Một tàu chở hàng của China Shipping tại Cảng Oakland, cảng container bận rộn thứ tư tại Hoa Kỳ và là động lực kinh tế chính ở Khu vực Vịnh San Francisco tháng 3/2014. (Ảnh: Shutterstock)
Sau khi chính quyền Trump áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã đề xuất với doanh nghiệp Mỹ những phương án giá thấp như “bao thuế”, “miễn khai báo”. Những giao dịch này rất hấp dẫn với doanh nghiệp Mỹ vì phía Trung Quốc cam kết chịu toàn bộ chi phí thuế quan, tuy nhiên thường kèm theo hành vi khai giá thấp và trốn thuế, dễ khiến doanh nghiệp Mỹ vô tình vi phạm pháp luật và gánh chịu rủi ro thương mại.
Theo báo cáo của CNBC, gần đây nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc sử dụng mô hình “giao hàng đã nộp thuế” (DDP) để xuất hàng sang Mỹ, tức là người bán chịu toàn bộ thuế nhập khẩu và trách nhiệm khai báo hải quan.
Nhằm giảm số tiền thuế thực tế phải nộp, một số doanh nghiệp Trung Quốc cố tình khai thấp giá trị hàng hóa khi khai báo hải quan, hoặc phân loại sai mặt hàng để được áp mức thuế thấp hơn. Chiến lược này cho phép họ duy trì mức giá gần như trước thuế quan mặc dù mức thuế lên tới 55%.
Theo quy định của hải quan Mỹ, tất cả các nhà nhập khẩu phải nộp trước ít nhất 50.000 USD tiền “bảo đảm thuế quan” cho tổ chức bảo lãnh, nhằm đảm bảo nếu chậm nộp thuế thì chính phủ vẫn có thể được bồi thường.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Trung Quốc thường đăng ký công ty vỏ bọc ở nước ngoài làm “người nhập khẩu chính thức”. Khi tiền bảo lãnh bị sử dụng hết, họ sẽ tuyên bố giải thể công ty, sau đó lập công ty mới với danh nghĩa khác để tiếp tục hoạt động, khiến phía Mỹ khó truy cứu trách nhiệm.
Luật sư David Forgue nói với CNBC rằng những công ty này thường không làm thủ tục phá sản. Họ chỉ đơn giản là ngắt điện thoại, hủy email, rồi dùng địa chỉ khác để lập công ty mới.
Theo báo cáo, trên mạng xã hội Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư) của Trung Quốc, chỉ cần tìm từ khóa như “bao thuế trọn gói” sẽ thấy hàng loạt quảng cáo từ các nhà cung cấp, rao bán các mặt hàng giá trị cao như đồ nội thất, tủ lạnh với giá thấp, cam kết giao hàng đến cảng Mỹ và lo toàn bộ thủ tục thuế quan.
Người trong ngành cho biết, phía sau các quảng cáo này thường là hành vi khai giá thấp, sai loại hàng. Đây không phải là hiện tượng đơn lẻ mà là cách làm phổ biến trong giới xuất khẩu Trung Quốc, khiến lực lượng thực thi pháp luật biên giới Mỹ gặp khó khăn.
Ông Ash Monga, Giám đốc điều hành của công ty quản lý chuỗi cung ứng Imex Sourcing Services, cho biết đây là một bí mật công khai trong ngành. Việc mở một công ty vỏ bọc rất đơn giản, chỉ vài tiếng là xong. Bạn muốn mở bao nhiêu công ty cũng được, chi phí chỉ vài trăm USD, quy trình rất dễ lặp lại.
Dù nhiều công ty Mỹ không đăng ký làm “người nhập khẩu chính thức” trong hồ sơ hải quan, nhưng chuyên gia cảnh báo điều đó không đồng nghĩa họ hoàn toàn miễn trách nhiệm dân sự hay hình sự.
Theo “Đạo luật Khai báo gian dối” (False Claims Act) của Mỹ, nếu doanh nghiệp biết hoặc làm ngơ trước việc nhà cung cấp khai giá thấp hoặc sai để trốn thuế, họ cũng có thể bị coi là vi phạm pháp luật.
Luật sư Dan Harris ở Seattle nói, điều đáng kinh ngạc là đến 90% doanh nhân nghĩ rằng chỉ cần không phải là người nhập khẩu chính thức thì sẽ không phải chịu trách nhiệm gì. Nhưng thực tế, một số công ty Mỹ vẫn bị truy thu thuế hoặc hàng hóa bị tịch thu dù không hay biết.
Ông nhấn mạnh rằng nếu doanh nghiệp Mỹ liên tục mua hàng giá rẻ từ Trung Quốc mà không yêu cầu xem chứng từ hải quan thì lý do “không biết” sẽ khó thuyết phục trước tòa.
