Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam từng lên kế hoạch niêm yết ra nước ngoài nhưng đến nay chưa có công ty nào thành công. Mới đây, Vietjet Air cho biết hãng này đang đàm phán để trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết ra nước ngoài.
Theo Bloomberg, Công ty cổ phần hàng không Vietjet, hãng hàng không giá rẻ, đang đàm phán để trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài. Trước đó vào năm 2016, công ty đã phải hoãn lại kế hoạch niêm yết ở nước ngoài .
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc điều hành của Vietjet cho biết: “Một số thị trường chứng khoán ở London, Hong Kong và Singapore đã tiếp cận chúng tôi.”
Sau hơn 6 năm hoạt động, Vietjet Air đã đạt được hơn 40% thị phần hàng không nội địa. Doanh thu thuần của Vietjet năm 2016 đạt hơn 27.500 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so với năm 2015. Trong đó bao gồm 15.500 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách và dịch vụ liên quan.
Vào tháng 2 năm nay, cổ phiếu của Vietjet đã chính thức lên sàn HOSE với mức giá khởi điểm là 90.000 VND/cổ phiếu, trở thành hãng hàng không đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM.
Khoảng một năm trước, trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam, Vietjet Air đã ký kết hợp đồng kỷ lục 11,3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing, đặt mua 100 tàu bay B737 Max 200. Đây là hợp đồng có giá trị lớn nhất trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ từ trước đến nay và có thể coi là một trong các hợp đồng lịch sử của hãng Boeing. Cùng ngày, Vietjet Air còn ký hợp đồng mua động cơ PurePower Geared Turbofan của Tập đoàn United Technologies Corp., với giá trị 3,04 tỷ USD.
Với kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán, Vietjet mong muốn tìm kiếm thêm vốn đầu tư sau khi mua thêm máy bay. Hãng dự định nâng 1,8 tỷ USD vốn nếu được chính phủ nới lỏng quy định về đầu tư nước ngoài.
Vietjet Air không phải là công ty đầu tiên dự định niêm yết ra nước ngoài. Khoảng 10 năm trước một số công ty lớn ở Việt Nam đã bắt đầu dự định niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế. Tuy nhiên chưa có công ty nào thành công, ngoại trừ một số công ty mới chỉ niêm yết trái phiếu quốc tế ở nước ngoài, do khung pháp lý chưa hoàn thiện, chuẩn mực kế toán khác nhau giữa Việt Nam và thế giới và các điều kiện niêm yết cao của các sàn chứng khoán lớn trên thế giới.
Tuy vậy, kế hoạch tăng vốn đầu tư nước ngoài của Vietjet Air sẽ phải chờ sự chấp thuận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép nới rộng tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty thuộc lĩnh vực hàng không. Tỷ lệ này hiện nay là tối đa 30%. Trong tháng tư năm nay, các cổ đông của Vietjet Air đã nhất trí nâng tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 30% lên 49%.
Liên Hương
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…