Thế Giới

50 quốc gia đã liên lạc với Nhà Trắng sau khi TT Trump công bố thuế quan đối ứng

Vào hôm Chủ Nhật (6/4), trên các chương trình truyền hình của đài CNN, CBS News, ABC News, hay NBC, các viên chức Hoa Kỳ, bao gồm Bộ trưởng Nông Nghiệp Brooke Rollins, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett, và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, đồng loạt xác nhận với báo giới rằng trên 50 quốc gia đã tiếp xúc với Nhà Trắng để khởi động các cuộc đàm phán sau khi Tổng thống Trump áp đặt đòn bẩy thuế quan mới với quy mô toàn cầu.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giơ biểu đồ thuế đối ứng khi phát biểu trong sự kiện công bố thương mại “Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại” tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào ngày 2 tháng 4 năm 2025 tại Washington, DC. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, phát biểu trên chương trình “This Week” của đài ABC News rằng: “Tôi đã nhận được một bản báo cáo từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) tối qua, cho biết rằng hơn 50 quốc gia đã tiếp xúc với Tổng thống để bắt đầu thương thuyết”.

Bộ trưởng Nông Nghiệp Brooke Rollins nói : “Tôi tin rằng trong thời gian ngắn sắp tới, chúng ta sẽ chứng kiến những kết quả tích cực rõ rệt từ chính sách này. Hiện đã có 50 quốc gia ngồi vào bàn thương thuyết trong vài ngày qua, và cả những tuần trước đó – họ đều sẵn lòng và khẩn thiết muốn đàm phán. Chúng ta là đầu tàu kinh tế của thế giới, và đã đến lúc phải có người đứng lên vì quyền lợi của nước Mỹ – và người đó chính là Tổng thống Trump”.

Tuy nhiên, các viên chức của ông Trump đều không nêu tên các quốc gia hay cung cấp chi tiết về nội dung thương thuyết. Việc đàm phán đồng thời với nhiều quốc gia cùng một lúc có thể trở thành một thách thức lớn về mặt tổ chức cho chính quyền của ông Trump.

Bộ trưởng Thương mại, ông Howard Lutnick, tiết lộ rằng những mức thuế này có thể chỉ mang tính tạm thời, và cho biết chúng sẽ được duy trì “trong vài ngày hoặc vài tuần”. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Washington có thể hạ thấp hay bãi bỏ chúng khi các quốc gia khác đồng ý giảm thuế quan và rào cản thương mại của quốc gia họ hay không.

Các quốc gia phản ứng

Ấn Độ không có ý định trả đũa mức thuế 26% do Tổng thống Trump ban hành, và cho biết các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về một thỏa thuận tiềm năng đang được tiến hành.

Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), hôm Chủ Nhật (6/4) đã đề nghị mức thuế quan bằng không để làm nền tảng cho việc đàm phán, đồng thời cam kết dỡ bỏ các rào cản thương mại và tuyên bố các công ty Đài Loan sẽ tăng đầu tư tại Hoa Kỳ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông sẽ tìm cách xin Hoa Kỳ miễn trừ mức thuế 17% áp đặt lên hàng hóa nước này trong buổi hội kiến với ông Trump vào ngày thứ Hai (6/4).

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni – một đồng minh thân cận của ông Trump – đã cam kết vào ngày Chủ nhật (4/5) rằng bà sẽ bảo vệ các doanh nghiệp Ý bị thiệt hại do mức thuế quan dự kiến 20% áp đặt lên hàng hóa từ Liên minh Châu Âu.

Sau khi bị Mỹ áp thuế đối ứng 49%, Campuchia đã thông báo giảm thuế các nhóm hàng nhập khẩu Mỹ từ mức cao nhất là 35% xuống còn 5%.

Trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/4, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã thông báo giảm thuế các nhóm hàng nhập khẩu Mỹ nhằm thể hiện thiện chí và tăng cường quan hệ thương mại song phương.

Các mặt hàng được Campuchia giảm thuế chủ yếu tập trung vào nông sản Mỹ, bao gồm: thịt bò, thịt lợn, ngô, đậu tương, khoai tây…

Tối 4/4, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm cũng đã có cuộc điện đàm “rất hiệu quả” với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Cả ông Trump và phía Việt Nam đều loan báo rằng Hà Nội muốn xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với hàng hóa của Hoa Kỳ nếu hai nước có thể đạt được thỏa thuận. Việt Nam cũng đã cử phái đoàn quan chức và hàng trăm doanh nghiệp tới Washington để gấp rút đàm phán với chính quyền Trump trước khi thuế quan đối ứng có hiệu lực vào thứ Tư (9/4). 

