Các cuộc biểu tình chống luật dẫn độ của người dân Hồng Kông đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi trên khắp thế giới, nổi bật nhất trong số đó là người Đài Loan.
Vào buổi chiều 16/6, trong khi khoảng 2 triệu người Hồng Kông ra đường diễu hành đòi hủy bỏ luật dẫn độ thì tại thủ đô Đài Bắc của Đài Loan, khoảng 10.000 người cũng tập trung trước tòa nhà lập pháp để bày tỏ sự ủng hộ tinh thần Hồng Kông.
Buổi tập trung được tổ chức bởi nhiều nhóm địa phương, bao gồm Liên đoàn Thanh Niên vì Dân chủ (TYAD), Mặt trận Hành động Công dân Đài Loan và một nhóm quan sát thành lập bởi sinh viên và cựu sinh viên Hồng Kông học tập tại Đài Loan, theo truyền thông ở Đài Bắc.
“Đài Loan và Hồng Kông đứng cùng với nhau không phải bởi vì chúng ta cùng phải chịu sự cai quản của Trung Quốc. Chúng ta đứng cùng nhau bởi vì chúng ta cùng trân trọng dân chủ, nhân quyền và tự do”, Chiang Min-yan, thành viên của TYAD nói trong bài phát biểu tại buổi tập trung.
Những người tổ chức biểu tình kêu gọi quốc hội Đài Loan ra tuyên bố chính thức lên án dự luật dẫn độ. Họ cũng kêu gọi chính phủ Đài Loan thành lập khuôn khổ bảo vệ người tị nạn đặc biệt cho những người đến từ Hồng Kông và Macau.
Chính phủ Hồng Kông đề xuất tu chính cho luật dẫn độ lần đầu vào tháng 2, bổ sung điều khoản cho phép trưởng đặc khu có thể ký chuẩn thuận yêu cầu dẫn độ từ nhiều nơi, bao gồm cả Trung Quốc, mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp (LegCo).
Kể từ đó, làn sóng phản đối dự luật ngày càng dâng cao. Cuộc biểu tình hôm 9/6 ước tính thu hút 1,03 triệu người tràn ra đường. Sau khi chính quyền Carrie Lam thân Trung Quốc tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật, người Hồng Kông vẫn tỏ ra chưa hài lòng và khoảng 2 triệu người đã ra đường yêu cầu chính phủ hủy bỏ dự luật và đòi bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) từ chức. Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn nhất trong lịch sử của thành phố 7 triệu dân này.
Người biểu tình lo ngại rằng bà Lam đang dùng kế hoãn binh và có thể lập lại thủ tục thông qua dự luật này bất cứ khi nào. Nếu được thông qua, Bắc Kinh có khả năng bắt bất kỳ ai đi qua lãnh thổ Hồng Kông mà nó coi là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, vốn là lý do mà Bắc Kinh bỏ tù nhiều người bất đồng ý kiến.
Trong buổi họp báo hôm 15/6, bà Lam tiếp tục lập luận của bà rằng phải có luật dẫn độ bởi vì có các rào cản pháp lý đối với việc gửi một nghi phạm giết người về Đài Loan để xét xử. Tuy nhiên, chính phủ Đài Loan khẳng định họ sẽ không nhận dẫn độ về Đài Loan theo một điều luật gây quan ngại về nhân quyền.
Trên thực tế, chính phủ Đài Loan là chính phủ đầu tiên bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình rộng khắp của người Hồng Kông.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Jaushieh Joseph Wu viết trên Twitter của Bộ Ngoại giao rằng: “Tôi thấy lo ngại sâu sắc về việc tấn công vào tự do và nhân quyền ở Hồng Kông. Trưởng đặc khu Carrie Lam phải lắng nghe nhân dân và chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đổ lỗi cho Đài Loan là vô đạo đức, đáng xấu hổ và không thể chấp nhận được. Hãy tôn trọng nền dân chủ và đứng về phía đúng đắn của lịch sử!”
“Tôi cúi chào sự dũng cảm của những công dân Hồng Kông trên đường phố, những người không nhún nhường bởi đe dọa của bạo lực dã man từ cảnh sát. Người dân Đài Loan chia sẻ các giá trị và cuộc đấu tranh của các bạn. Con đường và định mệnh của chúng ta liên kết với nhau bởi vì chúng đều sống dưới cái bóng của chế độ Cộng sản Trung Quốc. Chúng ta sẽ vượt qua cùng nhau”.
Wayne Chan Ka-kui, người đứng đầu Liên hiệp Sinh viên độc lập Hồng Kông, tham gia cuộc biểu tình ở Đài Bắc, nói rằng người Hồng Kông từng tin tưởng rằng mô hình “một quốc gia, hai chế độ” sẽ bảo vệ tự do cho họ. Tuy nhiên, nay người Hồng Kông đang phải đấu tranh cho dân chủ, tự do, các quyền cơ bản cho các thế hệ sau. Wayne Chan nói rằng tình huống hiện tại ở Hồng Kông là một tấm gương để người Đài Loan không nên tin vào lời hứa “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã liên tục đề xuất Đài Loan trở về Trung Quốc theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, gần đây nhất là trong một bài phát biểu trước Đảng Cộng sản vào tháng 1/2019.
Hồi tháng 3, khoảng 3.000 người đã ra đường ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan để phản đối đề xuất của ông Tập rằng Đài Loan về với Trung Quốc theo mô hình của Hồng Kông.
Hiện tại người Hồng Kông không được bầu trưởng đặc khu trực tiếp mà phải thông qua Ủy ban Bầu cử bao gồm 1.200 người được lựa chọn từ trước, phần lớn trong số đó là thân Bắc Kinh.
Đài Loan hiện vận hành như một quốc gia độc lập, mặc dù Trung Quốc luôn luôn gây áp lực đòi cộng đồng quốc tế không được công nhận điều này. Đài Loan có hiến pháp, quân đội, tiền tệ và hệ thống bầu cử riêng, độc lập hoàn toàn khỏi Trung Quốc.
“Tôi hy vọng người Đài Loan trân trọng Đài Loan bởi vì họ có thể dùng lá phiếu của mình để thách thức chính quyền. Nhưng chúng tôi [người Hồng Kông] không thể. Mỗi cuộc biểu tình của chúng tôi phải trả bằng máu, mồ hôi và nước mắt”, Joey Lui, người phát ngôn của Liên hiệp Sinh viên Độc lập Hồng Kông nói.
Trọng Đức
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…