Categories: Kinh Tế

“Phí chia tay” tại một số nước được quy định như thế nào?

Ngày 12/6, đề xuất về “phí chia tay” của Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng trình bày trước Quốc hội liên quan đến Luật xuất nhập cảnh đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Theo đó, ông Hưng đề nghị công dân Việt Nam khi xuất cảnh nộp “phí chia tay” từ 3 đến 5 USD.

Hành khách đóng phí xuất cảnh tại 1 sân bay ở Cuba (Ảnh: Flickr)

Ông Hưng cho rằng loại phí này sẽ được dùng vào một số công việc cho quốc gia, gồm cả đầu tư vào du lịch, cũng như “để chiến sĩ ở cơ quan biên phòng tươi cười hơn”. Đồng thời, ông cũng cho biết Nhật Bản đã có loại phí này mỗi khi xuất cảnh kể từ tháng 1/2019, dự kiến đem về cho ngân sách nhà nước 400 triệu USD mỗi năm.

Vậy ngoài Nhật Bản, có những nước nào đã áp dụng loại phí tương tự?

Trên thế giới, có nhiều nước đã áp dụng tính phí khi một cá nhân rời khỏi đất nước/ lãnh thổ của nước đó. Nó được gọi với nhiều tên gọi khác nhau, thường được gọi là “phí xuất cảnh” (departure tax), “phí sân bay” (airport charge).

Trong khi một số nước tính loại phí trên chỉ khi cá nhân rời khỏi đất nước bằng đường hàng không, thì một số nước khác tính phí cả khi rời đi bằng đường thuỷ, đường bộ. Với đường hàng không, thông thường loại phí này được các hãng hàng không tính gộp luôn vào giá vé máy bay.

Tại Nhật, loại phí này được gọi là “thuế du lịch quốc tế” (international tourist tax), và được tính luôn vào vé hàng không, tàu thủy, áp dụng cho cả công dân Nhật và người nước ngoài từ hai tuổi trở lên khi rời khỏi Nhật Bản. Mức đóng phí này là 1.000 Yên (khoảng 9 USD).

Tại Đông Nam Á: Gần đây nhất có Malaysia là nước quy định loại thuế này, hiệu lực từ 1/6/2019, theo đó bất kỳ ai ra khỏi Malaysia bằng hàng không hoặc tàu đi sang Asean sẽ đóng 20 ringgit (4.8 USD). Nếu đi sang nước khác, thì họ phải đóng 40 ringgit (9.7 USD).

Thái Lan quy định loại phí này từ năm 2007, theo đó xuất cảnh bằng đường hàng không sẽ phải đóng 700 Bath (22 USD), phí này được cộng luôn vào giá vé máy bay.

Tại Indonesia, loại phí này có giá 200,000 Rupiah (17 USD), trả bằng tiền mặt và bằng đồng Rupiah đối với tất cả hành khách rời khỏi Indonesia bằng đường hàng không. Riêng với các chuyến bay của hãng Garuda Indonesia và Citilink thì phí này được tính vào luôn trong tiền vé.

Tại Philippines, loại phí này được quy định khác nhau với từng đối tượng khác nhau khi xuất cảnh bằng đường hàng không. Công dân Philippines và người nước ngoài đã ở lại Philippines hơn 1 năm sẽ phải đóng phí 1,620 peso (33 USD) với vé hạng Phổ thông, và 2,700 peso (54 USD) với vé hạng Thương gia. Đối với trẻ em từ 2 – 12 tuổi, nhà báo hoặc những người được Nhà nước cử đi công tác, loại phí này là 810 peso (16 USD) với vé hạng Phổ thông và 1,350 peso (27 USD) với vé hạng Thương gia.

Tại Campuchia, từ năm 2011, mức phí 25 USD được cộng thẳng vào giá vé máy bay.

Ở một số quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, mức phí 90 tệ (16 USD) được áp dụng cho mọi hành khách rời khỏi Trung Quốc bằng đường hàng không và được cộng luôn vào giá vé máy bay. Tại Hồng Kông, hành khách rời đi bằng đường hàng không phải trả 120 đô HK, bằng phà phải trả 18 đô HK – đều được cộng vào vé. Tại Sri Lanka, Ả Rập Xê Út, mức phí rời đi lần lượt là 46 USD và 23 USD được cộng vào giá vé máy bay cho mọi hành khách.

Tại Iran, phí xuất cảnh chỉ áp dụng cho công dân Iran, trả tại sân bay hoặc các chi nhánh của ngân hàng Melli. Mức phí là 18 USD nếu xuất cảnh lần thứ nhất trong năm, 27 USD nếu xuất cảnh lần thứ hai trong năm, và 35 USD nếu xuất cảnh từ lần thứ ba trở lên trong năm.

Tại Bangladesh, hành khách rời khỏi nước này theo đường bộ phải đóng phí 350 taka (3,5 USD), trả bằng tiền mặt.

Tại Úc, kể từ năm 1995, mọi hành khách rời Úc bằng hàng không hay đường thủy phải trả 55 đôla Úc.

Tại Anh, loại phí này được gọi là “thuế hành khách đường hàng không” (Air passenger duty), được xếp vào mức đắt nhất thế giới. Đối với chuyến bay dưới 2.000 dặm, hành khách phải trả 17 USD cho vé hạng Phổ thông và 33 USD cho vé các hạng khác. Với chuyến bay trên 2.000 dặm, mức phí với vé Phổ thông là 95 USD và 189 USD cho các hạng vé khác.

Các quốc gia khác ở Châu Âu như Đức, Ý, Nga, Na Uy, Hy Lạp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Áo đều áp dụng phí tính lên hành khách khi họ rời khỏi các quốc gia này bằng đường hàng không.

Tại khu vực Trung – Nam Mỹ, các quốc gia như Cuba, Costa Rica, Cộng hoà Dominic, Honduras, Jamaica, Panama, Peru, Guyana, Ecuador cũng đều tính phí chủ yếu khi hành khách xuất cảnh bằng đường hàng không. Phí thường được cộng luôn vào vé máy bay.

Tại nhiều quốc gia, loại phí này được cho là có đóng góp đáng kể đến nguồn thu của chính phủ, trong khi cũng có nhiều chỉ trích rằng loại phí này làm giảm số lượng khách du lịch.

Xuân Lan

Xem thêm:

Xuân Lan

Published by
Xuân Lan

Recent Posts

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

3 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

8 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

30 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

2 giờ ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

2 giờ ago