Sức Khỏe

Bảo vệ tuổi thơ: Một phong trào mới bảo vệ con khỏi điện thoại thông minh

Hàng giờ dành cho điện thoại di động khiến trẻ em mất đi sự phát triển cơ bản – có được thông qua việc vui chơi và các hoạt động thời thơ ấu.

Sử dụng điện thoại ít hơn 15 phút mỗi ngày mang lại nhiều lợi ích to lớn. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Tuổi thơ là thời gian vui chơi – không phải làm việc và thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Đó là thời gian để tận hưởng sự tự do – sẽ mất dần theo trách nhiệm của tuổi tác.

Những năm tháng vui chơi đóng vai trò quan trọng đối với việc trưởng thành thành người lớn khỏe mạnh, có năng lực và có trách nhiệm của mỗi người.

Ngày nay, điện thoại thông minh đang chiếm hết thời gian của tuổi thơ. Nỗi sợ hãi và sự thật về hậu quả của những hành vi như vậy đã bắt đầu xuất hiện trong các bậc cha mẹ, thúc đẩy một phong trào bảo vệ trẻ khỏi những tác động phụ của mạng xã hội, trò chơi điện tử và quyền truy cập không hạn chế vào thế giới trực tuyến.

Lời kêu gọi hành động

Năm 2018, 65% thanh thiếu niên được khảo sát cho biết, họ ước mình có thể tự kiểm soát tốt hơn việc sử dụng điện thoại thông minh và dành ít thời gian hơn cho chúng. Sự ép buộc không mong muốn đó hiện có thể đang ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Năm 2015, chỉ có 11% trẻ 8 tuổi được sở hữu chiếc điện thoại thông minh đầu tiên. Đến năm 2021, con số đó đã tăng vọt lên đến 31%, theo dữ liệu do SellCell biên soạn.

Cha mẹ có thể nhận thấy các dấu hiệu sử dụng điện thoại di động quá mức ở con mình nếu họ biết cách kiểm tra, Tiến sĩ Anthony Anzalone, nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện Stony Brook ở New York, nói với The Epoch Times. Những dấu hiệu này bao gồm: trẻ em quan tâm đến internet, dành nhiều thời gian trực tuyến và ít chú ý đến các nhiệm vụ trong thế giới thực.

“Một số trẻ em sẽ sử dụng nó như một cách để trốn tránh vấn đề hoặc giải tỏa tâm trạng tiêu cực”, ông nói.

Cha mẹ cũng có thể nhận thấy sự khó chịu của con mình khi phải đặt điện thoại xuống để làm bài tập về nhà hoặc dành thời gian cho gia đình.

Hậu quả có thể nghiêm trọng hơn khi thời gian trực tuyến chiếm nhiều thời gian hơn trong tuổi thơ của trẻ – các nghiên cứu đã cho thấy các vấn đề nghiêm trọng về sự phát triển của trẻ. Hiện nay, một phong trào do cha mẹ lãnh đạo có tên “Wait Until 8th” (“Đợi đến lớp 8”) đang kêu gọi cha mẹ không cho con cái truy cập trực tuyến trước khi lên lớp 8.

Hơn 75.000 người đã cam kết không cho con cái sử dụng điện thoại di động trước khi học lớp 8. Những người ủng hộ cam kết này cho rằng, việc trì hoãn thời gian cho trẻ dùng điện thoại thông minh có thể làm giảm áp lực xã hội và bảo vệ chúng khỏi sự xao nhãng và nguy hiểm của việc truy cập internet không được kiểm soát.

Tác động của việc sử dụng điện thoại thông minh sớm

Các chuyên gia cho biết, việc sử dụng điện thoại thông minh sớm có thể làm suy yếu sự phát triển của trẻ bởi việc tước đi cơ hội để trẻ có được nhiều kỹ năng nhận thức và xã hội cần thiết cho sự phát triển của mình. Điện thoại thông minh thúc đẩy sự so sánh xã hội, khiến trẻ tiếp xúc với bạo lực trực tuyến và nội dung khiêu dâm, rút ​​ngắn thời gian tập trung, tối đa hóa sự xao nhãng và tăng các trường hợp bắt nạt trên mạng – những vấn đề có thể được giải quyết phần lớn bằng cách không để internet trong tầm tay của trẻ.

