Xử lý tham nhũng trong DNNN và sự chiếm lĩnh của nhà đầu tư ngoại khi IPO: Cần những bước đi cẩn trọng

Diễn biến chính dễ nhận thấy trong năm 2017 và đầu năm 2018 là các vụ xử lý đại án kinh tế từ Oceanbank đến ngân hàng VNBC, Tập đoàn PVN với những cái tên liên quan như: Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh… Đi liền với đó là các cuộc bán cổ phần công khai của các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh.

Cuối năm 2017, đầu năm 2018 là thời điểm ghi nhận Chính phủ xử lý hàng loạt các vụ án tham nhũng trong các DNNN, đồng thời thúc đẩy việc bán cổ phần các doanh nghiệp này lần đầu ra công chúng (IPO).

Trong vụ án tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), sau 14 ngày xét xử và nghị án, ngày 22/1, TAND Hà Nội đã tuyên án 13 năm tù đối với cựu Bộ trưởng Bộ GTVT từng giữ chức Chủ tịch HĐTV PVN – ông Đinh La Thăng và án chung thân dành cho ông Trịnh Xuân Thanh – cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Điều đáng nói là phiên tòa xét xử được công bố vào thời điểm ngay sau khi PVN lên kế hoạch IPO cổ phiếu của ba công ty con gồm: Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) vào thời điểm giữa – cuối tháng 1/2018. Trước đó, ba công ty con của PVN được lên kế hoạch IPO ngay trong năm 2017 nhưng sau đó đã bị trì hoãn.

Mặc dù là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á nhưng Việt Nam vẫn cho thấy những dấu hiệu bất ổn đến từ nợ công cao (3,13 triệu tỷ đồng năm 2017) và Chính phủ rất cần vốn để duy trì tốc độ tăng trưởng kỳ vọng. Chính vì vậy, việc IPO hàng loạt các DNNN trong những ngày đầu năm 2018 là một phần trong kế hoạch tăng vốn và bổ sung nguồn thu ngân sách đang eo hẹp của Chính phủ.

Tuy nhiên, song song với việc thúc đẩy các đợt IPO DNNN là các vụ xử lý tố tụng liên quan đến chính những công ty này, điều được cho là sẽ khiến các nhà đầu tư tiềm năng đặt nhiều nghi vấn và cân nhắc về việc mua cổ phần các DNNN, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến tài chính và nỗ lực cải cách kinh tế rộng lớn hơn của Chính phủ.

Áp lực từ ngân sách và sự chiếm lĩnh của nhà đầu tư ngoại khi IPO

Những động thái gia tăng các loại thuế gần đây bên cạnh giá cả một số mặt hàng chính yếu như xăng dầu tăng cao cho thấy Chính phủ đang tìm mọi cách để gia tăng nguồn thu trong bối cảnh áp lực ngân sách đang đè nặng.

Theo dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018 được Quốc hội thông qua, tổng số thu NSNN dự toán năm 2018 là 1.319.200 tỷ đồng; tổng số chi NSNN là 1.523.200 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP. Bên cạnh đó, những áp lực chi tiêu lớn cho đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng (dự kiến GDP tăng trưởng 6,7% trong năm nay) sẽ gia tăng áp lực hơn nữa lên bội chi ngân sách. Theo Bộ Tài chính, dự toán thu cân đối NSNN năm 2017 khoảng hơn 1.212.000 tỷ đồng, dự toán chi NSNN hơn 1.390.000 tỷ đồng, dự toán bội chi năm 2017 hơn 178.000 tỷ đồng, bằng 3,5% GDP.

Thông qua việc bán cổ phần các DNNN và để cho các đối tác nước ngoài tham gia vào việc quản lý các doanh nghiệp trong nước, Chính phủ một mặt vừa tăng ngân quỹ, mặt khác kỳ vọng các DNNN sau khi IPO sẽ cạnh tranh được trên toàn cầu nhờ yếu tố nhà đầu tư ngoại.

Bên cạnh đó, kết thúc năm 2017 cũng là thời điểm vừa tròn 10 năm ngày Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhiều hàng rào thuế quan buộc phải tháo gỡ theo tiến trình cam kết hội nhập, bao gồm cả việc chấm dứt ưu đãi đặc biệt biệt đối với các DNNN và cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân khác.

Năm 2005, Việt Nam có chừng 5.000 DNNN, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp này đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến năm 2016, số DNNN chỉ còn lại 856 doanh nghiệp. Trong đó, có 583 doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn và 273 doanh nghiệp Nhà nước sở hữu một phần.

Hiện đóng góp của khối DNNN vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm từ mức 50% vào năm 2005 xuống chỉ còn 28,8%.

Trong khi đó, việc tham gia hợp tác sâu rộng vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN buộc Việt Nam phải cắt giảm hàng loạt các loại thuế suất nhập khẩu về 0%, cụ thể mới đây là thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong khối. Điều này sẽ làm giảm doanh thu của Chính phủ và khiến các công ty Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn khi hàng Thái, Indonesia và các nước khác trong khu vực bắt đầu xâm nhập thị trường nội địa. Tất cả điều này có thể cản trở sức tăng trưởng của Việt Nam, vốn đã và đang rất phụ thuộc vào khối FDI.

Thị trường IPO DNNN cuối năm 2017 đã thu hút sự chú ý của nhiều giới đầu tư khi tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi bỏ ra gần 5 tỷ USD để nắm quyền chi phối 54% cổ phần của Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Tiếp sau đó, tập đoàn F&N của người Thái tiếp tục thâu gom cổ phiếu của Vinamilk với lượng đăng ký mua cổ phần lên đến 135 triệu cổ phiếu, nếu thương vụ lần này thành công, vị tỷ phú Thái sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk vượt mốc 20% và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đợt phát hành cổ phiếu lần này của một công ty con của PVN là Tổng công ty Dầu (PVOil) cũng thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài như: Dầu hỏa Anh – Hà Lan, Royal Dutch Shell, Idemitsu Kosan của Nhật và bốn công ty khác.

Có thể thấy rằng việc bán cổ phần các DNNN sẽ đem về nguồn bổ sung ngân sách tạm thời cho Chính phủ, cùng với kỳ vọng rằng có sự cộng tác của khối ngoại sẽ nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của các DNNN. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước lo lắng rằng thương hiệu Việt sẽ bị rơi vào tay nước ngoài, có nguy cơ bị xóa sổ. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo lắng: “Tôi đau nhất vẫn là không chỉ Sabeco mà nhiều doanh nghiệp nhà nước sau bao năm nuôi dưỡng, phải bán cho đối tác ngoại. …”

Người Việt chưa thể quên bài học từ Colgate Palmolive sau khi mua lại thương hiệu kem đánh răng đình đám bấy giờ của Việt Nam là Dạ Lan, sau đó cái tên Dạ Lan đã dần dần bị xóa sổ và biến mất khỏi thị trường. Nguy cơ hàng Việt bị đánh bật ngay trên sân nhà và người Việt phải đi làm thuê ngay trên chính mảnh đất của mình đang trở nên ngày càng hiện hữu.

Tiếp tục xử lý các vụ án tham nhũng với những lợi ích chính trị và kế hoạch IPO hàng loạt các DNNN với mối lo về sự chiếm lĩnh của nhà đầu tư ngoại sẽ cần được tính toán cẩn trọng trong những bước đi tiếp theo của kinh tế Việt Nam trong năm 2018.

Chân Hồ

Xem thêm:

Chân Hồ

Published by
Chân Hồ

Recent Posts

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

16 phút ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

25 phút ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

34 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

44 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

50 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

1 giờ ago