Photo by Keith Skipper, CC BY-SA 2.0
Tuần này, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) tổ chức hai ngày điều trần công khai đối với đề xuất thu phí 1,5 triệu USD đối với tàu biển do Trung Quốc sản xuất hoặc tàu biển có liên quan tới Trung Quốc mỗi khi cập cảng Hoa Kỳ. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển Hoa Kỳ đang tá hỏa với đề xuất thu phí này vì đang sở hữu quá nhiều tàu do Trung Quốc sản xuất.
Photo by Keith Skipper, CC BY-SA 2.0
Tháng trước, Chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu soạn thảo một biện pháp nhằm thúc đẩy ngành đóng tàu trong nước phát triển bằng cách đề xuất mức phí 1,5 triệu USD đối với các tàu do Trung Quốc sản xuất hoặc các tàu thuộc đội tàu có sở hữu tàu do Trung Quốc sản xuất.
Đề xuất của USTR dựa trên luận điểm rằng chính quyền Trung Quốc thông qua việc trợ cấp các nhà máy đóng tàu Trung Quốc để thống trị lĩnh vực hàng hải, đóng tàu và logistics toàn cầu. Việc Trung Quốc trợ cấp các doanh nghiệp đóng tàu đã gây tổn hại cho các doanh nghiệp của Mỹ, tạo ra sự phụ thuộc dẫn đến rủi ro về kinh tế, an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và Bắc Kinh có thể lấy điều đó làm vũ khí đàm phán khi xung đột xảy ra.
Đề xuất được sự đồng thuận của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội. Nguồn kinh phí thu được sẽ sử dụng để phục hồi ngành đóng tàu của Mỹ.
Phiên điều trần được tổ chức vào thứ Hai và thứ Tư, đánh giá tác động của biện pháp đối với các doanh nghiệp, người lao động, nhà xuất khẩu, nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Daniel Blazer, chủ hãng tàu World Direct, LLC có trụ sở ở Florida là một trong 16 cá nhân làm chứng trước một hội đồng chính phủ Hoa Kỳ do USTR đứng đầu, cảnh báo rằng biện pháp thu phí có thể mang lại tác dụng ngược.
Blazer giải thích rằng 2/3 số tàu của công ty ông có nguồn gốc Trung Quốc. Nếu phải thay thế tàu mới không có nguồn gốc Trung Quốc hay phải trả phí cập cảng thì đều là “một đón giáng nặng về tài chính” đối với công ty ông.
Tim Martin, chủ tịch của hãng vận tải Tropical Shipping hiện đang sở hữu 9 tàu Trung Quốc chia sẻ rằng doanh nghiệp hiện đang thuê gần 1500 lao động, phục vụ 30 cảng dọc tuyến vận tải biển từ Palm Beach, Florida đến vùng biển Caribe, Trung và Nam Mỹ.
Martin cho rằng các doanh nghiệp vận tải Hoa Kỳ đang cung cấp dịch vụ tại vùng biển Caribe “không thể hấp thụ thêm chi phí”. Các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc sẽ thay thế ngay lập tức các hãng vận tải và xuất khẩu của Hoa Kỳ tại khu vực này.
Duncan Wright, UWL, Inc., một công ty cung ứng và hậu cần có trụ sở tại Ohio, mô tả các hình phạt được khuyến nghị là “thảm khốc”.
“Nếu chúng tôi biết rằng quyết định sử dụng tàu do Trung Quốc đóng cách đây nhiều năm sẽ là hồi chuông báo tử thì chúng tôi đã đưa ra những lựa chọn khác. Nhưng chúng tôi đã làm điều đó rồi”, ông nói.
Phí cập cảng đối với các tàu do Trung Quốc sản xuất có thể làm tăng thêm hàng tỷ đô la chi phí cho các hãng vận chuyển. Người ta lo ngại rằng những chi phí này sẽ đổ sang doanh nghiệp và người tiêu dùng, và chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn.
Mặc dù có nhiều ý kiến phản ứng từ phía doanh nghiệp nhưng đề xuất thu phí cập cảng Hoa Kỳ đối với tàu Trung Quốc thu được rất nhiều ý kiến ủng hộ.
John Moolenaar – đảng viên Cộng hòa từ Michigan, và Raja Krishnamoorthi – đảng viên Dân chủ đến từ Illinois, đang là Chủ tịch và thành viên cao cấp của Ủy ban Chọn lọc Hạ viện về Trung Quốc, là các luật sư Hoa Kỳ ủng hộ đề xuất thu phí tàu Trung Quốc trong phiên điều trần thứ Hai.
Moolenaar cho rằng sự sụp đổ của ngành đóng tàu Hoa Kỳ không phải do thị trường quyết định mà đây là kết quả của chiến lược tài trợ có chủ đích của chính phủ Trung Quốc nhắm vào các ngành công nghiệp chủ chốt.
“Chúng ta phải bảo vệ chủ quyền kinh tế, bảo vệ an ninh hàng hải và một lần nữa củng cố lại năng lực trở thành kho vũ khí của nền dân chủ trên biển“, ông phát biểu trong một tuyên bố trực tuyến.
Krishnamoorthi lên tiếng rằng “không phải ngẫu nhiên” mà Trung Quốc hiện kiểm soát gần 50% thị trường đóng tàu thế giới và việc Hoa Kỳ hành động là “bắt buộc”.