Ông Harris nói một công ty Mỹ vốn trả 20 USD cho một sản phẩm, nay thuế quan đã lên đến 2 con số, làm sao lại chỉ trả 25 USD mà không nghi ngờ gì.
Gần đây, Financial Times cũng đưa tin về thủ đoạn tương tự và cảnh báo rằng phương thức phi pháp này không chỉ khiến doanh nghiệp Mỹ phạm luật, mà còn đe dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp Mỹ hợp pháp do bị mất tính cạnh tranh về giá.
Những lợi thế về giá gian lận được các chương trình này mang lại đang khiến các doanh nghiệp hợp pháp gặp bất lợi. Cze-Chao Tam, CEO của Trinity International, lưu ý rằng công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ của bà, lấy nguồn hàng có đạo đức từ Trung Quốc và Đông Nam Á, không thể chuyển toàn bộ mức thuế quan tăng cho người mua, dẫn đến tình trạng biên lợi nhuận bị nén.
Bà cho biết: “Người tiêu dùng sẽ luôn chọn lựa chọn rẻ hơn, ngay cả khi điều đó xuất phát từ hành vi bất hợp pháp.“
Vấn đề nằm ở cấu trúc. Các nhà điều hành hợp pháp phải đối mặt với áp lực giá cả dữ dội, đặc biệt là trong các lĩnh vực cạnh tranh như hàng gia dụng, khi các đối thủ âm thầm tận dụng chuỗi cung ứng gian lận.
Thủ đoạn trốn thuế của các doanh nghiệp Trung Quốc đã kéo dài nhiều năm. Theo báo cáo do Goldman Sachs công bố tháng Một năm nay, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, các mức thuế đối với Trung Quốc đã bị thất thoát từ 110 tỷ USD – 130 tỷ USD vào năm 2023.
Trong đó khoảng 40 tỷ USD đến từ khai giá thấp, 40 tỷ USD do khai sai loại hàng, và 30-50 tỷ USD từ chuyển tải qua nước thứ 3, hay còn gọi là “rửa nguồn gốc xuất xứ”, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách của chính phủ.
Tổng thuế nhập khẩu mà Hải quan Mỹ thu được trong năm tài khóa 2023 chỉ là 92,3 tỷ USD, thấp hơn giá trị gian lận ước tính.
Trước tình hình thực thi thuế quan ngày càng khó khăn, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) cho biết đang thực hiện kiểm tra và trấn áp thông qua quyền pháp lý, hệ thống tiên tiến và quy trình vận hành, đồng thời nhấn mạnh theo sắc lệnh hành pháp gần đây, việc thực thi sẽ áp dụng mức xử phạt nghiêm khắc nhất mà pháp luật cho phép.
Ông Matthew Galeotti, người phụ trách Bộ phận hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ, cũng vừa ban hành hướng dẫn mới, liệt kê các hành vi gian lận thương mại và hải quan, đặc biệt là trốn thuế nhập khẩu, là ưu tiên điều tra hàng đầu.
Người phát ngôn CBP nói với CNBC rằng hải quan đang kết hợp giữa quyền pháp lý, hệ thống tiên tiến và quy trình vận hành, nhằm đảm bảo thu được đầy đủ thuế nhập khẩu.
Người phát ngôn CBP cho biết thêm theo sắc lệnh hành pháp mới nhất, việc thực thi sẽ áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất mà pháp luật cho phép.
Hệ thống hải quan Mỹ vốn đang chịu áp lực khổng lồ. Với khối lượng thương mại từ Trung Quốc quá lớn, chỉ một phần nhỏ hàng hóa có thể được kiểm tra kỹ lưỡng. Trong tháng Tư, thậm chí có sự cố khiến hệ thống hải quan ngừng hoạt động 10 giờ, không thể áp mã thuế mới cho các lô hàng đang trên đường tới Mỹ.
Về phía chính phủ, Bộ Tư pháp Mỹ mới đây đã tuyên bố sẽ ưu tiên điều tra và truy tố các hành vi gian lận thương mại và thuế quan, bao gồm hành vi trốn thuế nhập khẩu.
Ông Trần Đức Lương từ trần do tuổi cao, sức yếu.
Ngày 20/5/2025 tại Hoa Kỳ (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn…
Những thảm họa cá nhân xảy ra bất ngờ, nhưng những bước đơn giản có…
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cáo buộc các trợ lý cấp cao của…
Cơ quan chức năng TP.HCM kiểm tra sản phẩm giảm cân của Ngân 98 vì…
Hoa Kỳ đang chờ đợi một đề xuất từ Tổng thống Nga Vladimir Putin có…