(Nguồn: GoodIdeas/ Shutterstock)
Năm 2025, “làn sóng nợ nần” đã trở thành một chủ đề nặng nề không thể né tránh ở Trung Quốc Đại Lục. Trên mạng xã hội, người ta không còn khoe khoang về sự giàu có, mà thay vào đó là trào lưu “so xem ai nợ nhiều hơn” một cách đầy hài hước. Các bài đăng tràn ngập những từ ngữ như “tôi không trả nổi nữa”, “bị giảm lương”, “bị sa thải”, “không trả nổi khoản vay mua nhà, sống sót đã thành một bài toán khó”.
Từ công chức nhà nước, lập trình viên ở các công ty lớn, đến những người tự kinh doanh, ngày càng nhiều người bị một bàn tay vô hình đẩy vào vực sâu nợ nần, và tình hình ngày càng nghiêm trọng. Một số blogger cảnh báo rằng nợ nần như “quả bom”, có thể “phát nổ” bất cứ lúc nào.
Những lời “tự thú” về nợ nần trên mạng xã hội cho thấy, ngoài gánh nặng khoản vay mua nhà, các nền tảng vay trực tuyến như Alipay (với các dịch vụ như Jiebei, Huabei) đã trở thành nguồn nợ phổ biến, khiến nhiều người gánh hàng trăm ngàn nhân dân tệ. Đặc biệt với những người thất nghiệp lâu dài, vay trực tuyến gần như là cách duy nhất để duy trì cuộc sống. Một cảm giác bất an đang lan rộng: những ngày tồi tệ hơn đang đến gần.
Blogger “Đại Tao” (@大骚), người chuyên hỗ trợ và tư vấn cho những người mắc nợ, vào ngày 8/7 đã chia sẻ một tin nhắn cầu cứu gây sốc: “Tôi có hai căn nhà, vay ngân hàng 1,2 triệu nhân dân tệ, nợ thẻ tín dụng 35.000, vay tín dụng 400.000 (Alipay 190.000, Duxiaoman 100.000, JD và Yixianghua 110.000). Hiện tại, khoản vay nhà và thẻ tín dụng vẫn trả đúng hạn, nhưng các khoản vay trực tuyến thì không trả nổi nữa, dù tạm thời chưa bị quá hạn. Do tra cứu các ứng dụng vay quá nhiều, tôi đã chạm hạn mức, và báo cáo tín dụng giờ là tài khoản tín dụng phức tạp”.
“Tôi không biết phải làm sao? Nếu để tất cả khoản vay trực tuyến và thẻ tín dụng quá hạn hoàn toàn, chờ có tiền rồi trả sau có được không? Nếu vay trực tuyến quá hạn, liệu có bị kiện và đấu giá nhà không? Còn cơ hội vay thêm nữa không? Gia đình không thể giúp, vợ tôi vì con cái mà chưa ly hôn, nếu không đã rời bỏ tôi. Nhà giờ không bán được, mà bán cũng phải bù thêm 150.000 tệ đến 200.000 tệ khoản vay. Gần đây tôi cuống cuồng tìm mọi cách, gặp phải rất nhiều kẻ lừa đảo, mong muốn nhận được một số lời khuyên chuyên nghiệp.”
“Khách hàng tín dụng lớn” là cách gọi chỉ một người có báo cáo tín dụng xuất hiện nhiều lần bị tra cứu thông tin tín dụng dày đặc cùng nhiều khoản vay, cho thấy người đó gần đây liên tục nộp đơn xin vay tiền, tình trạng tín dụng phức tạp hoặc quá tải. Vì vậy, các tổ chức tài chính xem họ là khách hàng rủi ro cao, và sau này rất khó vay được tiền nữa.
Một blogger sinh sau năm 1980 kể lại rằng anh lần đầu nghe về “nợ nần” khi học cấp hai. Mẹ anh nói rằng mọi thứ trong gia đình (nhà cửa, cửa hàng, kinh doanh) đều dựa trên tiền vay, và kiếm tiền nhờ nợ. “Lúc đó, tôi nghĩ những người có khả năng vay nợ thật giỏi.”
Nhưng những năm gần đây, “nợ nần” khiến anh cảm thấy ngột ngạt, vì cuộc sống vẫn dựa vào vay mượn, nhưng khả năng kiếm tiền của bố mẹ đã suy giảm. “Hóa đơn hàng tháng như lá bùa đòi mạng, khiến người ta không thở nổi. Giống như nhiều người, tôi bắt đầu cảm thấy nợ nần là thất bại.”