Tiến sĩ Catherine Nobile, nhà tâm lý học tại New York và là giám đốc của Nobile Psychology (Trung tâm Tâm lý Nobile), nói với The Epoch Times rằng, việc cho trẻ em tiếp xúc với điện thoại di động và mạng xã hội ngay từ khi còn nhỏ có thể là một yếu tố rủi ro đối với các giai đoạn phát triển quan trọng khác nhau của trẻ. Thời thơ ấu (từ 0 đến 5 tuổi) là thời kỳ đặc biệt quan trọng.

Bà cho biết “Việc sử dụng màn hình quá nhiều trong thời gian này có thể cản trở sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng xã hội ở trẻ”.

Những năm tiếp theo cũng rất quan trọng.

“Trẻ em trải qua quá trình phát triển nhận thức, cảm xúc và xã hội quan trọng ở giai đoạn giữa thời thơ ấu (từ 6 đến 12 tuổi)”, bà Nobile giải thích.

Phong trào Wait Until 8th nhấn mạnh đến những rủi ro này, ủng hộ việc chơi ngoài trời, đọc sách và các hoạt động gia đình thay vì dành nhiều gian trên mạng xã hội và chơi game.

Trợ giúp và tham gia cộng đồng

Lời cam kết của Phong trào Wait Until 8th đã khuyến khích các phụ huynh cùng trợ giúp các con trong các trường học, ủng hộ các cam kết chung trong các lớp hoặc các quận. Để kích hoạt Lời cam kết, mỗi nhóm phải có ít nhất 10 gia đình trong cùng 1 trường cùng ký tên vào Lời cam kết. Sau khi kích hoạt, các gia đình sẽ có quyền truy cập vào danh sách những người đã ký cam kết, có thể hợp tác về các chiến lược để hướng tới một tuổi thơ không có điện thoại thông minh.

Tiến sĩ Vera Feuer là bác sĩ tại Northwell Health (Hệ thống Chăm sóc sức khỏe tích hợp phi lợi nhuận) có trụ sở tại New York, chuyên về tâm thần học, tâm thần học trẻ em và thanh thiếu niên. Bà nói với The Epoch Times rằng, việc trẻ rất nhỏ dành nhiều thời gian trước màn hình sẽ làm giảm kỹ năng đọc viết, đặc biệt là kỹ năng đọc sớm. Ngoài ra, còn có những cách khác ảnh hưởng đến sự phát triển nữa.

Bà cho biết: “Thứ nhất là tác động trực tiếp từ nội dung được đọc, được xem, [thứ hai là] lượng thời gian dành cho điện thoại. Sau này được gọi là ‘sự lấn át’”.

Theo Tiến sĩ Feuer, điều này đặc biệt quan trọng khi nói đến sự phát triển và các giai đoạn phát triển của trẻ vì khi trẻ không có cơ hội sử dụng các vùng não của mình thì công nghệ có thể lấn át “các cơ hội vận động cơ thể, sự tiếp xúc với con người, các tương tác qua lại, [và] sự tương tác trực tiếp”.

Bị cô lập trong ‘Cell Phone Silo’

Noah Kass, nhà trị liệu tâm lý được cấp phép tại Brooklyn, New York, nói với The Epoch Times rằng, vấn đề không phải là các gia đình dành ít thời gian cho nhau hơn trước mà là họ “ở một mình”, bị cô lập và mất kết nối trong các “căn hộ điện thoại di động” riêng tư của họ.

Tiến sĩ Kass cho biết về sự gián đoạn các cuộc trò chuyện với đối tác và trẻ em bởi các thông báo như tin nhắn, cuộc gọi, email và cảnh báo tin tức. “Không phải tất cả các màn hình đều được đặt chế độ giống nhau”.

