5 tháng sau khi ra quy định cát xây dựng thuộc danh mục hàng hóa phải kê khai giá bán, tỉnh Quảng Ngãi bãi bỏ quy định này, với lý do đã có nhiều hơn một mỏ khai thác. Dự báo trong 3 tháng cuối năm 2023, nhu cầu sử dụng cát xây dựng nội tỉnh Quảng Ngãi là hơn 452.000 m3 với mức giá chênh lệch gần gấp đôi giữa các mỏ.
Ngày 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký thông báo “bỏ danh mục hàng hóa là cát làm vật liệu xây dựng (VLXD) thuộc diện phải kê khai giá”.
Cùng với quyết định hủy quy định kê khai giá cát, ông Minh yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh cát làm VLXD phải niêm yết giá bán và bán đúng theo giá đã niêm yết. Giá niêm yết cát do các Sở Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, thông báo UBND tỉnh khi xảy ra biến động giá.
Theo đó, chỉ 5 tháng sau khi ban hành thông báo đưa cát xây dựng vào danh mục hàng hóa phải kê khai giá bán, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa mặt hàng này ra khỏi danh mục phải kê khai giá.
Tại Thông báo 187 do ông Minh ký ngày 14/4/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu bổ sung danh mục hàng hóa là cát xây dựng của các mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép khai thác vào danh mục hàng hóa phải kê khai giá.
Việc kê khai giá với hàng hóa cát được Quảng Ngãi viện dẫn trên cơ sở Luật Giá năm 2012, Nghị định 177 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, các nghị định, thông tư liên quan Nghị định 177, và Quyết định số 50 về quản lý giá trên địa bàn tỉnh được ban hành vào năm 2015; căn cứ theo đề nghị của Sở Xây dựng và đề xuất của Sở Tài chính tỉnh.
Trong danh mục hàng hóa thuộc diện phải kê khai giá được quy định tại Luật Giá năm 2012, cát xây dựng không thuộc diện danh mục hàng hóa, dịch vụ đặc thù thực hiện bình ổn giá hoặc hàng hóa do nhà nước quy định.
Tại Nghị định 177 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, chỉ xi măng và thép xây dựng thuộc nhóm vật liệu xây dựng nằm trong danh mục hàng hóa thuộc diện kê khai giá.
Mặc dù vậy, Nghị định 177 nêu quy định căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng trình UBND tỉnh bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ đặc thù thực hiện kê khai giá tại địa phương (nếu có).
Báo Giao thông ngày 15/9 dẫn thông tin từ Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nêu trước đó toàn tỉnh có một mỏ cát nên tỉnh ban hành thông báo đưa cát vào danh mục hàng hóa kê khai giá để kiểm soát giá nhằm chống độc quyền giá cát, vì thời điểm đó chỉ có một đơn vị có giấy phép khai thác mỏ cát. Giờ số lượng mỏ cát nhiều nên tỉnh phải hủy bỏ quy định trên.
Trong diễn biến liên quan, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi mới đưa ra thông tin về nhu cầu sử dụng cát trong 9 tháng đầu năm và dự báo nhu cầu trong 3 tháng còn lại của năm 2023.
Trong 16 cơ quan, đơn vị đã được gửi đề nghị báo cáo, đến ngày 8/9, có 10/16 cơ quan và đơn vị, đã gửi báo cáo cho Sở Xây dựng.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, nhu cầu cát sử dụng của 10/16 đơn vị và cơ quan là gần 731.000m3. Trong đó đơn vị cấp tỉnh có nhu cầu nhiều nhất là Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp (trên 342.000m3); BQL các công trình giao thông (gần 226.000m3) và ít nhất là BQL dự án công trình Dân dụng (gần 24.000m3).
Đối với 7/13 địa phương, tổng nhu cầu cát đã sử dụng là trên 139.000m3. Trong đó nhiều nhất là huyện Ba Tơ (40.000m3), huyện Nghĩa Hành (31.500m3) và ít nhất là huyện Lý Sơn (10.376m3).
Dự báo trong 3 tháng còn lại của năm 2023, nhu cầu sử dụng cát xây dựng của số đơn vị, cơ quan nêu trên (10/16) là trên 452.000m3, gồm 3 đơn vị cấp tỉnh trên 389.000m3; còn lại là 7/13 huyện, thị và thành phố.
Trong đó đơn vị dự báo có nhu cầu nhiều nhất là BQL Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, với số lượng trên 282.000m3; BQL dự án công trình giao thông cần khoảng 74.229m3 và các địa phương, nhiều nhất là huyện Ba Tơ, cần khoảng 20.000m3, huyện Nghĩa Hành cần khoảng 11.000m3 và ít nhất là huyện Lý Sơn, gần 2.500m3.
Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, hiện nay ở tỉnh có 5 mỏ cát đi vào hoạt động thương mại. Giá bán tại các mỏ (chưa tính thuế VAT) lần lượt tại Mộ Đức của Công ty Quốc Tiến là 181.818 đồng/m3 cát; tại mỏ ở huyện Nghĩa Hành của Công ty Vương Thắng là 313.636 đồng/m3; tại mỏ ở TP. Quảng Ngãi của Công ty Khoáng sản Quảng Ngãi là 324.159 đồng/m3 cát; tại mỏ Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa của Công ty T&H Gia Lai là 326.623 đồng/m3 cát và tại thị xã Đức Phổ của Công ty Phú Mỹ Á là 345.455 đồng/m3.
Với giá thông báo trên, giá cát giữa các mỏ chênh lệnh gần 164.000 đồng/m3 (giữa giá thấp nhất là 181.818 đồng/m3 và giá cao nhất hơn 345.455 đồng/m3).
Báo Đầu tư dẫn lời một chủ doanh nghiệp chuyên thi công các công trình tại Quảng Ngãi cho hay giá cát tại tỉnh này tăng theo từng năm. Trước năm 2020, giá cát chỉ khoảng 100.000 đồng/m3, nay, công ty này phải mua giá cao gấp hơn 3 lần, trên 320.000 đồng/m3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…