Các nhà bảo hiểm Trung Quốc đang hút được bộn tiền, nhưng cuối cùng tiền đổ về đâu?
Thị trường bảo hiểm Trung Quốc đang tăng trưởng chóng mặt, một phần nhờ vào chính sách thả tự do lãi suất đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt. Nhưng khi ngày càng nhiều người mua bảo hiểm, càng có nhiều người thắc mắc một phần tiền của họ rốt cuộc đi về đâu.
Năm 2016, lượng tiền đổ vào các tài khoản đầu tư liên quan đến loại hình bảo hiểm nhân thọ Universal Life là 1,19 nghìn tỷ Nhân dân tệ (172 tỷ USD) – gấp đôi con số hai năm trước. “Bảo hiểm Universal là một lựa chọn tốt bởi vì lợi tức hấp dẫn,” một phụ nữ tầm 30 tuổi nói, sau khi lắng nghe một nhân viên bán hàng tại Ngân hàng Bình An ở Thượng Hải giới thiệu.
Doanh số bán hàng qua các ngân hàng tăng nhanh chiếm hơn 40% tổng các giao dịch bảo hiểm. Ngân hàng hiện là kênh bán hàng số hai sau các công ty bán bảo hiểm hưởng phí.
Tại Trung Quốc, bảo hiểm Universal đã nhanh chóng mở rộng thị trường những năm gần đây. Đúng như tên gọi, họ cung cấp đa dạng sản phẩm. Một quyển giới thiệu của Tập đoàn Bảo hiểm Bình An cho thấy sản phẩm bảo hiểm Universal của công ty này trả khoản đền bù cao trong trường hợp chết do bệnh tật hoặc tai nạn, trong khi phí được trả cho trương mục để dành là cam kết ở tỷ lệ 5,5%. Chẳng hạn, một khoản bảo hiểm 100.000 Nhân dân tệ sẽ có giá trị là 500.000 Nhân dân tệ sau 35 năm, sau khi trừ đi các chi phí.
Trong khi phí phạt chấm dứt hợp đồng sớm là 5%, khách hàng có thể tránh được khoản mất vốn nếu họ giữ đến 1 năm.
Sự nới lỏng các quy định vào năm 2015 đã mở đường cho sự phát triển của loại hình bảo hiểm Universal. Bắc Kinh đã bỏ giới hạn lãi suất cam kết thêm 2,5%, cho phép các nhà bảo hiểm cạnh tranh bằng cách chào lãi suất cao.
Kết quả là, ngành bảo hiểm thu hút được một lượng tiền mặt khổng lồ. Sự thông dụng của bảo hiểm Universal mang đến sự tăng trưởng hơn 20%/năm trên tổng số tài sản bảo hiểm tính mạng và bảo hiểm nhân thọ vào cuối năm 2015, lên hơn 12 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Trung Quốc hy vọng tổng tài sản của ngành bảo hiểm tăng lên 20 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2020. Kế hoạch này được chuẩn bị từ năm 2015 khi bong bóng thị trường chứng khoản của nước này sụp đổ – cho thấy ít nhất nó nhắm đến mục tiêu ổn định thị trường từ nguồn quỹ của các công ty bảo hiểm.
Điều lo ngại là sự bùng nổ của lĩnh vực bảo hiểm có thể tạo ra những rủi ro khác, với một phần nguồn vốn đi vào những giao dịch đáng ngờ.
Cuối năm 2015, trái phiếu và tiền gửi ngân hàng chiếm tỷ lệ lần lượt là 34,4% và 21,8% tài sản của các công ty bảo hiểm có quản lý, theo báo cáo ngành thường niên của chính phủ Trung Quốc. Tỷ lệ các khoản vay bảo hiểm là 12,3% trong khi tỷ lệ vay trong đầu tư chứng khoán, đầu tư quỹ và đầu tư cổ phiếu khác thấp hơn 20%.
Cuối năm 2013, đầu tư cổ phiếu chiếm khoảng 15% – tức là tỷ lệ các tài sản rủi ro hơn đang tăng lên.
Chính quyền cho là vẫn còn biên độ để tăng thêm vốn tự có. Tuy nhiên, đã có những vụ việc đáng báo động.
Công ty Bảo hiểm nhân thọ Foresea đã hứng chịu sự giận giữ của các nhà quản lý khi thực hiện cách thức đầu tư mạo hiểm.
Công ty này đã bán bảo hiểm Universal với mức lợi tức hứa hẹn cao tới 7% hoặc 8%. Hóa ra chủ tịch Yao Zhenhua- người đứng đầu của công ty bảo hiểm mẹ, Tập đoàn Baoneng- đã sử dụng tiền đóng bảo hiểm để mua dần hơn 25% cổ phần trong công ty bất động sản China Vanke, trong một nỗ lực thâu tóm mang tính thù địch. Điều này khiến chủ tịch của Vanke gọi Baoneng là “kẻ man rợ.”
Ủy ban Quản lý bảo hiểm Trung Quốc đã vào cuộc và cấm Foresea bán các sản phẩm bảo hiểm có lợi tức cao vào thời điểm đó. Sau đó ông Yao đã bị cấm tham gia lĩnh vực bảo hiểm 10 năm.
“Một sự trừng phạt có hiệu lực hơn cả ngàn lời cảnh cáo,” ông Xiang Junbo, Chủ tịch ủy ban phát biểu vào tháng 12, trong một công kích công khai nhắm vào Foresea. “Nếu họ không nghe chúng tôi 10 lần, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đình chỉ hoạt động của họ. Nếu họ vẫn không tuân theo, chúng tôi sẽ tước giấy phép của họ.”
Sự việc này có lẽ vẫn gây hậu quả thị trường. Một hãng xếp hạng tín dụng Trung Quốc đã hạ thấp đánh giá triển vọng đối với Foresea; nếu công ty bảo hiểm này lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, thị trường chứng khoán sẽ bị tác động, bởi vì đó là một cổ đông lớn trong 40 công ty niêm yết hàng đầu.
Sự tham gia của các công ty bảo hiểm vào Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc – tham vọng xây dựng cơ sở hạ tầng từ châu Á tới châu Âu – làm nảy sinh những nghi vấn về quản lý tài sản và những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.
Một nhóm gồm 46 công ty bảo hiểm, các công ty quản lý tài sản trực thuộc và các bên liên quan khác đã thành lập công ty Đầu tư bảo hiểm Trung Quốc (China Insurance Investment) để chớp cơ hội trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng. Mặc dù có rất ít thông tin về hoạt động của thể chế này, nó báo cáo đã huy động được 40 tỷ Nhân dân tệ.
Nguồn tin thân cận với công ty Đầu tư bảo hiểm Trung Quốc nói công ty này đã vươn bàn tay tới một dự án khí tự nhiên ở bán đảo Yamal của Nga; mua lại một cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ; xây dựng một cảng tự do ở Djibouti; và dự án cảng thành phố Colombo ở Sri Lanka.
Trung Quốc đang rất muốn thể hiện sức mạnh kinh tế của mình và mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu, nhưng dự trữ ngoại hối đang giảm của nước này là một cản trở. Trong điều kiện này, Bắc Kinh càng khó có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của nguồn tiền khổng lồ đang trôi nổi trong ngành bảo hiểm
Mặc dù vậy, nếu không được quản lý minh bạch hơn, ngành bảo hiểm Trung Quốc có thể vượt qua ranh giới, bước vào các hoạt động ngân hàng ngầm – một mạng lưới tài chính nhớp nhúa, rộng lớn được xem như gót chân Asin của nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia Review
Liên Hương
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…