Tiến sĩ Kass đã gợi lại hình ảnh mang tính biểu tượng của những năm 1950 về gia đình Mỹ với bữa tối xem TV và xem các chương trình của họ.

“Chắc chắn rồi, họ đang xem TV, họ đang làm điều đó cùng với nhau – cùng giao tiếp, cười đùa và đôi khi thậm chí chia sẻ một trải nghiệm cảm xúc nào đó”, ông nói. “Công nghệ, và đặc biệt là việc sử dụng điện thoại thông minh, dường như đang tạo ra sự tách biệt giữa cha mẹ và con cái, thường dẫn đến hiểu lầm vì các thành viên trong gia đình không có mặt đầy đủ để lắng nghe nhau”.

Tiến sĩ giải thích rằng, khi các kết nối cá nhân bị phá vỡ dẫn đến các gia đình trở nên dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc và thể chất hơn.

“Việc sử dụng điện thoại di động ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái, khiến cha mẹ khó tìm hiểu về cuộc sống của con mình hơn, trẻ em khó thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách trung thực hơn”, ông nói.

Tiến sĩ Kass cho biết, việc sử dụng điện thoại di động “không bị hạn chế, không được điều chỉnh và không được kiểm soát”, đặc biệt là ở trẻ nhỏ vào cuối những năm tiểu học và đầu những năm trung học cơ sở, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý đầu vào cảm giác, kiểm soát cảm xúc như tức giận, sợ hãi, mức cortisol tăng cao, làm suy yếu khả năng xử lý căng thẳng của trẻ.

“Các mối quan hệ ngoài đời thực của những đứa trẻ này cũng kém đi dẫn đến gia tăng các triệu chứng trầm cảm như buồn bã, năng lượng thấp và cảm giác cô đơn”, ông nói thêm.

Sự thay đổi trong thái độ của cha mẹ đối với công nghệ và tuổi thơ

Phong trào Wait Until 8th đại diện cho sự thay đổi trong niềm tin của cha mẹ về cách internet ảnh hưởng đến con cái của họ. Khi ngày càng nhiều gia đình trì hoãn việc cho con sử dụng điện thoại thông minh thì những người tổ chức phong trào này càng hy vọng sẽ nuôi dưỡng được một tuổi thơ tập trung vào sự kết nối giữa người với người, các trò chơi năng động hơn là sự cô lập và thời gian sử dụng màn hình.

Tiến sĩ Michelle Dees, bác sĩ chuyên khoa tâm thần được cấp phép tại Luxury Psychiatry Medical Spa ở Chicago, nói với The Epoch Times rằng, khi các gia đình không bị điện thoại di động làm sao nhãng nhau thì chắc chắn sẽ có sự kết nối chặt chẽ hơn.

“Cách tiếp cận trực tiếp như vậy giúp các gia đình truyền đạt cảm xúc và suy nghĩ của mình, từ đó hình thành nên mối quan hệ sâu sắc hơn”, bà nói. “Theo thời gian, những cuộc trò chuyện như vậy có thể nuôi dưỡng sự ấm áp và lòng trắc ẩn, vốn là nền tảng của bất kỳ gia đình nào”.

Bà nói thêm rằng, bằng cách trì hoãn việc sử dụng điện thoại di động, các gia đình có thể thực hiện nhiều hoạt động cộng tác hơn như chơi cờ hoặc các hoạt động ngoài trời, điều này sẽ giúp cải thiện các mối quan hệ và tạo ra những kỷ niệm lâu dài.

“Những hoạt động như vậy thúc đẩy các mối quan hệ thông qua tinh thần đồng đội và sự hợp tác”, bà nói tiếp. “Thúc đẩy sự gắn kết nội bộ trong gia đình, ngoài ra, thời gian gắn kết bên nhau còn tạo cơ hội chia sẻ những gì đã học được trong các hoạt động hàng ngày của từng cá nhân”.

Tiến sĩ Dees cho biết rằng, trẻ sẽ dễ dàng học cách kiểm soát cảm xúc và căng thẳng hơn trong môi trường không có điện thoại di động.

