Lo sợ sự trỗi dậy của các đầu sỏ chính trị như số phận của Liên bang Xô Viết, chính quyền Bắc Kinh đang không ngừng để mắt đến tầng lớp doanh nhân giàu có mới nổi của Trung Quốc, những người dần nắm trong tay quyền lực kinh tế thực sự.
Trước khi được Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc “trao ấn” cầm quyền thêm 5 năm, ông Tập Cận Bình dường như là bậc thầy của tất cả các hoạt động điều tra. Với quyền lực kinh tế và quốc phòng tập trung trong tay, ông Tập đang sử dụng quân đội và bộ máy quyền lực để kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động trong Trung Quốc.
Hàng loạt các quan chức tham nhũng – một số trong đó là các đối thủ chính trị, trong khi những người còn lại bị liên quan đến trong đường dây tham nhũng – đều bị lĩnh án tù. Thậm chí những người bất đồng chính kiến cũng như các nhà hoạt động xã hội đều bị cho ra rìa hoặc bị giam giữ.
Tuy nhiên, cuộc đối đầu chính trị quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại của ông Tập lại rất ít được biết đến. Khi ông Tập đã nắm gọn bộ máy Đảng và quân đội trong tay, chỉ còn đối thủ duy nhất bây giờ mà ông phải đối mặt là tầng lớp doanh nhân giàu có mới nổi của Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo ĐCS Trung Quốc thừa biết kết cục bi thảm đã xảy đến với sự sụp đổ Liên minh Xô viết, và đang lo lắng về kết cục tương tự liệu có lặp lại đối với ông và các đồng minh thân cận – sự trỗi dậy của các đầu sỏ chính trị Nga, những doanh nhân đã nắm lấy quyền kiểm soát tài sản nhà nước, đưa họ trở thành các tỷ phú và có được quyền lực chính trị mạnh mẽ. Ông Tập quyết tâm không để điều đó xảy ra tại Trung Quốc.
Một số ông trùm tài chính mới nổi của Trung Quốc đã thách thức quyền lực chính phủ; một số khác đã buộc phải theo “guồng” sau những lần đụng độ với chính phủ; tuy nhiên, hầu hết đều đang giữ được cái đầu lạnh và chỉ tập trung vào việc kinh doanh của họ.
Mặc cho việc các doanh nhân có đang chấp thuận theo Tập hay không, bằng bản năng của một nhà lãnh đạo độc tài chuyên chế, Tập Cận Bình muốn dập tắt mọi tầng lớp mà ông cho là có tiềm năng ảnh hưởng đến quyền lực và ngăn chặn họ ngay từ trong trứng nước.
Chiến dịch của ông Tập nhằm kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân dường như đã bắt đầu một cách sốt sắng vào tháng 6/2017, với sự biến mất của một doanh nhân nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng lớn đến thế hệ tỷ phú mới trong nước, ông Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), Chủ tịch của Tập đoàn bảo hiểm Anbang.
Chỉ vài tháng trước đó, ông Ngô đã dẫn đầu các cuộc đàm phán để chi 14 tỷ USD mua lại khách sạn Starwood trước khi thương vụ bị đổ vỡ. Không ai còn nghe đến ông kể từ khi ông bị giam giữ.
Theo đánh giá của Andy Rothman, nhà đầu tư chiến lược của Matthews Asia tại San Francisco, từ sự khởi đầu trong những năm 1990, thế hệ doanh nhân này hiện chiếm đến 3/4 tổng sản lượng nền kinh tế Trung Quốc, và sử dụng hơn 80% lao động tại các thành phố.
“Khu vực kinh tế tư nhân đã và sẽ luôn là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trong suốt thập kỷ qua và cả trong tương lai. Điều đó là không thể tranh cãi,” ông Rothman nói. “Có nhiều người ở Berkeley, nơi tôi sống, tin vào lý thuyết Mac-Lenin hơn là ở Bắc Kinh.”
Trong khi tầng lớp doanh nhân mới nổi của Trung Quốc không tin vào chủ nghĩa Mác, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại ôm giữ một quan niệm khác: “Nếu chúng ta đi chệch khỏi hay từ bỏ chủ nghĩa Mác, đảng của chúng ta sẽ đánh mất linh hồn và phương hướng,” ông Tập nói trong một cuộc họp giữa các quan chức cao cấp trong tháng 9.