Chính sách thuế quan và những phản ứng từ nội các của Tổng thống Donald Trump

Tổng thống Trump công bố mức thuế cơ sở 10% trên toàn bộ hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ và đã chính thức có hiệu lực vào ngày thứ Bảy (5/4), cùng với những mức thuế cao hơn dành riêng cho một số quốc gia khác sẽ được thi hành kể từ thứ Tư (9/4). 

Những mức thuế riêng biệt – có thể lên đến 50% – nhằm trừng phạt các quốc gia đã dựng lên các rào cản thương mại mà ông Trump cho rằng đang bất công giới hạn hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ và gây ra tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng.

Những mức thuế này được áp dụng ngay cả với những hòn đảo hoang vu tại Nam Cực – nơi chỉ có chim cánh cụt và các sinh vật nhỏ sinh sống, cùng những địa điểm hẻo lánh khác.

Ông Lutnick nói rằng cần có một phương thức toàn diện để tránh việc các quốc gia nhỏ bị các cường quốc lợi dụng như một con đường lách luật thuế. 

Căn bản là (ông Trump) đã nói, ‘Tôi không thể để bất cứ nơi nào trên thế giới trở thành ngõ ngách để Trung Quốc hay quốc gia khác chuyển hàng hóa nhằm né thuế’”, ông Lutnick nói.

Đây là một phần trong kế hoạch kinh tế dài hạn của ông Trump nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa tại Hoa Kỳ và giảm bớt tình trạng thâm hụt mậu dịch kéo dài.

Các viên chức trong chính phủ lập luận rằng: 

(1) Thuế quan sẽ giúp Hoa Kỳ nắm thế chủ động trong thương thuyết. 

Ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia nói  trong chương trình “This Week” của đài ABC với người dẫn chương trình George Stephanopoulos.: “Sự thật là các quốc gia đang phẫn nộ, đang trả đũa – và đồng thời, cũng đang đến bàn đàm phán. Tối qua, tôi đã nhận được bản báo cáo từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cho biết rằng hơn 50 quốc gia đã tiếp xúc với Tổng thống để khởi sự thương lượng”.

Ông ấy [Trump] đã tạo ra một đòn bẩy tối đa cho bản thân”, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói trong chương trình “Meet the Press” của đài NBC.

(2) Người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ không phải gánh chịu nhiều thiệt hại, vì các nhà cung ứng nước ngoài sẽ gánh chịu phần lớn chi phí. 

Ông Hassett cũng bổ sung thêm: “Họ [những quốc gia bị đánh thuế] làm như vậy bởi vì họ hiểu rằng họ đang gánh chịu phần lớn mức thuế ấy. Do đó, tôi không nghĩ quý vị sẽ thấy ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng Hoa Kỳ, vì tôi tin rằng lý do chính khiến chúng ta có thâm hụt thương mại kéo dài là do các quốc gia đó có nguồn cung rất khó thay thế. Họ đã xuất khẩu ồ ạt hàng hóa sang Hoa Kỳ nhằm tạo công ăn việc làm, chẳng hạn như ở Trung Quốc”.

(3) Hoa Kỳ từ lâu đã phải gánh chịu hàng rào thuế quan bất công từ những quốc gia như Mexico và Úc — điển hình là Mexico từ chối nhập bắp của Hoa Kỳ, Úc không tiếp nhận thịt bò Mỹ.

Bà Rollins phát biểu: “Thật ra, hiện nay chúng ta đã sống dưới một chế độ thuế quan rồi – nhưng đó là chế độ thuế quan của Trung Quốc, của Mexico, của Brazil, của Úc, của những quốc gia như Mexico thì không nhận bắp của chúng ta, Úc thì không nhận thịt bò. Riêng Honduras thì lại nhận thịt heo của chúng ta nhiều hơn cả toàn bộ Liên minh châu Âu – ý tôi muốn nói là thịt heo Mỹ. Vì vậy, từ quan điểm của người nông dân và giới chăn nuôi – vốn là điều tôi đang quan tâm – nhưng tôi sẵn sàng bàn đến bất cứ phương diện nào có liên hệ, thì đã đến lúc cần có một sự thay đổi. Và đó chính là điều mà Tổng thống đã khơi dậy vào hôm thứ Tư tuần trước”.