“Nếu không bị điện thoại thường xuyên thu hút sự chú ý, trẻ có thể học cách sống ở thế giới thực, từ đó cải thiện khả năng kiểm soát cảm xúc và căng thẳng”, bà nói.

Bà cũng khuyến nghị nên dạy trẻ các kỹ thuật chánh niệm nhằm giúp trẻ giảm căng thẳng, tăng sự minh mẫn về tinh thần để quản lý vấn đề tốt hơn. Chánh niệm đề cập đến việc chú ý đến những trải nghiệm cá nhân của con người, bao gồm cả suy nghĩ và cảm xúc tại thời điểm đó.

“Ngoài ra, sống trong thế giới thực có thể giúp thúc đẩy năng lực tốt hơn bằng cách cải thiện nhận thức về cảm xúc và tình huống, điều này thúc đẩy sự phát triển”, bà tiếp tục.

Tiến sĩ Dees lưu ý rằng, việc dành thời gian tránh xa các thiết bị cũng sẽ mang đến cho trẻ cơ hội tham gia vào các hoạt động mang tính tưởng tượng như vẽ và kể chuyện – rất quan trọng để điều chỉnh cảm xúc.

“Những hoạt động như vậy có thể nâng cao lòng tự trọng của trẻ bằng cách cho trẻ cơ hội sử dụng trí tưởng tượng và sự sáng tạo”, bà nói. “Ngoài ra còn có sự đóng góp về mặt nghệ thuật khi sự sáng tạo được sử dụng như một phương tiện trị liệu góp phần vào sự phát triển cảm xúc của con người”.

Các giai đoạn phát triển chính bị ảnh hưởng bởi việc tiếp cận điện thoại

Ernesto Lira de la Rosa, nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép và là cố vấn truyền thông của Hope for Depression Research Foundation (Quỹ nghiên cứu Hope for Depression được thành lập để tài trợ cho các nghiên cứu tiên tiến nhất về bệnh trầm cảm tại Hoa Kỳ), đã nói với The Epoch Times rằng, sự phát triển của trẻ được chia thành một số giai đoạn chính, việc tiếp cận điện thoại di động và mạng xã hội sớm có thể ảnh hưởng đến từng giai đoạn này theo những cách khác nhau. Các giai đoạn chính có thể bị ảnh hưởng bao gồm:

Giai đoạn Mầm non (0–5 tuổi):

Trong giai đoạn này, trẻ xây dựng các kỹ năng cơ bản về giao tiếp, điều hòa cảm xúc và tương tác xã hội, Tiến sĩ Lira de la Rosa cho biết. Ông nói thêm rằng, nếu trẻ tiếp xúc quá nhiều với màn hình, bao gồm cả điện thoại di động sẽ làm cho “trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ, khó tập trung và giảm sự tham gia vào trò chơi tưởng tượng – điều này rất quan trọng đối với sự phát triển nhận thức và cảm xúc sớm”.

Giai đoạn Nhi đồng (6–12 tuổi):

Tiến sĩ Lira de la Rosa cho biết, tuổi nhi đồng được đặc trưng bởi sự phát triển tính độc lập, phát triển nhận thức và kỹ năng xã hội, trẻ em bắt đầu hình thành các mối quan hệ bạn bè sâu sắc hơn và có ý thức về bản thân. Ông cho biết: “Việc sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội ở giai đoạn này có thể ảnh hưởng đến cách trẻ xây dựng tình bạn, có khả năng tác động đến sự phát triển các kỹ năng xã hội lành mạnh, trực tiếp của trẻ”. Nếu để trẻ tiếp xúc với mạng xã hội, trẻ có thể dễ bị bắt nạt trên mạng, bị áp lực từ bạn bè, tiếp cận những nội dung không phù hợp, có thể thách thức sức khỏe cảm xúc và lòng tự trọng của trẻ.

