Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào thứ Sáu (ngày 25/7) đã đến Scotland. (Ảnh chụp màn hình video)
Chủ Nhật (ngày 27/7) tại Scotland, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông sắp đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết về các cuộc đàm phán.
Khi bắt đầu cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, ông Trump nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ đang rất gần một thỏa thuận với Trung Quốc. Thực tế, theo một cách nào đó, Hoa Kỳ coi như đã đạt thỏa thuận, nhưng hãy xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Phát biểu này được đưa ra một ngày trước khi các quan chức cấp cao Mỹ – Trung tiếp tục đàm phán thương mại.
Thứ Hai (ngày 28/7), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent sẽ dẫn đầu đoàn Mỹ gặp đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Hà Lập Phong dẫn đầu tại Stockholm (Thụy Điển), nhằm giải quyết các tranh chấp kinh tế tồn tại lâu dài trong cuộc chiến thương mại, đồng thời gia hạn thỏa thuận đình chiến thuế quan.
Cùng ngày Chủ Nhật (27/7), Phát biểu tại khu nghỉ dưỡng golf Turnberry ở bờ biển phía tây Scotland, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp mức thuế đồng loạt 15% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ 27 quốc gia EU, chấm dứt nỗ lực của khối này nhằm duy trì mức thuế cơ bản 10%.
“Chúng tôi đã đồng ý rằng thuế đối với ô tô và mọi mặt hàng khác sẽ được ấn định ở mức đồng loạt 15%”, ông Trump nói.
Ông cũng tuyên bố EU sẽ đồng ý mua năng lượng từ Mỹ trị giá 750 tỷ USD, và đầu tư thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ, bên cạnh các khoản đầu tư hiện tại.
“Tất cả các nước thành viên sẽ mở cửa thương mại với Mỹ với mức thuế bằng 0, và họ cũng sẽ đồng ý mua một lượng lớn thiết bị quân sự”, ông Trump nói thêm.
Ông Trump gọi đây là “thỏa thuận lớn nhất từng đạt được”, dù các chi tiết cụ thể chưa được công bố.
EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 975 tỷ USD trong năm ngoái, theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.
Theo Reuters, vòng đàm phán Mỹ – Trung ngày 28/7 khó đạt được đột phá tương tự, nhưng các chuyên gia phân tích dự đoán thỏa thuận đình chiến về thuế quan và kiểm soát xuất khẩu đạt được từ giữa tháng Năm có thể sẽ được gia hạn thêm 90 ngày (hạn hiện tại là ngày 12/8).
Việc gia hạn này sẽ giúp ngăn căng thẳng Mỹ – Trung leo thang và tạo điều kiện cho khả năng diễn ra cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước.
Chính quyền Trump cũng đang chuẩn bị áp các loại thuế công nghiệp mới đối với chất bán dẫn, dược phẩm, cần cẩu cảng và các sản phẩm khác, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc.
Trước đó, hai bên Mỹ – Trung đã tổ chức 2 vòng đàm phán vào tháng Năm và tháng Sáu tại Geneva và London, tập trung vào việc giảm thuế. Phía Trung Quốc đồng ý khôi phục nguồn cung đất hiếm, Mỹ đồng ý nối lại cung cấp các sản phẩm như chip AI Nvidia H20.
Đến nay, các cuộc đàm phán chưa đi sâu vào những vấn đề kinh tế rộng lớn hơn, bao gồm mô hình kinh tế hướng xuất khẩu do chính quyền Bắc Kinh dẫn dắt, mà Washington chỉ trích là khiến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 22/7 với Fox Business, Bộ trưởng Tài chính Bessent cho biết, tại Stockholm, Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc giảm phụ thuộc quá mức vào sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.
Ông Bessent nói Hoa Kỳ muốn thấy Trung Quốc giảm công suất sản xuất dư thừa và tập trung phát triển nền kinh tế tiêu dùng.
Bình Minh (t/h)
Đi bộ theo phong cách Nhật Bản bao gồm việc xen kẽ giữa 3 phút…
Đã sang ngày thứ sáu của đợt “biểu tình bìa cứng” chống chính phủ Ukraine…
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc ung thư tim chỉ là…
Sức khỏe tim mạch không chỉ liên quan đến cơn đau tim, mà còn là…
Một người đàn ông đã bắn chết 5 người trước khi tự sát tại chợ…
Campuchia cho biết vào lúc 8h15 sáng ngày 28/7/2025, máy bay chiến đấu Thái Lan…