Quảng cáo “rửa nguồn gốc” hàng hóa trên mạng Trung Quốc
- Ninh Hải Chung
- •
Trong cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đang gặp khó khăn. Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, quảng cáo về dịch vụ “rửa nguồn gốc” lan truyền mạnh mẽ. Các quảng cáo này công khai nói với các nhà sản xuất rằng họ có thể giúp vận chuyển hàng hóa đến Malaysia để đổi nhãn mác, cấp giấy tờ mới, ngụy trang thành hàng hóa của nước thứ ba để xuất sang Mỹ. Malaysia sau đó ngay lập tức siết chặt chính sách. Gần đây các quốc gia lân cận Trung Quốc cũng tăng cường kiểm tra để tránh trở thành trạm trung chuyển cho hàng “rửa nguồn gốc”.

Doanh nghiệp Trung Quốc “rửa nguồn gốc” công khai, quảng cáo lan tràn trên mạng
Đầu tháng Tư, chính quyền Trump của Mỹ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng toàn cầu, Trung Quốc cũng đáp trả. Hiện Mỹ áp mức thuế 145% với phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc áp thuế 125% lên hàng nhập từ Mỹ. Mỹ còn điều tra hành vi doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng quốc gia thứ ba để “rửa nguồn gốc”.
“Rửa nguồn gốc” (place-of-origin washing) nghĩa là hàng hóa của Trung Quốc trải qua một khâu gia công đơn giản ở nước thứ 3, sau đó dán nhãn mới và xuất khẩu sang nước mục tiêu.
Do lo ngại bị áp thuế cao 145%, các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ mất cơ hội vào một trong những thị trường lớn nhất thế giới, có người đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh, làm trung gian cho doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện chuyển vận qua nước thứ ba.
Hoạt động “rửa nguồn gốc” trong giới kinh doanh Trung Quốc ngày càng công khai. Từ đầu tháng Tư, quảng cáo về “dịch vụ chuyển khẩu” xuất hiện tràn lan trên mạng.
Ngày 6/5, phóng viên Epoch Times phát hiện trên mạng xã hội Douyin có nhiều tài khoản tên “Ruby—Chuyển vận nước thứ 3” quảng cáo rằng họ có thể giúp doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển hàng đến Malaysia và các nước khác, cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ mới, sau đó xuất sang Mỹ.
Epoch Times còn phát hiện một tài khoản Douyin có tên “Kinh Vĩ tập vận – thương mại logistics chuyển khẩu” đăng video hôm 7/4 nói rằng: “Rất nhiều công ty ngoại thương đang triển khai chiến lược chuyển khẩu, đây là xu hướng ngành nghề hiện nay”, và hỏi: “Một đại lý chuyển khẩu đáng tin cậy sẽ thực hiện chuyển khẩu như thế nào?”
Công ty này tuyên bố: “Kinh Vĩ có nguồn lực chuyển khẩu phong phú tại các cảng trung chuyển lớn, có thể cung cấp giấy tờ chuyển khẩu thật sự hợp pháp và đáng tin cậy. Với quy trình chuyển khẩu chuyên nghiệp của Kinh Vĩ, có thể giải quyết hiệu quả các rào cản thương mại phòng vệ như chống bán phá giá.”
Ngày 10/4, một tài khoản khác có tên “Tuolong—tuyến chuyên Mỹ và Canada sam” cũng đăng sơ đồ quy trình chuyển khẩu cạnh tranh của công ty mình và nói rằng “Luôn có nhiều cách hơn là khó khăn.”
Ngày 5/5 tờ Financial Times của Anh đưa tin: Một tài khoản có tên “Ruby—Chuyển vận nước thứ 3” đăng quảng cáo trên mạng xã hội Xiaohongshu nói rằng: “Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc? Vận chuyển qua Malaysia sẽ ‘biến thành’ hàng Đông Nam Á!”
Một nhân viên của công ty logistics tiết lộ với Financial Times rằng bên trong hoạt động “đại lý chuyển khẩu” chính là việc vận chuyển hàng Trung Quốc đến cảng Malaysia, sau đó đổi nhãn mác, bao bì tại địa phương, các nhà máy bản địa còn có thể hỗ trợ cấp chứng nhận xuất xứ mới.
Cô Sarah Ou, nhân viên bán hàng của một nhà xuất khẩu đèn trang trí tại thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, cho biết: “Thuế quá cao. Nhưng chúng tôi có thể bán hàng trước cho nước láng giềng, rồi họ sẽ bán tiếp sang Mỹ, như vậy thuế sẽ thấp hơn.”
