OPEC và Nga không còn đóng vai chính trên thị trường dầu mỏ toàn cầu
- chân hồ
- •
Giá dầu ngày hôm nay (24/3) giảm nhẹ do Mỹ tăng sản lượng khai thác. Điều này khiến OPEC buộc phải đi đến hướng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng để cân bằng thị trường, không để giá rớt sâu.
Theo thỏa thuận đạt được hồi cuối năm ngoái, OPEC đồng ý cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày kể từ 1/1/2017 và kéo dài trong vòng sáu tháng. Đây là quyết định cắt giảm sản lượng đầu tiên trong tám năm qua. Nga và một số quốc gia không thuộc OPEC khác cũng tham gia vào thỏa thuận trên nhằm nâng giá “vàng đen”.
Tuy nhiên, dự trữ dầu tại nhiều nước công nghiệp tăng cao và lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ cải thiện đã khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục gia tăng sản lượng. Chính điều này đã hạn chế những tác động tích cực của thỏa thuận trên đối với thị trường dầu mỏ.
Do vậy, đại diện của OPEC mới đây đã phát biểu rằng: “Việc kéo dài thời hạn của thỏa thuận cắt giảm sản lượng là rất cần thiết để cân bằng thị trường dầu mỏ. Và nỗ lực này cần có sự tham gia của cả các nước ngoài OPEC.”
Hiện nay Nga – nhà sản xuất dầu lớn nhất trong số 11 quốc gia nằm ngoài OPEC có tham gia thỏa thuận cuối năm ngoái, vẫn chưa chính thức bảy tỏ thái độ ủng hộ hay không đối với đề xuất kéo dài thỏa thuận trên, nhưng Mát-xcơ-va lại khá thận trọng trước việc Mỹ tiếp tục tăng sản lượng dầu đá phiến.
Jeremy Baker, chiến lược gia từ công ty Vontobel Asset Management, cho biết nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2017 dự kiến sẽ vẫn mạnh và cao hơn 0,2-0,4 triệu thùng/ngày so với mức tăng trưởng trung bình trong dài hạn là 1,2 triệu thùng/ngày.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ tăng gần 5 triệu thùng lên mức kỷ lục 533,1 triệu thùng vào tuần trước, vượt xa dự báo tăng 2,8 triệu thùng. Tồn kho cao do sản lượng dầu thô của Mỹ tăng hơn 8% kể từ giữa năm 2016 lên trên mức 9,13 triệu thùng/ngày.
Theo Ngân hàng Jefferies (Mỹ) thì nếu OPEC gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới hết năm 2017, tồn kho sẽ giảm xuống và giá dầu có thể phục hồi lên mức 60USD/thùng trong quý 4 năm nay.
Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ cũng có thể tăng 360.000 thùng/ngày trong năm 2017 và 1 triệu thùng/ngày trong năm 2018, và việc phục hồi giá có thể thúc đẩy hoạt động khai thác đá phiến của nước này.
Thực tế là cả OPEC và Nga đã không còn giữ vai trò chính trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Sự gia tăng chi phí sản xuất đã xói mòn năng lực tài chính của các hãng dầu lớn trong khi khai thác đá phiến của các hãng dầu tại Mỹ trở nên hiệu quả và tiết giảm được nhiều chi phí nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Chân Hồ (T/H)
Xem thêm: