Một nghiên cứu phát hiện, chỉ cần để điện thoại bên cạnh cũng làm giảm khả năng truy cập và xử lý thông tin của trí não – thậm chí ngay cả khi đã cất trong cặp.

Smartphone
Một nghiên cứu phát hiện, chỉ cần để điện thoại bên cạnh cũng làm giảm khả năng truy cập và xử lý thông tin của trí não. (Ảnh: Shutterstock)

Khi Mohamed  Elmasry, Giáo sư danh dự về khoa học máy tính tại trường Đại học Waterloo, thấy hai cháu 10 và 11 tuổi đang vuốt điện thoại thông minh, ông đặt một câu hỏi đơn giản: “9 chia 3 bằng bao nhiêu?”

Thay vì mất thời gian suy nghĩ, bọn trẻ ngay lập tức mở ứng dụng máy tính trên điện thoại – ông viết trong cuốn sách của mình. 

Sau một kỳ nghỉ tại Cuba, ông hỏi cháu về tên thủ đô của hòn đảo. Một lần nữa, những ngón tay trẻ vuốt lên smartphone, hỏi Google đáp án thay vì nhớ lại trải nghiệm mới gần đây. 

Với 60% dân số thế giới và 97% người dưới 30 tuổi sử dụng điện thoại thông minh, công nghệ đã vô tình trở thành phần nối dài của quá trình tư duy. Tuy nhiên mọi thứ đều phải trả giá. 

Chẳng hạn, hệ thống định vị toàn cầu hữu dụng, tuy nhiên lại liên quan đến làm giảm trí nhớ không gian và khả năng định hướng. Những AI như ChatGPT đang làm suy giảm kỹ năng tư duy thiết yếu, tăng lệ thuộc, giảm khả năng đưa ra quyết định và gây lười biếng, theo các nghiên cứu gần đây.

Các chuyên gia đang nhấn mạnh đến việc tu dưỡng và ưu tiên cho các kỹ năng bẩm sinh của con người mà công nghệ không thể sao chép được.

Trí thông minh thực sự bị bỏ bê

Nói về việc quá lệ thuộc vào công nghệ của các cháu, giáo sư Elmasry cho rằng chúng không hề ngốc, nhưng vấn đề là chúng không dùng trí thông minh thực sự của mình. 

Thế hệ này mặc nhiên dùng các công cụ tìm kiếm như Google thay vì suy ngẫm. Cơ bắp sẽ teo nếu chúng ta không vận động, tương tự vậy khả năng nhận thức sẽ suy yếu nếu chúng ta để công nghệ nghĩ thay. 

Người ta gọi đó là  hiệu ứng Google, như trong một nghiên cứu năm 2011 của đại học Columbia. Các nhà nghiên cứu phát hiện con người dễ quên các thông tin có sẵn trên mạng Internet và ngược lại. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu năm 2021 về hiệu ứng Google phát hiện thêm rằng những người phụ thuộc vào công nghệ tìm kiếm như Google sẽ thực hiện các bài đánh giá học tập và nhớ lại kém hơn so với người không lệ thuộc. 

Smartphone 2
Sự lạm dụng điện thoại thông minh không chỉ làm suy giảm nhận thức, còn có thể làm suy yếu trí thông minh xã hội – một khía cạnh bẩm sinh, phân biệt con người và máy móc. (Ảnh: Shutterstock)

Lệ thuộc vào công nghệ chỉ là một khía cạnh, sự hiện diện của chúng cũng là vấn đề. Một nghiên cứu  cho thấy sự có mặt đơn thuần của điện thoại thông minh cũng làm giảm khả năng nhận thức – dù đã tắt hay để điện thoại trong cặp. 

Hiệu ứng “bòn rút não bộ” này, theo các nhà nghiên cứu dường như là do sự hiện diện của điện thoại thông minh đã lấy đi nguồn lực nhận thức, kín đáo giảm sự chú ý và khiến ta khó tập trung hoàn toàn vào công việc trên tay. Không chỉ làm suy giảm nhận thức, lạm dụng công nghệ còn có thể làm suy yếu trí thông minh xã hội – một khía cạnh bẩm sinh, phân biệt con người và máy móc. 