Giai đoạn Vị thành niên (13–18 tuổi):

Tiến sĩ Lira de la Rosa cho biết, tuổi vị thành niên là giai đoạn quan trọng để hình thành bản sắc, điều hòa cảm xúc và phát triển chức năng điều hành. Ông giải thích rằng, việc tiếp cận điện thoại di động và mạng xã hội có thể làm gia tăng sự so sánh xã hội và tăng khả năng tiếp xúc với những mô tả được sắp xếp hoặc không thực tế về cuộc sống – điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh cơ thể và lòng tự trọng. Ông cũng lưu ý rằng “việc sử dụng quá nhiều điện thoại di động cũng có thể làm gián đoạn các thói quen ngủ, vốn rất cần thiết cho sự phát triển về tinh thần và thể chất diễn ra trong giai đoạn vị thành niên”.

Hướng dẫn sử dụng điện thoại di động cho trẻ

Tiến sĩ Feuer nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đưa ra các quy tắc và thỏa thuận trong gia đình liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động. Các hướng dẫn này cần phải được áp dụng cho tất cả các thành viên trong gia đình, bao gồm cả cha mẹ.

“Chúng ta phải có hướng dẫn, chúng ta phải có quy tắc”, Tiến sĩ Feuer cho biết. “Tốt hơn nhiều nếu bắt đầu sớm và dần dần để trẻ có nhiều quyền tự chủ hơn khi chúng học cách điều hướng và học cách sử dụng công nghệ theo cách có ích cho chúng”.

Bà khuyến nghị rằng, cha mẹ nên giúp con cái hiểu và có ý thức hơn về việc sử dụng điện thoại di động. Tiến sĩ Feuer gợi ý nên hỏi trẻ những câu hỏi như: “Con cảm thấy thế nào sau đó? Con lãng phí thời gian của mình như thế nào? Con dành bao nhiêu thời gian cho việc này khi mà con ước mình có thời gian cho những việc khác trong ngày?”

Tiến sĩ Feuer kể lại trải nghiệm của bà với con của mình về lượng thời gian con dành cho điện thoại. Bà yêu cầu con chỉ cần xem lượng thời gian con dành cho TikTok là bao nhiêu thôi, “và 2 ngày sau, con của bà đã xóa TikTok khỏi điện thoại”, bà nói.

Tiến sĩ Feuer đề cập đến tầm quan trọng của việc trở thành hình mẫu cho con cái khi nói đến thời gian dành cho các thiết bị.

Bà nói, “Tôi biết điều này gây căng thẳng hơn cho cha mẹ, nhưng thực sự, việc làm gương là rất quan trọng vì chúng ta cũng phải làm như vậy. Chúng ta nghiện các thiết bị của mình, chúng ta bị phân tâm và chúng ta không thể kết nối với con cái vì bản thân chúng ta đang bận rộn với việc sử dụng thiết bị này hay thiết bị khác hoặc làm việc hoặc làm việc riêng của mình”.

Cách tiếp cận tốt nhất để dạy cách sử dụng điện thoại di động có trách nhiệm là lập một “kế hoạch gia đình”, Tiến sĩ Feuer nói.

“Mọi người đều phải tham gia. Và tôi nghĩ rằng, thanh thiếu niên sẽ phản ứng tốt hơn khi thấy gánh nặng không chỉ nằm ở phía chúng và chúng ta không chỉ theo dõi thói quen của chúng dưới kính hiển vi”.

Tiến sĩ Feuer khuyến nghị nên tiếp cận vấn đề này như một vấn đề mà cha mẹ và con cái cùng nhau làm trong một gia đình, “chúng ta cần phải làm tốt hơn thế này. Chúng ta cần phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho gia đình”.

Một vấn đề khác phát sinh khi sử dụng điện thoại di động từ khi còn nhỏ là thiết bị sẽ trở thành cách để trẻ thoát khỏi thế giới khi bị căng thẳng.

Tiến sĩ Feuer nói: “Trẻ em cần học cách tự trấn tĩnh mà không cần thiết bị”.

Cai Internet

Điều quan trọng là phải hạn chế dần dần việc sử dụng điện thoại di động, Jenny Seham, nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Y tế Montefiore, chia sẻ với tờ The Epoch Times.

