có bất cứ bằng chứng nào về việc xe nhập khẩu không được hãng ủy quyền gây mất an toàn giao thông trong những năm qua.

Đến khi nào Bộ quản lý sẽ đứng về phía người tiêu dùng?

Việc Bộ Công thương đã chịu lùi bước, thừa nhận Thông tư 20 “chưa giải quyết toàn diện mục tiêu đặt ra” cũng là một bước tiến lớn trong chặng đường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20.

Dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, do Bộ Giao thông Vận tải vừa soạn thảo, được cho là rào cản kỹ thuật thay thế Thông tư 20 còn đánh đố hơn nhiều. Theo đó quy định, khi đăng ký kiểm tra xe nhập khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp, hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng. Các loại giấy tờ không thông dụng này, chỉ có thể liên hệ trực tiếp với Nhà sản xuất mới có được, như vậy chẳng khác gì doanh nghiệp phải có ủy quyền của chính hãng.

Thông tư 20, bãi bỏ hay duy trì là cuộc chiến giữa các nhóm lợi ích khác nhau, nhà sản xuất xe, người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh mà người phân xử là các cơ quan quản lý nhà nước.

Vấn đề ở chỗ đến khi nào Cơ quan quản lý Nhà nước mới đứng về phía người tiêu dùng, đứng về cộng đồng doanh nghiệp trong nước để suy xét vấn đề. Thông tư 20 không chỉ là chính sách thất bại với mục tiêu ban đầu của nó, mà còn dựng rào cản cho sự phát triển thị trường lành mạnh, công bằng và minh bạch; tạo ra một thị trường méo mó khi chỉ một nhóm nhỏ hưởng lợi, tiêu diệt động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh. Để thực hiện thành công Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/04/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực sự xây dựng một “Chính phủ kiến tạo”, Chính phủ cần sớm nhận diện, thanh lọc rất nhiều những Thông tư 20 như vậy.

Hương Mai – Tâm Như

Xem thêm:

Hương Mai

Published by
Hương Mai

Recent Posts

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

12 phút ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

45 phút ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

2 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

2 giờ ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

3 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

3 giờ ago