Việc FED tăng lãi suất có thể làm gián đoạn tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang FED (ảnh: federal-reserve.org)
Ngân hàng Dự trữ Liên bang FED (ảnh: federal-reserve.org)

Các thị trường Châu Á có thể tạm thời đang yên ắng, nhưng họ cần phải chuẩn bị đón một cơn bão tài chính sắp tới.

Vào rạng sáng hôm 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tăng lãi suất lần thứ ba kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Tỷ lệ lãi suất hiện tăng lên mức 0,75 – 1%. Sự gia tăng này có thể nói là không đáng chú ý. Nhưng thị trường đang thu mình trông ngóng những gợi ý của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang về những diễn biến sắp tới. Fed dự đoán lãi suất sẽ tăng hai lần trong năm nay, với dự báo trung bình tăng lên 1,4% cuối năm 2017 và hơn 2% vào cuối năm 2018.

Fed đã thông báo chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng, và tăng lãi suất hai lần vào cuối năm 2015 và 2016. Và nếu dự báo của FED lần này là đúng, thì bây giờ chúng ta có một chu kỳ thắt chặt tiền tệ đích đáng đầu tiên kể từ năm 2004, thay vì là cú sốc gây ra bởi hiện tượng “taper tantrum” năm 2013 (“Taper tantrum” là chỉ sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi đó vào năm 2013).

Lý do thắt chặt tài chính có vẻ như hợp lý nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục.

Sau sự thiếu hụt hàng hóa kéo dài một cách bất thường vào giữa năm 2015 đến giữa 2016, đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ xuống mức tê liệt, thì nền kinh tế bây giờ đã trông khởi sắc hơn. Đó là tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, trung bình có 200.000 công việc tạo mới trong một tháng kể từ ba tháng gần nhất, đây là một tốc độ vượt ngoài mong đợi của FED. Ngoài ra, những dấu hiệu đáng khích lệ khác như tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,7%, cải thiện trong tiền lương và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng nhẹ. Toàn bộ các chỉ báo về số lượng sản phẩm tạo ra từ công việc mới và số giờ làm việc, cộng với năng suất lao động tăng đã mở ra kỳ vọng mức tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 2-2,5%. Trái lại, theo các dự báo về GDP trong thời gian thực của các ngân hàng dự trữ liên bang Atlanta và New York, cho rằng tăng trưởng đầu năm nay thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, khi cân nhắc mọi khía cạnh, nền kinh tế có vẻ khá tốt, và nó sẽ được hưởng lợi đôi chút từ các chính sách kinh tế và thuế do chính quyền của Tổng thống Donald Trump cung cấp một khi được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua. Chúng ta sẽ sáng tỏ về điều này trong hai tháng tới. Ngay cả khi những kỳ vọng trong thị trường tài chính tỏ ra khá phóng đại, rất có thể sẽ có những cắt giảm thuế doanh nghiệp và cá nhân, một số cải cách về cơ cấu thuế doanh nghiệp, chi tiêu quốc phòng cao hơn và những nỗ lực nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng. Nếu ước tính thận trọng, ví dụ gói kích thích tài chính ròng sẽ ít hơn 0,5% GDP của Mỹ vào năm 2017 và nhiều hơn 1% vào năm 2018, nó sẽ tạo ra áp lực lạm phát vừa phải trong trường hợp không có các biện pháp bảo hộ thương mại.

Nếu điều đó xảy ra, chúng ta nên kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất như dự đoán, hoặc thậm chí nhanh hơn một chút nếu nền kinh tế tăng thêm đà tăng điểm. Chỉ riêng những kỳ vọng về chính sách tiền tệ này, chưa tính đến bất kỳ ảnh hưởng nào từ những cải cách thuế của Hoa Kỳ, là đủ để đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ lên tới 3% trong năm 2017 và tăng thêm đà tăng lên của đồng USD.

Điều này ảnh hưởng như thế nào đến các nước châu Á mới nổi?

Sự kết hợp của chính sách thắt chặt tiền tệ dần dần, chính sách quản lý nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại, và khuyến khích các công ty Mỹ hồi hương tiền mặt đang ở nước ngoài, cũng như những thay đổi về quy định hạn chế việc tài trợ mua lại và tài trợ xuyên biên giới có thể dẫn đến áp lực huy động USD ở châu Á, tăng chi phí thanh toán bằng USD, và sự mất giá của đồng nội tệ. Chúng ta đã nhìn thấy dấu hiệu này từ cuối năm 2016. Rất có khả năng các dòng vốn rút khỏi thị trường sẽ định kỳ tạo ra những cơn sóng dữ và thậm chí làm tăng trưởng kinh tế chậm lại do lãi suất cao hơn.

