Nhiều ngư dân vay vốn đóng tàu ở Quảng Ngãi theo Nghị định 67 “ôm nợ” hàng chục tỷ đồng không thể trả đúng hạn. Những chiếc tàu vỏ thép có giá lên tới mười mấy tỷ đồng với hy vọng giúp chủ tàu ra khơi đổi đời nhưng nay lại “nằm bãi” trong tình trạng chờ ngân hàng thanh lý.
Ngày 19/3, một lãnh đạo (không nêu danh tính) Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết khoảng 80% tàu cá đóng từ vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 đánh bắt không hiệu quả. Hiện nay có 7 tàu (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) đã bị ngân hàng khởi kiện ra tòa, đưa tài sản đi bán đấu giá để để thu hồi vốn, theo báo Tuổi Trẻ.
Cơ quan này cho hay tỉnh Quảng Ngãi có tổng cộng 62 tàu cá được đóng theo nguồn vốn vay Nghị định số 67 của Chính phủ Việt Nam (chiếc đầu tiên được hạ thủy vào ngày 12/2/2015), bao gồm 11 tàu vỏ thép và 51 tàu vỏ gỗ. Tổng giá trị của 62 tàu cá hơn 387 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn thực hiện đóng tàu chủ yếu vay từ các ngân hàng với lãi suất 7%/năm, kỳ hạn vay là 11 năm.
Gần đây là trường hợp của ông Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) – chủ tàu cá vỏ thép số hiệu QNg 909-99 TS trị giá gần 14 tỷ đồng (năm 2016) đang bị ngân hàng khởi kiện vì không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay. Trước đó, ông Hân vay ưu đãi theo Nghị định 67 thông qua ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi, số tiền vay được hơn 13,2 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm, kỳ hạn vay 11 năm.
Sau khi được cấp vốn, con tàu của ông Hân được đóng mới và hạ thủy vào năm 2016. Tuy vậy, chỉ sau khoảng 2 năm hoạt động, tàu cá này đã phải cho “nằm bờ” do hoạt động không hiệu quả, thua lỗ.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Hân cho biết việc vay vốn đóng tàu vỏ thép trong lần vừa qua theo Nghị định 67 là một sai lầm. Tàu cá của ông chỉ khai thác tạm gọi là thuận lợi trong khoảng một năm đầu tiên. Sau đó, máy móc hư hỏng liên tục, nhất là bộ phận thủy lực; thân tàu bị gỉ sét nặng phải sơn sửa lại.
Ông Hân cho hay: “Càng đi tàu càng hư hỏng nặng khiến chuyến biển nào trở về cũng tay trắng, lại bị mất ngư cụ nên nợ nần chồng chất thêm. Đến tháng 3/2018, tàu phải neo lại cho đến nay vì không còn khả năng đi tiếp. Số tiền nợ hơn 13 tỷ vay đóng tàu, gia đình cũng không biết làm sao trả”, báo Người Lao Động dẫn lời.
Ngày 15/3, đại diện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết thủ tục đấu giá đã được hoàn tất, dự kiến ngày 17/3 tàu sẽ được đem ra đấu giá tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi, báo Người Lao động đưa tin.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Quảng Ngãi, tàu QNg 909-99TS của ông Võ Văn Hân được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 2 tỷ đồng.
Trước đó, các ngư dân cùng tỉnh Quảng Ngãi với ông Hân chịu “chung số phận” khi vay vốn đóng tàu, nhưng thực tế hoạt động không hiệu quả. Năm 2017, ông Trương Văn Chín (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ) vay ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Ngãi hơn 15 tỷ đồng để đóng một chiếc tàu vỏ thép công suất 822 CV, tổng giá trị tàu gần 16 tỷ đồng. Sau 1 năm, số tiền ông Chín trả cho ngân hàng chỉ được 37 triệu, nợ không có khả năng thanh toán là 250 triệu. Ông Chín cho biết tình trạng đi biển lúc được lúc mất, khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn nên bất đắc dĩ ông mới nợ ngân hàng – theo báo Quảng Ngãi.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hồng (TP Quảng Ngãi) không thể trả nợ đúng hạn hơn 174 triệu đồng tiền gốc và lãi hàng quý cho ngân hàng BIDV Quảng Ngãi. Chiếc tàu vỏ thép của ông Hồng trị giá trên 17 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng BIDV Quảng Ngãi cho vay 15,6 tỷ đồng. Con tàu này đi vào hoạt động từ tháng 9/2016 nhưng đến đầu năm 2017, tức chỉ vài tháng sau, do nguồn thu từ việc đánh cá không đủ, tàu hư hỏng nhiều khiến ông Hồng không gánh nổi số tiền lãi và nợ gốc phải trả cho ngân hàng.