Các nhà xuất khẩu lo lắng bị đội giá thành
Mike Koehne của Hiệp hội Đậu nành Hoa Kỳ cho rằng bất kỳ khoản phí cảng bổ sung nào cũng sẽ “tạo ra hậu quả không mong muốn cho người nông dân trồng đậu nành”. Ông lưu ý rằng 50% đậu nành Mỹ dùng để xuất khẩu và Trung Quốc là khách hàng mua nhiều nhất.
Augusto Bassanini, chủ tịch của United Grain Corporation, trong lá thư gửi cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer ngày 21 tháng 3, cũng cảnh báo đề xuất này “sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu nông sản Hoa Kỳ”.
Bassanini nói thêm rằng “hậu quả không mong muốn” của các hành động được đề xuất “đã bắt đầu xuất hiện, khi thị trường vận chuyển toàn cầu phản ứng bằng cách giảm lượng đặt chỗ tại các cảng của Hoa Kỳ, tăng giá cước vận chuyển và sửa đổi các điều khoản hợp đồng“.
Ông lưu ý rằng phản ứng ban đầu của thị trường đã khiến chi phí vận chuyển đường biển tăng 40%, ông cảnh báo rằng điều này sẽ trực tiếp đẩy giá lên cao và gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản Mỹ.
Theo ước tính của Chính phủ Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hơn 80% tàu chở hàng khô trên thế giới. Tính đến tháng 1 năm 2024, các tàu do Trung Quốc sở hữu chiếm hơn 19% đội tàu thương mại toàn cầu và kiểm soát 95% số container vận chuyển,
Những người khác đồng tình với quan điểm của Bassanini, nhấn mạnh rằng khoản phí này sẽ làm giảm đáng kể số lượng tàu có thể vận chuyển hàng hóa vào và ra khỏi Hoa Kỳ, tác động đến các nhà xuất khẩu và nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Trong lá thư gửi Greer vào ngày 17 tháng 3, Hội đồng Than Hoa Kỳ cho biết hành động được đề xuất “đã gây ra sự gián đoạn trong các cuộc đàm phán về việc vận chuyển than”.
Emily Arthun, Tổng giám đốc điều hành của hội đồng đại diện cho chuỗi cung ứng ngành công nghiệp than của Mỹ, cho biết khoản phí nhắm vào các tàu liên quan đến Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến “các công ty khai thác than, đơn vị khai thác cảng xuất khẩu than, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ vận tải và các dịch vụ khác hỗ trợ ngành công nghiệp than”.
“Các hành động được đề xuất, nếu được thực hiện, sẽ giết chết hoạt động xuất khẩu than của Hoa Kỳ”, bà nói thêm. “Các quốc gia khác, như Úc, có trữ lượng than sẵn sàng chiếm thị phần xuất khẩu than của Hoa Kỳ”.
Công nhân cảng lo mất việc vì các chủ hàng chuyển sang tuyến đường bộ
Theo Liên đoàn Công nhân bốc xếp và kho bãi quốc tế (ILWU), tổ chức đại diện cho công nhân bốc xếp tại bờ biển phía tây Hoa Kỳ, các cảng ở Puget Sound, một cảng trung chuyển bận rộn ở tiểu bang Washington, đã chứng kiến ”lượng hàng hóa lưu thông giảm đáng kể”.
Chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2024, 56 tỷ đô la Mỹ hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ đã được chuyển hướng sang Canada và Mexico, tăng 7,5%.
Nhóm này cho biết việc chuyển tuyến vận tải này đã khiến các nhà vận chuyển, “đặc biệt là các nhà xuất khẩu nông sản, phải vật lộn để đảm bảo các container mà họ cần, điều này đã gây ra sự chậm trễ tốn kém, đặc biệt là trong thời gian thu hoạch”.
Dan McKisson, một thành viên của bộ phận bốc xếp hàng hóa ven biển thuộc ILWU, đã kêu gọi đưa vào một “phí biên giới đất liền” đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngoài khoản phí được đề xuất, để ngăn chặn việc chuyển hướng các chuyến hàng đến Hoa Kỳ qua các nước láng giềng.
Ông cho biết “cần phải giải quyết tình trạng chuyển hướng hàng hóa tiềm ẩn” để đảm bảo sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu nông sản Hoa Kỳ và “bảo vệ” các cảng biển và người lao động Hoa Kỳ.
Phiên điều trần Thứ Hai là hạn chót để USTR chấp nhận ý kiến công chúng. Sau đó, cơ quan này sẽ xem xét phản hồi và quyết định có nên tiếp tục xây dựng quy tắc hay đưa ra đề xuất mới hoặc đã sửa đổi hay không.
Nguyên Hương (t/h), theo SCMP
Giới chức Myanmar hôm thứ Bảy (29/3) loan báo số người chết do trận động…
Ngày 28/3, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã đến thăm một căn cứ quân…
Một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ đã bác bỏ nỗ lực của chính quyền…
Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị thảo luận việc thành lập chính phủ tạm…
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã gặp Bộ trưởng Quốc…
Phó Tổng thống thứ nhất của Nam Sudan Riek Machar đã bị bắt và sẽ…