Cùng tuần đó, đảng và chính phủ lần đầu tiên đã đưa ra tuyên bố quy định về thế nào là “doanh nhân Trung Quốc”, và phẩm chất đầu tiên là “yêu nước”.
Tại Đại hội Đảng ngày 18/10 tại Bắc Kinh, các đảng viên cho rằng thách thức kinh tế chủ yếu của ông Tập là làm sao để cải cách khối doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư dàn trải và thua lỗ.
Nhưng quan điểm này lại mâu thuẩn với chính nó. Bởi rất khó để cải cách các dự án nhà nước không hiệu quả, nhưng mặt khác, chúng lại luôn là một phần không thể tách rời thể chế Trung Quốc, khi mà các vị trí chủ chốt trong đó được sắp đặt bởi chính đảng.
Trái lại, khu vực tư nhân lại được hình thành bên ngoài sự kiểm soát của đảng. Mượn sự tương đồng từ lý thuyết địa chính trị phổ biến được gọi là “bẫy Thucydides” – nguy cơ xung đột giữa một bá chủ cũ và các thế lực mới – mà nói, các doanh nhân Trung Quốc là một thế lực mới đang lên thách thức lại quyền lực lâu năm đã được thiết lập của ĐCS Trung Quốc.
Ông Ding Xueliang thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho biết: “Luật bất thành văn từ trước thời Tập là, nếu các doanh nhân sử dụng mạng lưới kinh doanh của họ để thâu tóm quyền lực chính trị, đảng sẽ nhanh chóng tìm cách triệt tiêu họ ngay lập tức.” Nhưng sự trỗi lên mạnh mẽ của tầng lớp doanh nhân Trung Quốc đã cho thấy rằng đảng không còn có thể “một tay che cả bầu trời”, kiểm soát khu vực tư nhân mãi được nữa.
Khi khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc phát triển nở rộ, điều này đã đi ngược lại một điểm cốt lõi trong lý thuyết của Lenin, vốn coi mọi lực lượng đối nghịch với đảng cộng sản đều là kẻ thù cần bị triệt tiêu. Do đó, việc ông Ngô Tiểu Huy bị bắt giữ và các doanh nhân giàu có bị phá rồi khác dường như là một điều quen thuộc trong những cuộc đối đầu giữa đảng và tầng lớp doanh nhân.
Một cựu đại lý ô tô, người đã kết hôn với cháu gái của cựu lãnh đạo Trung Quốc – Đặng Tiểu Bình cho biết, ông Ngô đã bị cưỡng chế từ bỏ một số thương vụ thâu tóm lớn ngoài Trung Quốc, bao gồm thương vụ mua lại khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng ở New York năm 2014.
Ước tính vào giữa năm 2012, trước khi bị đảng loại bỏ, tập đoàn của ông đã chi hơn 20 tỷ USD mua chuộc các quan chức chính phủ. Dường như danh tiếng, địa vị và những thương vụ táo bạo đã khiến ông Ngô trở thành mục tiêu cho lãnh đạo ĐCS muốn nhắc nhở lớp CEO mới nổi của Trung Quốc rằng ai mới thực sự là người làm chủ cuộc chơi.
Một số ông trùm điều hành các công ty tư nhân lớn khác cũng đã bị triệt tiêu theo cách tương tự trong cùng khoảng thời gian này.
Vào tháng 7, ông Tập đã ngăn chặn Ngân hàng nhà nước Trung Quốc cho vay mới đối với Tập đoàn bất động sản Wanda, công ty sở hữu nhà hát AMC để mở rộng ra nước ngoài. Và dưới áp lực của chính quyền Trung Quốc, Chủ tịch tỷ phú của Wanda, ông Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) đã buộc phải từ bỏ thương vụ, giá cổ phiếu của Wanda sau đó đã bị sụt giảm mạnh do tin đồn ông bị cấm rời khỏi Trung Quốc.
(Đón đọc phần 2)
Tác giả: Richard McGregor, Wall Street Journey.
Chân Hồ
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…