Ngày 7/7, tạp chí The Economist đăng bài “Tại sao nhiều người Trung Quốc chìm trong nợ nần” (Why so many Chinese are drowning in debt), chỉ ra rằng trước khi kinh tế Trung Quốc suy thoái, người dân quen vay tiền lớn từ các nền tảng như Alipay, WeBank.
Bài báo dẫn ví dụ về Lily, một người thuộc thế hệ “thiên niên kỷ” ở Thượng Hải, chia sẻ trải nghiệm nợ nần qua video ngắn trên mạng xã hội, thậm chí nhắc đến việc “so xem ai nợ nhiều hơn, ôi, tôi nợ 10 triệu, tôi nợ cả trăm triệu”. Lily rơi vào khủng hoảng nợ khi công ty phần mềm cô làm việc ngừng trả lương, nợ các nền tảng vay trực tuyến 30.000 nhân dân tệ. Cô thậm chí biến “câu chuyện phá sản” thành cách kiếm tiền từ lưu lượng truy cập trên mạng xã hội.
Dù nguyên nhân thế nào, hiện nay nhiều người Trung Quốc đang chìm trong khủng hoảng nợ, thậm chí phải đối mặt với những nhân viên đòi nợ hung hãn.
The Economist cho rằng nợ nần ngày càng đè nặng lên tầng lớp trung lưu, kìm hãm chi tiêu của họ, làm lung lay nền tảng mà ĐCSTQ coi là cơ sở để duy trì quyền lực. Chính phủ ĐCSTQ đối mặt với vấn đề nợ trong toàn hệ thống, chủ yếu là nợ chính quyền địa phương và doanh nghiệp ở mức cao, cùng với thách thức từ nợ hộ gia đình.
Tỷ lệ nợ hộ gia đình so với GDP của Trung Quốc đã tăng từ dưới 11% năm 2006 lên hơn 60% hiện nay. Các bên cho vay bao gồm ngân hàng quốc doanh và các nền tảng công nghệ.
Công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô độc lập Gavekal Dragonomics ước tính có khoảng 25 đến 34 triệu người đã vi phạm hợp đồng vay (không trả được nợ, vỡ nợ). Nếu tính cả những người quá hạn chưa trả, con số có thể lên tới 61 đến 83 triệu người, chiếm 5-7% dân số từ 15 tuổi trở lên. Con số này tăng gấp đôi so với năm năm trước. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao và thị trường bất động sản suy thoái, tình hình có thể tiếp tục xấu đi.
Bài báo của The Economist chỉ ra rằng trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc thịnh vượng, các khoản vay mua nhà từng được coi là khoản đầu tư chắc chắn sinh lời. Nhưng chính sách “zero-COVID” năm 2020 và sự sụp đổ của thị trường bất động sản từ năm sau đó đã thay đổi tất cả.
Bloomberg từng đưa tin, khủng hoảng thị trường bất động sản Trung Quốc đang gây tổn thất nặng nề cho tầng lớp trung lưu, vì 70% tài sản gia đình, kể cả trung lưu, gắn chặt với bất động sản. Giá nhà giảm 5% sẽ khiến 19 nghìn tỷ nhân dân tệ tài sản nhà ở bốc hơi.
Về quy mô thực sự của dân số nợ nần ở Trung Quốc, dữ liệu chính thức luôn được giấu kín, và các ước tính từ các tổ chức khác nhau có sự chênh lệch lớn. Theo báo cáo thống kê tài chính quý 4 năm 2024 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đến cuối năm 2024, tổng dư nợ của người dân trong hệ thống ngân hàng là 89,72 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, báo cáo của Viện Nghiên cứu Tài chính Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ước tính tổng nợ hộ gia đình thực tế lên tới 103,5 nghìn tỷ nhân dân tệ, cao hơn 15% so với con số chính thức. Đáng kinh ngạc hơn, một khảo sát từ Viện Nghiên cứu Phân phối Thu nhập Trung Quốc của Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho thấy tổng nợ hộ gia đình có thể lên tới 200 nghìn tỷ nhân dân tệ, gấp đôi dữ liệu chính thức.
Blogger tài chính “Biên Cảnh Trung Văn Thuyết” gần đây phân tích rằng dù chính quyền không công bố số liệu cụ thể về người nợ, xu hướng có thể được nhìn qua số lượng “người mất tín dụng bị thi hành” (thường gọi là “lão lại”). Đây là nhóm nợ nghiêm trọng. Vào cuối tháng 6/2019, Trung Quốc có 14,43 triệu “lão lại”, tức là cứ 100 người thì ít nhất 1 người từng nằm trong danh sách này, dựa trên dân số chính thức 1,4 tỷ.