Như cỗ máy

Tại Hoa Kỳ, trẻ độ tuổi từ 8-12 thường dành từ 4-6 tiếng trước màn hình mỗi ngày, trong khi thanh thiếu niên dành đến 9 tiếng. Đặc biệt là 44% thành thiếu niên thấy lo âu, 39% thấy cô đơn nếu thiếu điện thoại. 

Dành quá nhiều thời gian trước màn hình làm giảm tương tác xã hội và trí thông minh cảm xúc, có liên quan đến triệu chứng tương tự tự kỷ, đặc biệt thời lượng sử dụng nhiều tương quan với triệu chứng nặng hơn. 

Tiến sĩ, bác sĩ Jason Liu chuyên về khoa học thần kinh, nói với The Epoch Times rằng ông đặc biệt lo ngại về việc trẻ sử dụng phương tiện kỹ thuật số. 

Ông cho biết đã quan sát thấy những bất thường ở bệnh nhân trẻ chìm đắm quá lâu trong thế giới số, chúng kém trong thể hiện cảm xúc, nói chuyện, tiếp xúc mắt, khó hình thành kết nối giữa con người. Nhiều người có triệu chứng của tăng động giảm chú ý (ADHD).

“Chúng ta không nên để công nghệ thay thế nhân tính,” Tiến sĩ Liu chia sẻ. 

dien thoai thong minh 2
Trẻ chìm đắm quá lâu trong thế giới số, chúng kém trong thể hiện cảm xúc, nói chuyện, tiếp xúc mắt, khó hình thành kết nối giữa con người. Nhiều người có triệu chứng của tăng động giảm chú ý (ADHD). (Ảnh: BearFotos/ Shutterstock)

Ủng hộ quan sát của Tiến sĩ Liu, nghiên cứu đăng tải trên tạp chí JAMA theo dõi 3.000 thanh thiếu niên không có triệu chứng ADHD trước đó trong 24 tháng, và thấy rằng khả năng bị ADHD cao hơn khi tần suất dùng phương tiện kỹ thuật số hiện đại tăng lên. 

Manuel Garcia-Garcia, lãnh đạo toàn cầu về khoa học thần kinh tại Ipsos và có bằng tiến sĩ khoa học thần kinh, nói với The Epoch Times rằng kết nối giữa người và người là điều thiết yếu để xây nên mối liên hệ sâu sắc, còn các công cụ kết nối số giúp liên hệ thuận tiện hơn, nhưng có thể dẫn đến tương tác bề mặt và cản trở tín hiệu xã hội.

Ủng hộ quan sát của tiến sĩ Liu rằng người bệnh đang trở nên như “cỗ máy”, một thí nghiệm trên Facebook tiến hành trên gần 700,000 người dùng, điều chỉnh new feed theo hướng tích cực hoặc tiêu cực hơn. Kết quả là người dùng tiếp xúc nội dung tích cực sẽ đăng nhiều bài tích cực, trong khi người tiếp xúc nội dung tiêu cực hơn sẽ đăng nhiều bài tiêu cực. 

Điều này chứng tỏ công nghệ có thể thúc đẩy hành vi con người theo cách tinh tế nhưng có hệ thống. Như vậy hành động và cảm xúc của chúng ta dễ đoán, tương tự như các đáp ứng được lập trình, theo các chuyên gia.

Thời khắc Eureka

“Đặt lên đôi vai bạn là thứ phức tạp nhất từng được biết đến trong vũ trụ”, nhà vật lý lý thuyết Michio Kaku đã từng nói về tính phức tạp của bộ não như vậy.

Dù công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, gồm cả AI, có thể dường như khá tinh vi và phức tạp, nhưng chúng cũng không sánh được với  trí tuệ con người. 

“AI rất thông minh, nhưng không thực sự vậy”, giáo sư tâm lý học tại Trường đại học Temple, Kathy Hirsh-Pasek, nói với tờ The Epoch Times. “Nó là thuật toán máy thực sự tuyệt trong việc dự đoán từ tiếp theo. Chỉ vậy thôi.”