Tiến sĩ Seham cho biết, việc đột ngột đặt ra giới hạn sử dụng điện thoại di động cho trẻ có thể dẫn đến sự tức giận và bùng nổ ban đầu khi trẻ thích nghi lại với việc kiểm soát cảm xúc của mình, giao tiếp với bạn bè và chơi với công nghệ ít hơn.  Bà nói thêm: “Tin tốt là với sự chuẩn bị và trợ giúp của cha mẹ, những lợi ích cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thể được nhìn thấy gần như ngay lập tức và chắc chắn là chỉ trong vòng vài ngày”. Theo Tiến sĩ Seham, dưới đây là những bước mà cha mẹ nên chuẩn bị thực hiện khi cai điện thoại di động cho trẻ:

  • Dành nhiều thời gian hơn cho con. Giảm thời gian sử dụng điện thoại di động có nghĩa là bạn nên chuẩn bị dành nhiều thời gian chất lượng hơn cho con mình – điều này cũng tốt cho cha mẹ.
  • Soạn ra “Một bộ tài liệu ứng phó”. Cùng nhau lập kế hoạch và tìm hiểu xem con thích làm gì. Tập trung vào việc xác định các hoạt động mà trẻ thích như đọc sách, ra ngoài trời, dắt chó đi dạo, vẽ, tham gia các hoạt động nghệ thuật khác, đi ăn ngoài và gặp gỡ bạn bè. Bộ tài liệu này không chỉ nói về việc sử dụng điện thoại di động hoặc Internet, mà còn nói về những việc cần làm trong những khoảnh khắc khó khăn nói chung.
  • Xác nhận những gì cha mẹ yêu cầu ở con mình. Chứng minh bằng hành động của chính bản thân cha mẹ rằng: mặc dù khó khăn, nhưng cha mẹ vẫn có thể thoát khỏi “công cụ giải quyết nhanh chóng” là nhắn tin, đăng bài hoặc lướt mạng xã hội.
  • Tham gia thảo luận. Nói chuyện với con về việc nếu các con ở trong các tình huống xã hội mà không có điện thoại di động thì sẽ như thế nào và cùng nhau lập chiến lược. Lên kế hoạch về cách mà chúng có thể đối phó hoặc các kịch bản mà chúng có thể sử dụng.

Tiến sĩ Seham cũng khuyến nghị nên nói chuyện với con về cách chúng có thể trao đổi về việc sử dụng điện thoại với bạn bè.

“Hãy đóng khung nó theo nghĩa là ‘tự do’ để tận hưởng thế giới xung quanh trẻ trong khoảnh khắc đó. Chúng có thể mời những người khác tham gia vào cuộc sống không có điện thoại di động bằng cách cùng nhau lên kế hoạch cho các hoạt động không có điện thoại”, Tiến sĩ nói.

Khánh Ngọc biên dịch
Theo The Epoch Times

Xem thêm:

George Citroner

Published by
George Citroner

Recent Posts

Ông Trump chọn tỷ phú Howard Lutnick làm Bộ trưởng Thương mại

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…

37 phút ago

Các nhóm nhân quyền phương Tây chỉ trích ông Biden về mìn sát thương ở Ukraine

Các tổ chức nhân quyền phương Tây đã lên án Tổng thống Hoa Kỳ Joe…

2 giờ ago

Tổng thống Nicaragua Ortega tìm cách mở rộng quyền lực của tổng thống

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã đề xuất cải cách hiến pháp nhằm mở rộng…

2 giờ ago

Xây dựng nền tảng từ khi còn trẻ để có tuổi già viên mãn

Lão hóa là một phần không thể tránh khỏi trong quy luật tự nhiên, nhưng…

2 giờ ago

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc từ chối gặp người đồng cấp Hoa Kỳ

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã từ chối cuộc gặp với Bộ…

2 giờ ago

Ông Trump chọn cựu Tổng chưởng lý Matthew Whitaker làm đại sứ NATO

Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm thứ Tư (20/11) đã chọn luật sư Matthew…

2 giờ ago