Cô Ou tiết lộ, giống như nhiều nhà sản xuất Trung Quốc khác, công ty cô sử dụng phương thức giao hàng FOB (Free on Board – giao hàng tại cảng), một khi hàng rời cảng xuất khẩu, thì người mua sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm liên quan. Cách làm này giúp giảm rủi ro pháp lý cho nhà xuất khẩu.
Theo luật thương mại Mỹ, hàng hóa chỉ được xem là có xuất xứ từ một quốc gia nếu đã trải qua quá trình chuyển đổi thực chất tại quốc gia đó, như gia công làm tăng giá trị đáng kể. Chỉ khi đó sản phẩm mới được hưởng chế độ thuế quan của quốc gia này.
Ngoài ra, còn có thông tin cho thấy một số doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc dùng chiêu trộn hàng đắt với hàng rẻ, khai báo sai chi phí trung bình của cả lô hàng để giảm giá trị khai báo hải quan.
Quảng cáo lộ rõ doanh nghiệp Trung Quốc “rửa nguồn gốc”, Malaysia lập tức hành động
Tuy nhiên, các quảng cáo trên mạng xã hội nói có thể đưa hàng sang Malaysia để “rửa nguồn gốc” đã thu hút sự chú ý từ ngoại giới, khiến Malaysia ngay lập tức thắt chặt chính sách.
Thứ Hai (5/5), Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) tuyên bố từ ngày 6/5, MITI sẽ là cơ quan duy nhất được phép cấp Giấy chứng nhận xuất xứ không ưu đãi (NPCO) cho hàng xuất sang Mỹ, và dừng ủy quyền cho các phòng thương mại địa phương, hiệp hội hoặc các tổ chức được MITI chỉ định khác cấp loại giấy này.
NPCO là loại tài liệu xác định nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa quốc tế, nhằm đáp ứng yêu cầu hải quan hoặc thương mại của nước nhập khẩu.
Ngày 5/5, một blogger có tên “Anh ngốc Malaysia” đăng video nói về thông báo trên của Chính phủ Malaysia, cho biết: “Nếu muốn chuyển khẩu sang Mỹ thông qua Malaysia, thì cơ hội này hiện đã rất mong manh. Trước kia việc chuyển khẩu sang Mỹ là một canh bạc lớn, nhưng ít nhất khi đó còn có cơ hội đặt cược. Giờ thì các ‘cửa sổ đặt cược’ đang bị đóng lại từng cái một.”
Doanh nghiệp Trung Quốc tránh thuế quan, làm dấy lên lo ngại từ đối tác thương mại Mỹ
Việc doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nhiều phương thức tránh thuế quan đã khiến các đối tác thương mại của Mỹ lo ngại. Financial Times đưa tin, một giám đốc cấp cao từ một trong 10 nhà bán lẻ độc lập lớn nhất trên Amazon cho biết, họ đã phát hiện tình trạng nguồn gốc hàng hóa bị thay đổi, các sản phẩm này đang đối mặt với nguy cơ bị cơ quan Hải quan Mỹ tịch thu.
Các đối tác thương mại Mỹ cũng lo ngại rằng các nhà cung cấp có thể “khai báo giá trị hàng hóa không chính xác”.
Trên thực tế, trong thời gian gần đây, một số quốc gia lân cận Trung Quốc đã phát hiện sự gia tăng bất thường của hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Họ lo sợ sẽ trở thành trung chuyển hàng hóa “rửa nguồn gốc” cho Trung Quốc và bị Mỹ khiển trách. Từ tháng Tư, một số quốc gia đã tuyên bố nghiêm ngặt hơn trong việc phòng ngừa gian lận thương mại.
Tháng trước, Cục Hải quan Hàn Quốc cho biết trong quý I năm nay, họ đã phát hiện hàng hóa trị giá 295 tỷ won (khoảng 210 triệu USD) có thông tin nguồn gốc xuất xứ bị làm giả, phần lớn trong số đó là hàng hóa từ Trung Quốc, và gần như tất cả đều chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ.
Tháng trước Bộ Công Thương Việt Nam yêu cầu các hiệp hội thương mại, nhà xuất khẩu và nhà sản xuất địa phương tăng cường kiểm tra đối với nguồn gốc của nguyên liệu và hàng nhập khẩu, tránh cấp giấy chứng nhận giả.
Bộ Ngoại thương Thái Lan cũng thông báo tăng cường kiểm tra nguồn gốc đối với sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, nhằm kiểm tra hành vi trốn thuế.
Từ khóa Hàng hóa Trung Quốc Made in China chiến tranh thương mại Mỹ Trung Thuế quan Mỹ rửa xuất xứ Malaysia