Trước tình trạng trên, phía đại diện ngân hàng, ông Nguyễn Thành Phước – Phó Giám đốc ngân hàng BIDV Quảng Ngãi cho biết có nhiều trường hợp ngư dân ỷ lại vào chính sách nên thiếu ý thức và trách nhiệm trả nợ. Do đó, giải pháp mà ngân hàng BIDV Quảng Ngãi đưa ra là khởi kiện các chủ tàu, phát mãi tài sản để thu hồi vốn nếu chủ tàu không thể trả nợ.
Còn phía chính quyền, hồi năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định sau khi kiểm tra, các tàu cá vỏ thép đều hoạt động bình thường, không có hiện tượng gỉ sét nhiều (chỉ có gỉ sét một số vị trí). Trong quá trình hoạt động, các tàu này chỉ phát sinh các hư hỏng thông thường… Điều này được cho là không phản ánh đúng thực trạng khi đa số ngư dân đều lên tiếng về chất lượng tàu và truyền thông trong nước liên tục phản ánh tình trạng tàu cá mau xuống cấp.
Nghị định 67 về cho vay vốn đóng tàu được ra đời trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 17 hải lý và xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa ngư dân Việt Nam với tàu Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng chủ trương này được đưa ra và triển khai khá vội vã nhằm phục vụ nhu cầu chính trị “đưa ngư dân bám biển” hơn là vì nhu cầu sinh kế của người dân.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng nhận định việc chuyển từ tàu cá vỏ gỗ sang tàu cá vỏ thép cho ngư dân không chỉ đơn thuần thay đổi kết cấu của con tàu, mà còn đòi hỏi thay đổi toàn bộ tư duy về hoạt động đánh bắt cá theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Tuy vậy, sự vội vã cùng những ý kiến áp đặt của cơ quan nhà nước đã làm cho chủ trương này không thật sự đi đúng hướng – Đài Châu Á Tự Do đưa tin.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc tàu cá vỏ thép mau hư hỏng là vấn nạn tham nhũng, trục lợi từ chính sách của các nhóm lợi ích. Đơn cử như ở tỉnh Bình Định, các chủ tàu phản ánh hợp đồng đóng tàu bằng vỏ thép Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng các công ty đóng tàu đã thay thế bằng thép Trung Quốc không đảm bảo chất lượng; vỏ tàu mới sử dụng đã gỉ sét, máy trục trặc “như cơm bữa”, hầm bảo quản không giữ lạnh…
Vào tháng 5/2017, tại cuộc họp với doanh nghiệp đóng tàu, ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết các tàu vỏ thép mà Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bàn giao cho ngư dân Bình Định không đạt chất lượng. “Đổ lỗi ngư dân không biết bảo quản khiến tàu gỉ sét thì tại sao tàu do các doanh nghiệp khác đóng lại không bị gỉ sét. Còn máy mới làm gì có chuyện mới đi có chuyến biển đã hư hỏng” – ông Châu đặt câu hỏi.
Trả lời tại cuộc họp trên, ông Trương Văn Đài – Phó giám đốc của công ty Đại Nguyên Dương khẳng định: “Tàu xuống cấp, nước sơn bị bong tróc, thiết bị trên boong bị hư hỏng là do nước mặn”.
Ông Bùi Hữu Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu (công ty trực thuộc Bộ Công an) giải trình tại cuộc họp là phần máy móc được công ty này nhập về nguyên đai, nguyên kiện. Riêng về phần sơn vỏ tàu, ông Hùng cho biết: “Gỉ sét là do nước biển rất mặn”.
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…