Bộ não người có cấu trúc dạng phát triển, không như máy tính. Con người học thông qua ý nghĩa, cảm xúc và tương tác xã hội. Tuy nhiên máy móc chỉ “học” qua dữ liệu đầu vào, tối ưu hoá để cho ra kết quả đầu ra tốt nhất có thể.  

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Jessica Russo, hệ thống AI không thể vượt ra ngoài thông tin chúng được cung cấp, và vì vậy không thể thực sự sản sinh bất cứ điều gì mới. Tuy nhiên, con người lại có thể. 

Tiến sĩ Sai Zuo, bác sĩ tâm thần chuyên ngành nhân chủng học y khoa và y học xã hội, chia sẻ với The Epoch Times rằng AI không có khả năng trực giác như con người để thực sự hiểu được chiều sâu và sự chân thực của cảm xúc.

Đã có nhiều thời khắc eureka, khi nguồn cảm hứng tự phát mà không có nguồn gốc rõ ràng nhưng đóng vai trò là bước đột phá cho sự phát triển khoa học. Lúc đang tắm, nhà toán học Archimedes đã nhận thấy có thể xác định thể tích của một vật bằng lượng nước mà nó chiếm chỗ, khiến ông bật lên từ “Eureka!”. Trong khi lúc nghỉ giải lao, Albert Einstein đã tưởng tượng ra một thí nghiệm về hai tia sáng, từ đó dẫn đến thuyết tương đối hẹp. 

Tuy nhiên, công nghệ và giải trí hiện đại đã cản trợ sự sản sinh ra ý tưởng mới, làm giảm sức sáng tạo. 

Chẳng hạn trong thế giới luôn có sự kích thích, sẽ không còn chỗ cho buồn tẻ. Nhưng chính cái buồn tẻ đó làm tăng sức sáng tạo, giúp chúng ta nghĩ ra được giải pháp mới.

May mắn là chúng ta có những biện pháp hiệu quả để triệt tiêu ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ, đồng thời nuôi dưỡng khả năng bẩm sinh của con người. 

Lấy lại trí thông minh 

Các chuyên gia cho rằng nhịn “công nghệ”, nghĩa là tách bản thân khỏi công nghệ, sẽ giúp vun bồi sự tập trung và sống có chủ đích.

Một nghiên cứu cho thấy học sinh lớp 6 dành 5 ngày cắm trại ngoài thiên nhiên và cách xa công nghệ, đã thể hiện sự cải thiện đáng kể về các tín hiệu cảm xúc phi ngôn ngữ, chẳng hạn như đọc cảm xúc trên khuôn mặt, so với những bạn cùng lứa không tham gia.

tre em cam trai
(Ảnh: Shutterstock)

Ngay cả việc đặt ra những giới hạn hợp lý cũng làm giảm các tác động tiêu cực.

Người trẻ tuổi chỉ sử dụng mạng xã hội 30 phút mỗi ngày trong 2 tuần đã giảm nghiện điện thoại thông minh, cải thiện giấc ngủ, sự hài lòng trong cuộc sống, căng thẳng và các mối quan hệ. Theo giáo sư Hirsh-Pasek, chìa khóa chính là sự cân bằng.

Ngoài ra, nghiên cứu gần đây phát hiện thấy các biện pháp can thiệp đơn giản như tắt thông báo không cần thiết, giữ điện thoại ở chế độ im lặng, tắt Touch ID/Face ID, ẩn ứng dụng mạng xã hội và chuyển điện thoại sang chế độ thang độ xám giúp giảm thời gian sử dụng.

Nếu “giải độc” kỹ thuật số là bất khả thi, nghiên cứu cho thấy vẫn còn những cách hữu ích khác.

Ngủ

Một đêm ngủ ngon rất cần thiết cho việc học và củng cố trí nhớ. Ngay cả một đêm thiếu ngủ cũng có thể làm suy yếu đáng kể khả năng ghi nhớ mọi thứ.

