Thị trường tiền tệ trong nước chịu nhiều áp lực trong việc ổn định mặt bằng lãi suất mặc dù FED chưa tiếp tục phát đi tín hiệu tăng lãi suất trong cuộc họp vào đầu tháng 5 sắp tới.
Những dấu hiệu không mấy khả quan của thị trường lao động và lạm phát trong tháng 3 của Mỹ có thể khiến quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của nước này chậm lại. Đại diện FED còn tuyên bố rằng các điều luật về hoạt động tài chính được ra đời vào năm 2008 trong bối cảnh ngăn chặn khủng hoảng nên được rà soát lại do tính chất quá phức tạp và có thể gây cản trở tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên các vấn đề cốt lõi vẫn cần được bảo toàn.
Trong một diễn biến khác, thị trường chứng khoán toàn cầu đã quay đầu giảm điểm trong nửa đầu tháng 4/2017 do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Tính đến 18/4, hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn toàn cầu đều giảm điểm khá mạnh so với so với cuối tháng 3. Tình hình bất ổn địa chính trị (các cuộc không kích và ném bom tại Syria, Afghanistan cùng căng thẳng tại biên giới Triều Tiên) có thể là nguyên nhân chính dẫn đến những phản ứng tiêu cực trên thị trường chứng khoán thế giới.
Hiện hầu hết các đồng tiền chủ chốt đều tiếp tục tăng giá so với USD. Tại Châu Á, đồng Nhân dân tệ sau khi liên tục giảm giá và lập đáy trong năm 2016 cũng đã được điều chỉnh tăng.
Thị trường tiền tệ trong nước chịu nhiều thách thức trong việc ổn định mặt bằng lãi suất
Tại Việt Nam, thị trường tiền tệ trong những tháng đầu năm 2017 cũng có nhiều biến động do nhu cầu tín dụng tăng cao ngay từ đầu năm. Tính đến hết quý 1/2017, tín dụng đã tăng khoảng 4% (cùng kỳ 2016 là 3,04%), mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây trong khi đó tốc độ tăng của huy động vốn đạt khoảng 3%. Thêm vào đó, NHTM có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn cao cũng phát sinh nhu cầu cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN.
Hiện lãi suất huy động tại một số NHTM cũng chưa có mức điều chỉnh đáng kể nào. Tại thời điểm cuối tháng 4, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn trên 12 tháng dao động quanh mức 7%.
Tuy nhiên ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn 2016. Chẳng hạn như kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi FED dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay. Thứ hai, nợ xấu khi chưa được xử lý triệt sẽ vẫn là rào cản lớn cho hạ mặt bằng lãi suất. Một vấn đề không nhỏ khác là các tổ chức tín dụng tiếp tục phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo theo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% kể từ 1/1/2018.
Do vậy, để có thể ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2016 (lãi suất cho vay bình quân chỉ tăng khoảng 0,1 điểm %), cần đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, cần giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý: với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng 2-4%, hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7% vẫn đảm bảo có lợi cho VND. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND khoảng 5,2%, lợi ích nghiêng về vay bằng VND.
Lam Ngọc
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…