Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa Kỳ (USAID) công bố sáng 28/3, có tới 54,8% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức để xin cấp các loại giấy phép trong năm 2018.
Chỉ số PCI do Nhóm nghiên cứu của VCCI xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành. PCI tổng hợp từ 10 chỉ số thành phần, bao gồm: chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ DN; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Cuộc điều tra năm 2018 của VCCI nhận được phản hồi từ 10.681 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó bao gồm 8.681 doanh nghiệp trả lời điều tra toàn bộ về các vấn đề về môi trường kinh doanh và 2.000 doanh nghiệp mới thành lập trong hai năm 2017 và 2018 tham gia đánh giá riêng về các thủ tục gia nhập thị trường.
Theo kết quả nghiên cứu PCI 2018, hiện tượng “tham nhũng lớn” có dấu hiệu giảm bớt, chỉ 30,8% doanh nghiệp cho biết có chi trả cho chi phí không chính thức để thúc đẩy nhanh thủ tục đất đai, giảm 32% so với năm ngoái.
Hiện tượng “tham nhũng vặt” – chi phí bôi trơn quy mô nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép trong năm 2018 cũng giảm so với thời kỳ trước nhưng vẫn ở mức cao. Có tới 54,8% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức.
39,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát xác nhận việc chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (năm 2017 là 51,9% và năm 2014 là 65,6%); 48,4% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Chi trả ‘hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” (năm 2017 là 54,9%).
Quy mô chi trả chi phí không chính thức cũng có xu hướng giảm, khi chỉ có 7,1% doanh nghiệp cho biết phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức.
Đáng chú ý là thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, có tới 30% doanh nghiệp cho biết khó khăn trong xin giấy chứng nhận kinh doanh. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải… Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao. Mặc dù đã giảm so với năm trước, nhưng vẫn có tới 58,2% doanh nghiệp cho biết tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước địa phương giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao, với các con số như 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh; 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỷ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).
Về xếp hạng các tỉnh thành, kết quả PCI 2018 không có nhiều thay đổi trong danh sách 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước so với năm 2017. Quảng Ninh năm thứ 2 liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu với 70,36 điểm. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2018 là Đồng Tháp với 70,19 điểm. Lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Long An (68,09 điểm) và Bến Tre (67,67 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2018 bao gồm Đà Nẵng với (67,65 điểm), Bình Dương (66,09 điểm), Quảng Nam (65,85 điểm), Vĩnh Long (65,53 điểm), Hà Nội (65,39 điểm) và TP. Hồ Chí Minh (65,34 điểm).
Hoàng Giang
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…