Trong khi ngủ tại bộ não diễn ra quá trình dọn dẹp. Các chất thải độc hại cho thần kinh tích tụ cả ngày được đào thải ra ngoài, góp phần vào chức năng khỏe mạnh của các tế bào não.

ngủ
(Ảnh minh họa: Africa Studio/ Shutterstock)

Khía cạnh tinh thần

Công nghệ kỹ thuật số hiện đại tạo ra sự kích thích vô tận, tách chúng ta khỏi những khía cạnh quan trọng của cuộc sống, chẳng hạn như một tâm hồn bình thản.

Nhà tâm lý học Russo chỉ ra rằng, “Thực sự không có nhiều chỗ cho tinh thần khi chúng ta quá bận rộn với công việc”. Bà nói thêm rằng nền văn hóa hiện bị chi phối bởi những thứ gây xao nhãng—email, thông báo và tin tức đến liên tục. Điều này khiến cơ thể chúng ta chìm trong dopamine.

Theo thời gian, điều này làm kiệt quệ tâm trí và cơ thể chúng ta, cản trở khả năng suy nghĩ sâu sắc và sự kết nối.

Bà Russo chia sẻ, từ spiri-tinh thần bắt nguồn từ spiritus, tiếng Latin có nghĩa là “hơi thở”. Nghĩa là chậm lại, hít thở sâu và hiện diện hoàn toàn trong từng khoảnh khắc.

Những thực hành tâm linh khuyến khích các kết nối có ý nghĩa, bao gồm sự đồng cảm và trí tuệ cảm xúc. Chúng cũng có thể nâng cao các khả năng nhận thức như sự sáng tạo, sự chú ý, tạo ra ý nghĩa và mục đích. 

falungong practice 918x600 918x600 1
Người đàn ông đang ngồi thiền theo công pháp của Pháp Luân Công.

Lựa chọn trước mắt chúng ta

Chúng ta đang đứng trước bờ vực của tiến bộ công nghệ, với những thứ như AI và metaverse đang lớn lên từng ngày, giáo sư Hirsh-Pasek lưu ý. Thách thức và cơ hội nằm ở chỗ đảm bảo sự tiến bộ công nghệ nhưng không làm giảm tính nhân văn.

Công nghệ có thể mang lại những lợi ích to lớn và trong tương lai, “sẽ có rất, rất nhiều điều tuyệt vời”, giáo sư Hirsh-Pasek chia sẻ. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng “loài người [có] một bộ não xã hội—cho thấy chúng ta là ai. Càng làm suy yếu bản chất xã hội của loài người, chúng ta càng mất đi tư cách là một loài.”

Đồng quan điểm, tiến sĩ Liu cảnh báo không nên đặt niềm tin mù quáng vào công nghệ số, bao gồm cả AI.

Ông nói, “Chúng ta chỉ biết một phần của trí thông minh vô hạn trong vũ trụ”, và việc quá phụ thuộc vào công nghệ số có nguy cơ hạn chế việc theo đuổi kiến ​​thức sâu sắc hơn, không thể giải thích và đầy cảm hứng hơn.

Con người sở hữu một tinh thần, tâm hồn, đạo đức và trái tim độc đáo kết nối chúng ta với thiên thượng. Ông cho rằng việc quá phụ thuộc vào công nghệ có nguy cơ làm thu nhỏ những khía cạnh này.

Hơn nữa, tiến sĩ Liu cho rằng nếu mất đi đạo đức, chúng ta sẽ vô tình dạy AI làm những điều xấu và sử dụng công nghệ để làm điều sai trái.

“Trên hết, điều quan trọng nhất là con người phải tập trung vào việc tu dưỡng bản thân – cải thiện nhân tính của [họ].” Trong đó bao gồm vun đắp “tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu và lòng vị tha.”

Ông tin rằng những giá trị này là sức mạnh thực sự của nhân loại và là chìa khóa để mở ra một tương lai mà công nghệ phục vụ chứ không phải kiểm soát vận mệnh của chúng ta. Và sự lựa chọn, như thường lệ, nằm trong tay chúng ta.