Xét xử Phạm Công Danh: Ba ngân hàng bị đề nghị trả lại 6.100 tỷ đồng, Hiệp hội Ngân hàng lên tiếng

Chiều 24/1, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có Công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, TAND TP.HCM,… về phản ánh của ba ngân hàng thương mại liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng – VNCB) và đồng phạm với tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Phạm Công Danh. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Hiệp hội Ngân hàng cho hay Hiệp hội đã nhận được 3 Công văn của Ngân hàng Thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Sài Gòn Thương tín – Sacombank và Ngân hàng Thương mại Tiên Phong (TPBank).

Trước đó, ngày 22/1, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đặt ra vấn đề buộc thu hồi 6.126.839.273.721 đồng từ ba ngân hàng trên để khắc phục hậu quả cho thiệt hại của VNCB – số tiền được cho là do ông Danh phạm tội mà có khi bảo lãnh cho 29 lượt công ty vay tiền các ngân hàng, dẫn đến thất thoát. Sau đề nghị này của Viện Kiểm sát, cả ba ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank đã đồng loạt có văn bản gửi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Theo văn bản của Hiệp hội, sau khi nhận được thông tin trên, các tổ chức tín dụng là thành viên Hiệp hội nói chung và ba ngân hàng nêu trên nói riêng rất hoang mang, lo ngại về tác động tiêu cực của việc xử lý theo hướng này đối với hoạt động của mình.

Theo Hiệp hội, việc đại diện Viện Kiểm sát kiến nghị ba ngân hàng phải trả lại hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các ngân hàng. Kết luận giám định của Tổ giám định độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định ba ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank thực hiện việc thu hồi nợ vay của khách hàng đúng quy định và thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký và không có thiệt hại xảy ra tại ba ngân hàng này.

Hiệp hội cho rằng theo pháp luật hiện hành, các ngân hàng cho vay không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản thanh toán của bên vay (con nợ) trước khi thu nợ. Trên thực tế, nếu buộc các ngân hàng phải xác minh về nguồn gốc số tiền thu nợ thì sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn, thủ tục hành chính và chi phí cho các ngân hàng và khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng không có đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện việc xác minh này.

Cũng theo Hiệp hội, giao dịch phát sinh từ các hợp đồng tín dụng của các ngân hàng với khách hàng là giao dịch hợp pháp thì việc thu nợ từ tài khoản của bên có nghĩa vụ là ngay tình và được pháp luật bảo vệ (Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015). Việc thực hiện yêu cầu trên sẽ không bảo đảm quyền và lợi ích của các ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Hiệp hội cho rằng đề nghị này có thể dẫn đến hàng loạt các giao dịch vay vốn, gửi tiền với giá trị nhiều tỷ đồng có nguy cơ xảy ra tranh chấp, làm xáo trộn các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại hợp pháp, hợp lệ đang vận hành bình thường, không gặp vướng mắc gì. Theo đó, số tiền đã thu nợ hợp pháp, hợp lệ và được tất toán từ nhiều năm trước bất cứ khi nào cũng có thể bị bên vay lật lại, đòi lại vì cho rằng nguồn tiền đã trả nợ không hợp pháp hoặc bị thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc gia tăng rủi ro pháp lý không dự liệu được cho các tổ chức tín dụng, khách hàng vay và người gửi tiền, làm xáo trộn môi trường kinh doanh, khách hàng mất niềm tin vào các tổ chức tín dụng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ không an tâm hoạt động, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo Hiệp hội, hiện nay, Quốc hội và Chính phủ chủ trương tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó rất quan tâm đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và việc bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Theo đó, việc áp dụng đồng bộ và nhất quán các quy định của pháp luật là một trong những điều kiện tiên quyết tạo môi trường pháp lý rõ ràng, an toàn, minh bạch, giúp ngành ngân hàng thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý phù hợp vụ việc.

Nam Phong

Xem thêm:

Nam Phong

Published by
Nam Phong

Recent Posts

Chút tản mạn về tên ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký

Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…

4 phút ago

Có cách nào cải thiện tình trạng quần áo bị xù lông?

Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…

11 phút ago

Ý định của ông Trump trong việc muốn giải thể Bộ Giáo dục Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…

14 phút ago

Cựu Dân biểu Matt Gaetz rút lui khỏi vị trí ứng cử viên tổng chưởng lý

Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…

21 phút ago

Ông Trump bán cây đàn guitar có chữ ký với giá hơn 10.000 USD

Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…

39 phút ago

Bệnh tiểu đường gây tổn thương võng mạc như thế nào?

Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…

58 phút ago