Ông cho rằng còn thê thảm hơn “lão lại” là những “chủ nhà bị cắt khoản vay thế chấp”, phần lớn là người đi làm. Do môi trường kinh tế xấu đi dẫn đến thất nghiệp, họ không thể trả nợ vay mua nhà, khiến nhà bị tòa án đấu giá, và “công sức hàng chục năm bỗng chốc tan biến”. Năm 2020, số nhà bị đấu giá trên nền tảng Alibaba là khoảng 1,33 triệu căn; năm 2021 tăng lên 1,68 triệu căn.
Tuy nhiên, blogger này cho biết dữ liệu đấu giá nhà năm 2022 không còn được công khai. “Có thể tưởng tượng số nhà đấu giá nhiều đến mức nào mà chính quyền Trung Quốc không dám công bố.” Ông ước tính số nhà đấu giá thực tế năm 2022 là từ 3,2 đến 3,8 triệu căn, và năm 2023 ít nhất là 5 triệu căn. Số liệu năm 2024 thì không thể biết được.
Ông nói, số lượng người nợ nần thật đáng sợ. Nếu những người không nằm trong danh sách “lão lại” không được tính là nợ nghiêm trọng, thì số người nợ mức trung bình là bao nhiêu?
Gần đây, bài viết của blogger “Cát Hóa Hạm” được chia sẻ rộng rãi, trích dẫn thống kê rằng tỷ lệ người nợ vượt quá một nửa dân số—trong 1,4 tỷ người (theo số liệu chính thức), có khoảng 700 đến 800 triệu người đang gánh các mức nợ khác nhau. Nợ đến từ nhiều nguồn như vay mua nhà, vay mua xe, thẻ tín dụng, vay tiêu dùng và vay bạn bè, người thân. Đặc biệt ở các thành phố lớn và vừa, trong đó khoản vay mua nhà là nguồn nợ lớn nhất.
Nghiên cứu cho thấy gần 80% gia đình ở thành thị chịu áp lực từ khoản vay mua nhà, trong khi ở nông thôn, vay tiêu dùng và vay người thân là nguồn nợ phổ biến.
Ngay cả những gia đình trung lưu có thu nhập ổn định cũng thường gánh các khoản vay mua nhà hoặc các loại vay khác lên tới hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu nhân dân tệ. Điều này dẫn đến hiện tượng “hộ gia đình tháng nào cũng hết tiền”, khi thu nhập của nhiều gia đình hoặc cá nhân gần như chỉ đủ trả nợ. Dưới áp lực nợ nần này, số người chìm trong nợ ở Trung Quốc đã trở thành một vấn đề kinh tế xã hội không thể xem nhẹ.
Blogger chính trị-kinh tế “Tiểu Ca Thuyết” gần đây nhận định rằng người Trung Quốc truyền thống quen tiết kiệm và có tiền gửi, nhưng hiện nay “quy mô nợ nần đã phá tan cảm giác an toàn từ tiền gửi”. Vay mua nhà là khoản nợ lớn nhất của người dân Trung Quốc. Khi bị nợ khóa chặt, người ta mới nhận ra nhiều quyền quyết định không còn nằm trong tay mình, và cuộc sống bị hạn chế nghiêm trọng.
“Chính phủ dùng nợ để kích thích tiêu dùng, dùng tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế. Nhưng khi kinh tế ngày càng yếu đi, rủi ro ngày càng cao, logic này cuối cùng chỉ đẩy nhiều người vào vực sâu hơn. Bề ngoài, chính phủ dường như giúp bạn thực hiện giấc mơ, nhưng thực tế là tìm liều thuốc giảm đau ngắn hạn cho kinh tế, với cái giá dài hạn cực kỳ lớn,” ông nói.
“Tiểu Ca Thuyết” cảnh báo rằng mỗi khoản nợ như một sợi dây vô hình trói chặt tương lai của người dân. Những khoản nợ này giống như một “quả bom hẹn giờ” khổng lồ, và khi thu nhập bị gián đoạn hoặc kinh tế xấu đi, nó có thể “phát nổ” bất cứ lúc nào.
Ngày 8/7, một nhà hàng tôm hùm nổi tiếng ở Nam Kinh gây chấn động…
Cục Điều tra Tội phạm Mạng Quốc gia Pakistan vào thứ Năm cho biết cảnh…
Trung Quốc có đến 700 triệu camera giám sát, đứng đầu thế giới, trong đó…
Hôm thứ Năm (10/7), Tổng thống Donald Trump loan báo Hoa Kỳ sẽ áp thuế…
6 tháng đầu năm, TP.HCM ghi nhận hơn 96 ngàn lao động hưởng trợ cấp…
Một trong những email đe dọa đó tuyên bố rằng nếu Hoa Kỳ không ngừng…