Kinh Tế

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba gặp khó trong các cuộc đàm phán thương mại với Tổng thống Trump

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru hôm thứ Ba (8/7) cho biết ông cảm thấy “rất đáng tiếc” khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế quan đối ứng 25% lên hàng xuất cảng từ Nhật Bản.

Ông Shigeru Ishiba đến văn phòng thủ tướng tại Tokyo vào ngày 1 tháng 10 năm 2024. (Nguồn ảnh: YUICHI YAMAZAKI/AFP via Getty Images)

Ông Ishiba cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, nhưng “cho đến nay, vẫn còn những vấn đề mà cả Nhật Bản và Hoa Kỳ đều không thể giải quyết được”.

Hôm thứ Hai (7/7), Tổng thống Trump cho biết ông đã thông báo với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc rằng họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn vào ngày 1/8 vì họ không đạt được các thỏa thuận thương mại có thể chấp nhận được với Hoa Kỳ.

Trong thư gửi Tokyo và Seoul, Tổng thống Trump nói rằng trừ khi có đột phá vào phút chót trong các cuộc đàm phán trước ngày 1/8, thuế quan chỉ có thể tránh được nếu các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc chuyển nhà máy sang Hoa Kỳ. Tổng thống Trump cho biết ông đảm bảo việc phê duyệt theo quy định cho việc di dời nhà máy đến Hoa Kỳ sẽ được hoàn tất “trong vài tuần”.

Ông Trump cảnh báo: “Nếu vì bất kỳ lý do gì, các vị quyết định tăng thuế quan, thì bất kỳ con số nào các vị chọn tăng cũng sẽ được cộng vào mức thuế 25% mà chúng tôi áp dụng”.

Thủ tướng Ishiba đang phải đối mặt với một số chỉ trích ở trong nước vì các cuộc đàm phán thương mại vụng về vốn có thể diễn ra suôn sẻ hơn, xét đến mối quan hệ kinh tế lâu dài và phong phú giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Trump và Nhật Bản.

Vấn đề lớn dường như nằm ở việc ông Ishiba quá phụ thuộc vào lời hứa đầu tư một nghìn tỷ USD vào Hoa Kỳ, điều mà thủ tướng Nhật Bản đã đưa ra trong cuộc họp đầu tiên với ông Trump hồi tháng Hai. Ông Trump tỏ ra hài lòng với lời đề nghị này, nhưng hóa ra ông ấy thực sự nghiêm túc khi nói rằng các khía cạnh khác trong mối quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ cần được giải quyết.

Rõ ràng Thủ tướng Ishiba và nhóm của ông nghĩ rằng lời cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD sẽ giải quyết được mọi vấn đề khác, nhưng Tổng thống Trump ngày càng thất vọng vì Tokyo từ chối nhượng bộ về các vấn đề như mua thêm gạo từ Hoa Kỳ.

Tuần trước, ông Trump đã trút giận trên Truth Social: “Để cho mọi người thấy các quốc gia đã trở nên xấu tệ như thế nào đối với Hoa Kỳ, và tôi rất kính trọng Nhật Bản, họ không lấy GẠO của chúng ta, nhưng họ lại thiếu gạo trầm trọng”.

Hoa Kỳ đang chịu thâm hụt thương mại khổng lồ với Nhật Bản, dao động ở mức khoảng 70 tỷ USD trong thập kỷ qua, với mức giảm đáng kể trong đại dịch virus corona Vũ Hán. Tổng thống Trump muốn Nhật Bản thu hẹp khoảng cách đó bằng cách mua thêm các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng từ Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akazawa Ryosei được cho là muốn Hoa Kỳ giảm thuế đối với ô tô, một trong những mặt hàng xuất cảng quan trọng nhất của Nhật Bản, nhưng ông lại không muốn giảm thuế đối với gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Bộ trưởng Akazawa rõ ràng đã đánh giá quá cao tầm ảnh hưởng mà ông sẽ đạt được đối với Tổng thống Trump nếu duy trì mối quan hệ làm việc tốt với Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. Ngay sau khi ông Trump công bố dự thảo đầu tiên về thuế quan “Ngày Giải phóng”, ông Akazawa đã xuất hiện tại Nhà Trắng, đội chiếc mũ “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nằm trong số những người đầu tiên xếp hàng đàm phán. Sự nhiệt tình để đạt được thỏa thuận của ông nhanh chóng vấp phải thực tế phũ phàng rằng ông không thể đáp ứng được những gì Tổng thống Trump mong muốn.

Bà Lizzi Lee thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á nói với tờ Nikkei Asia vào thứ Tư (9/7) rằng: “Nhật Bản đang bám vào một loạt các giả định về liên minh, tính toán chi phí-lợi ích và chiến lược lớn mà hiện không còn hoàn toàn đúng nữa”.

Bà Lee giải thích rằng: “Trong nhiều thập kỷ, vị thế chiến lược của Nhật Bản được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng vai trò là đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ tại châu Á, cùng với dấu ấn đầu tư trực tiếp nước ngoài khổng lồ tại Hoa Kỳ và vị trí trung tâm của nước này trong vấn đề Trung Quốc-Đài Loan, sẽ bảo vệ Nhật Bản khỏi áp lực thương mại gay gắt”.

“Khoảnh khắc này cho thấy những giả định đó đang được kiểm chứng trong thời gian thực. Luận lý chính trị và kinh tế cũ, nơi các khoản đóng góp an ninh và sự liên kết chính trị mang lại cho các vị sự nuông chiều về kinh tế, dường như không còn mấy giá trị trong thời buổi ngày nay”, Bà Lee nói.

“Ông Ishiba khẳng định Nhật Bản có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế Mỹ với tư cách là nhà đầu tư hàng đầu, đối tác không thể thiếu về an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và do đó, điều đó cần được phản ánh trong các điều khoản đàm phán. Đó không phải là điều Tổng thống Trump vẫn luôn báo hiệu”, bà Mireya Solis thuộc Viện Brookings nhận định.

Tổng thống Trump cũng đã ra tín hiệu rằng ông không lo ngại về viễn cảnh Nhật Bản sẽ trôi vào quỹ đạo của Trung Quốc, ít nhất là không lo lắng đến mức từ bỏ mối lo ngại về thâm hụt thương mại.

Hôm thứ Hai (7/7), lãnh đạo phe đối lập và cựu thủ tướng Noda Yoshihiko đã khuyên thủ tướng Ishiba nên trực tiếp khiếu nại lên Tổng thống Trump để xin gia hạn thời hạn áp thuế, thay vì trông cậy vào Bộ trưởng Kinh tế Akazawa và Bộ trưởng Thương mại Lutnick để giải quyết vấn đề.

Cựu Thủ tướng Noda cho biết: “Sẽ có cơ hội đột phá nếu hai nhà lãnh đạo đàm phán”.

Một trong những thách thức của ông Ishiba là cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 20/7, và thủ tướng đang có vẻ không mấy khả quan trong các cuộc thăm dò. Tỷ lệ ủng hộ nội các của ông là 31% vào thứ Hai (7/7), giảm 8% so với đầu tháng Sáu.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Ishiba đã mất thế đa số liên minh tại Hạ viện Nhật Bản trong cuộc bầu cử năm 2024. Nếu LDP bị đánh bại thảm hại tại Thượng viện trong tháng này, chính quyền của ông Ishiba có thể sẽ bị tê liệt hoàn toàn.

Giá tiêu dùng cao là một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử tại Nhật Bản, vì vậy cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ sẽ không giúp ích gì cho ông Ishiba, nhưng ông cũng có thể cảm thấy bị hạn chế trong việc đưa ra những nhượng bộ thương mại có thể khiến cử tri Nhật Bản tức giận. Ông Ishiba cũng có thể cảm thấy không thể chịu đựng được sự xấu hổ khi phải đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump mà lại ra về tay trắng.

Hân Nhi

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Hân Nhi

Recent Posts

Hà Nội: Từ 1/1/2027, chợ, cửa hàng tiện ích không được cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy

Từ ngày 1/1/2027, chợ, cửa hàng tiện ích tại TP. Hà Nội sẽ không cung…

23 phút ago

[VIDEO] Bách bệnh sinh ra bởi khí và được chấm dứt bởi âm nhạc

Âm nhạc có tác dụng dưỡng sinh độc đáo, cho nên, cổ nhân dùng nó…

2 giờ ago

Mặc dù bị đàn áp 26 năm, nhiều người mới vẫn bước vào tu luyện Pháp Luân Công

Mặc dù cuộc đàn áp vẫn kéo dài 26 năm, ngày càng có nhiều người…

2 giờ ago

Nhà hàng tôm hùm nổi tiếng ở Nam Kinh bị tố dùng “chất tẩy toilet” rửa tôm

Ngày 8/7, một nhà hàng tôm hùm nổi tiếng ở Nam Kinh gây chấn động…

3 giờ ago

Cảnh sát Pakistan đột kích trung tâm lừa đảo, bắt 149 người, gồm 48 người Trung Quốc

Cục Điều tra Tội phạm Mạng Quốc gia Pakistan vào thứ Năm cho biết cảnh…

4 giờ ago

Trung Quốc có 700 triệu camera giám sát, đứng đầu thế giới

Trung Quốc có đến 700 triệu camera giám sát, đứng đầu thế giới, trong đó…

4 giờ ago