Bị áp thuế tự vệ cao đối với phôi thép, các doanh nghiệp thép Việt Nam lựa chọn nhập khẩu thép thành phẩm và xuất sang nước thứ ba. Nhưng đây lại là kẽ hở gian lận thương mại cho ngành thép Trung Quốc, vốn đang trong tình trạng dư cung.
Cuối tháng Ba vừa qua, doanh nghiệp thép Việt lao đao khi Bộ Công thương công bố áp thuế tự vệ tạm thời lên phôi thép – nguyên liệu đầu vào của phần lớn các doanh nghiệp thép tại Việt Nam.
Với lý do bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất phôi trong nước, phôi thép nhập khẩu được đánh mức thuế 23.3%, cao hơn mức thuế tự vệ của thép thành phẩm là 15.4%. Điều đáng nói là chính sách trên được ban hành trong bối cảnh Việt Nam hiện tại chưa thể đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về phôi thép cho các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa.
Có lẽ vì lý do đó, bắt đầu từ tháng Tư, thị trường chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng của sản lượng thép nội địa. Trong 8 tháng đầu năm, tồn kho thép biến động tăng thêm gần 350 tấn. Trong tháng 6, tháng 7 sản lượng thép sản xuất ra gấp 1,5 lần so với khối lượng tiêu thụ được.
Thay vào đó, thép nhập khẩu giá rẻ vẫn đang ồ ạt tràn vào Việt Nam, lấn sân khu vực sản xuất nội địa. Tính đến hết tháng 8/2016, lượng sắt thép cả nước nhập về là 12,36 triệu tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Sau khi bị áp thuế tự vệ, các doanh nghiệp thép không tự chủ về phôi nhao nhác tìm hướng đi mới. Mở rộng thị trường xuất khẩu là một giải pháp của doanh nghiệp thép Việt.
Trong bối cảnh thép Trung Quốc bị đánh thuế phá giá rất cao (lên tới 199,43% đối với thuế chống phá giá và 241,43% đối với mức thuế chống trợ cấp) thì thép Việt giữ một lợi thế không nhỏ. Riêng trong tháng 8, xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 269.922 tấn, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 9,5% so với tháng trước.
Tuy nhiên, thời kỳ hưởng lợi không kéo dài lâu khi hàng loạt công ty thép các nước tại EU, Mỹ khởi kiện chống phá giá đối với sản phẩm thép các loại của doanh nghiệp Việt. Theo đó, các doanh nghiệp thép Việt bị nghi là nhập khẩu hàng Trung Quốc và bán lại sang thị trường Mỹ, EU để né thuế chống phá giá.
Đánh mất cơ hội này quả là đáng tiếc cho doanh nghiệp Việt. Nếu thực sự kết quả điều tra cho thấy có hành vi gian lận thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải chịu phạt rất lớn. Hiện chưa thể tính toán được mức độ thiệt hại chính xác nhưng các doanh nghiệp Mỹ nguyên đơn đã đề nghị hoãn thanh khoản các chuyến hàng nhập khẩu sản phẩm thép chống ăn mòn từ Việt Nam, cũng như yêu cầu khoản tiền đặt cọc với các chuyến hàng này ở mức bằng với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với sản phẩm từ Trung Quốc.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…