Khả năng chịu đựng áp lực của Châu Á cũng không phải là không đáng kể. Trung Quốc nắm giữ 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore tổng cộng giữ thêm 1 nghìn tỷ nữa. Ấn Độ, Thái Lan và Philippines cũng có dự trữ đầy đủ dựa trên số liệu nhập khẩu và nợ nước ngoài, mặc dù Malaysia thiếu sót trong vấn đề này. Nếu cộng các dữ liệu tài khoản vãng lai và đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng, thì cán cân cơ sở (trong thanh toán quốc tế) trông mạnh ở Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc nhưng yếu hơn ở Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, đây không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá.

Vấn đề nợ doanh nghiệp

Nợ luôn luôn là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá tính dễ bị tổn thương bởi các hỗn loạn tài chính bên ngoài, nhưng khác với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98, vấn đề chính ở Châu Á hiện nay không phải là sự phồng lên của nợ nước ngoài hay nợ công. Malaysia có mức độ tương đối cao đối với cả hai, còn  Ấn Độ thì có nợ công cao. Nợ công chính thức của Trung Quốc ở mức thấp khoảng 25-30% GDP, nhưng trước khi bổ sung khoản nợ của các chính phủ và địa phương, các doanh nghiệp nhà nước và các thể chế tài chính bán tài chính như các ngân hàng phát triển chính sách có mức nợ công cao hơn đáng kể. Trên thực tế, nợ không tập trung ở nhóm này mà chủ yếu trong khối tư nhân.

Sự bùng nổ nợ tư nhân trong những năm gần đây là điều rất đáng lo ngại. Hiện tại, tại Trung Quốc nợ hơn 200% GDP, gần 190% ở Hàn Quốc, 170% ở Malaysia và 130% ở Thái Lan. Ở Ấn Độ, Indonesia và Philippines có tỷ lệ nợ thấp hơn, nhưng tỷ lệ tăng trưởng nợ trong những năm gần đây cũng đáng kể. Tình hình của Trung Quốc là điều đáng lo ngại nhất.

Mặc dù phần lớn sự gia tăng nợ khối doanh nghiệp phi tài chính ở các nước Châu Á mới nổi được vay từ các thị trường vốn nội địa bằng tiền địa bằng đồng tiền quốc gia đó, rất ít có khả năng các thị trường này không bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất của Mỹ và việc đồng USD trở nên mạnh hơn, nhất là khi dòng vốn mà trước đây đổ vào các công ty phi tài chính và thị trường trái phiếu địa phương lại đang chảy ra ngoài. Việc tìm kiếm các nguồn tài chính, tái cấp vốn và hoàn trả các khoản vay bằng USD của nhiều quốc gia bao gồm cả Trung Quốc sẽ trở thành vấn đề không hề đơn giản.

Khi cân nhắc tất cả các khía cạnh, Châu Á vẫn có khả năng tài chính để đối phó với một chu kỳ thắt chặt khiêm tốn ở Mỹ, nhưng có rất nhiều điều vẫn không chắc chắn.

Các thị trường tại châu Á có thể không sẵn sàng đón nhận một chu kỳ thắt chặt quyết đoán hơn, vì không có nhiều nền kinh tế ở đây từng trải qua một điều gì tương tự như thế.

Các chính sách tài khóa và thương mại bảo hộ của chính quyền Trump có thể gây ảnh hưởng trầm trọng lên môi trường kinh tế và tài chính ở Châu Á. Một trong số đó là khôi phục lại dòng chảy tư bản từ Trung Quốc ra nước ngoài vốn đang bị Bắc Kinh chặn bởi các biện pháp kiểm soát tài chính, theo đó đồng Nhân Dân Tệ sẽ suy yếu đi. Các thị trường châu Âu có thể bị đảo lộn nếu làn sóng dân túy thúc đẩy phe dân tộc quốc gia (những người chống toàn cầu hóa, tự do thương mại) chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng Năm tới.

Các nhà đầu tư và thị trường châu Á bây giờ vẫn có thể thoải mái, nhưng họ cần phải chuẩn bị cho cơn bão tài chính sắp tới, với chất xúc tác là chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed.

Theo Nikkei

Chân Hồ biên dịch

Xem thêm: