Giá gửi xe tại Hà Nội thời điểm đầu năm 2018 tăng gấp 3 lần, mức phí cao nhất với ô tô dưới 9 chỗ gửi qua đêm có thể lên đến 4 triệu đồng/tháng.
Từ ngày 1/1/2018, nhiều tuyến đường thuộc quận nội thành Hà Nội đã tăng phí sử dụng lòng đường, hè phố lên mức cao nhất 300%, kéo theo giá vé gửi xe máy, ô tô tăng gấp nhiều lần khiến người dân lo lắng.
Cụ thể, giá trông ô tô dưới 9 chỗ tại 12 tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm như Lý Thái Tổ, Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt,… là 60.000 đồng/lượt 2 giờ (trước đây là 30.000 đồng); 3 triệu đồng/tháng vào ban ngày và 4 triệu đồng/tháng nếu gửi qua đêm. Các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm có giá 50.000 đồng/lượt 2 giờ; 2 triệu đồng/tháng ban ngày; 3 triệu đồng/tháng qua đêm.
Bên cạnh đó, các tuyến phố nằm trong vành đai 3 có giá 30.000 – 40.000 đồng/lượt 2 giờ; từ 1,5 – 1,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài việc thu phí theo doanh thu các điểm trông giữ xe (cao nhất là 6% doanh thu/tháng), Sở GTVT còn áp dụng hình thức thu phí trông giữ xe theo m2 (cao nhất là 80.000 đồng/m2/tháng). Như vậy, cộng với việc tăng phí cao nhất lên đến gấp 3 lần, Sở dự tính thu về 113,4 tỷ đồng cho năm 2018.
Về lý do tăng giá, ông Ngô Mạnh Tuấn – Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết thành phố hiện đang thiếu điểm trông giữ xe. Theo ước tính của Sở GTVT, quỹ đất dành cho đỗ xe chỉ đáp ứng chưa đến 50% phương tiện, vì vậy việc tăng giá trông giữ xe được coi là một giải pháp để quản lý, giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân vào trung tâm thành phố, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Việc tăng giá giữ xe đã khiến nhiều chủ xe gặp khó. Một tài xế tại quận Hoàn Kiếm cho hay mỗi ngày đi làm anh phải gửi xe 8 tiếng mất hết 300.000 đồng, đây là một mức quá cao. Trong khi đó, nhiều tài xế ô tô khác đành phải ngậm ngùi cân nhắc phương án đi xe máy thay thế ô tô.
Một tài xế khác ở quận Hai Bà Trưng bức xúc: “Cuối năm giá điện, xăng tăng, giờ phí gửi xe cũng tăng, không biết xoay thế nào, thật sự tôi rất lo lắng”.
>> Xăng ‘âm thầm’ tăng giá liên tục, vượt mốc 20.000/lít
Mặc dù nhiều người dân điêu đứng, cơ quan chức năng vẫn bảo vệ lập trường tăng phí giữ xe và cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế lưu lượng xe vào quận trung tâm.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội, người dân phản ứng trước việc tăng giá trông giữ xe là điều dễ hiểu do bị tác động đến hầu bao. Nhưng nếu không tăng phí để hạn chế phương tiện cá nhân, sau này khu trung tâm sẽ chẳng còn chỗ đứng.
Về việc người dân cho rằng tăng phí cần phải có lộ trình, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội – ông Vũ Văn Viện khẳng định phương án này đã được nghiên cứu trong nhiều năm, việc tăng phí trông giữ xe nhằm đáp ứng cho kế hoạch mở rộng phố đi bộ và hạn chế phương tiện cá nhân ở nhiều khu vực hơn.
Giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô ở khu vực TP. Hà Nội được Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành có hiệu lực từ 1/1/2018. Theo đó, giá trông xe máy tăng lên mức 3.000 – 5.000 đồng/xe/lượt; ô tô tại các quận tăng lên mức tối đa 30.000 – 35.000 đồng/xe/lượt. Hiện tổng số điểm trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè được Sở GTVT và các quận cấp phép là 653 điểm; số diện tích sử dụng là 124.900 m2. Trong đó, có 403 điểm trông xe có thu phí và 250 điểm không thu phí. Số điểm Sở GTVT cấp là 237 điểm (chủ yếu lòng đường), các quận cấp 416 điểm (chủ yếu vỉa hè). Theo khảo sát, nhiều bãi xe ở một số khu vực tại các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (nằm ngoài khu vực đường vành đai 3) trở nên đắt khách vì lượng xe từ trong vành đai 3 đổ xô về ký gửi qua đêm. Một số bãi xe tự phát cũng bắt đầu nở rộ, tăng giá thu phí. |
Chân Hồ (T/h)
Xem thêm:
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…