Ngoài ra, các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump cũng đang cố gắng mô tả các biện pháp thuế quan như một nước đi khôn khéo nhằm tái định vị Hoa Kỳ trong trật tự thương mại toàn cầu. 

Bà Rollins cho hay: “Tôi cho rằng điều quan trọng cần nhận thức rõ là vào ngày thứ Tư (2/4) tuần rồi, Tổng thống đã công bố một trật tự mới cho Hoa Kỳ – một kế hoạch kinh tế mới cho nước Mỹ. Giờ chúng ta mới chỉ bước vào ngày thứ hai, phải không? Chỉ mới có hai ngày thôi. Toàn bộ khái niệm này là về việc tái thiết nền kinh tế Hoa Kỳ xoay quanh hàng hóa Mỹ, công nghiệp Mỹ”.

Những quan chức của chính quyền Trump cũng đang tìm cách giảm nhẹ tác động kinh tế sau khi chính sách thuế quan được công bố. Ông Bessent nói rằng “không có lý do” gì để dự đoán suy thoái kinh tế chỉ vì các mức thuế này, dẫn chứng sự tăng trưởng việc làm trong tháng Ba tại Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn dự đoán. 

Đội ngũ của ông Trump cũng khẳng định rằng bất kỳ cú sốc ngắn hạn nào đối với nền kinh tế cũng sẽ xứng đáng với những lợi ích lâu dài mà các biện pháp thuế mang lại, mà theo lời Tổng thống Hoa Kỳ, sẽ giúp đưa ngành sản xuất quay trở lại nước Mỹ và tăng thu ngân sách.

Nga là một trong số ít quốc gia không bị áp đặt đòn bẩy thuế quan mới, điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi. Giải thích về việc này, ông Hassett cho biết Hoa Kỳ đang trong quá trình thương thảo hoà bình với Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn sinh mạng, nên không muốn đưa thêm yếu tố phức tạp vào lúc này.

Trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình George Stephanopoulos của đài ABC News, ông Hasett đã phát biểu: “Hiện đang có một cuộc thương thuyết giữa Nga và Ukraine, và tôi cho rằng Tổng thống [Trump] đã quyết định không gộp hai vấn đề ấy lại với nhau. Điều đó không có nghĩa là Nga, về lâu về dài, sẽ được đối xử khác biệt một cách khác thường so với những quốc gia khác. Nhưng quả thật, Nga là một trong số ít các quốc gia không bị áp đặt các mức thuế mới, đúng không? Họ hiện đang trong quá trình thương lượng, ông George à, ông có thấy vậy không?

Gần đây, Tổng thống Trump đã chia sẻ một đoạn phim ngụ ý rằng các mức thuế của ông được thiết kế nhằm đánh sập thị trường chứng khoán một cách có chủ ý, là một chiến lược để buộc Cục Dữ trự Liên bang Hoa Kỳ (FED) hạ lãi suất.

Tuy nhiên, ông Hassett bác bỏ ý kiến cho rằng các biện pháp thuế quan là một phần trong chiến lược của ông Trump nhằm làm sụp đổ thị trường tài chính để gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang phải hạ lãi suất, khẳng định rằng sẽ không có “sự ép buộc mang tính chính trị” đối với FED.

Ông Hassett nói: “Vâng, điều quan trọng ở đây là Tổng thống đã nói về chính sách thuế quan trong suốt 40 năm qua, và đây rõ ràng là một chính sách mà ông ấy đã tập trung theo đuổi trong chiến dịch tranh cử cũng như trong toàn bộ sự nghiệp chính trị của mình. Cái chu kỳ thăng trầm của Cục Dự trữ Liên bang là một chuyện khác. Nhưng chính sách thuế quan này là điều mà Tổng thống Trump đã mong muốn từ lâu. Ông ấy đã nói về điều đó từ khi xuất hiện trên chương trình “The View” cách đây 30, 40 năm, và những gì đang được thực thi hiện nay đúng với những gì ông ấy đã nói từ hồi đại hội đảng. Chúng tôi hiểu rằng Cục Dự trữ Liên bang là một cơ quan độc lập. Chúng tôi tôn trọng sự độc lập ấy. Nhưng Tổng thống có quyền đưa ra quan điểm. Dĩ nhiên, Tổng thống có quyền phát biểu ý kiến, nhưng sẽ không có bất kỳ sự cưỡng ép chính trị nào đối với FED, điều đó là chắc chắn”.

Phê phán và những lo ngại kinh tế

Chính sách thuế quan phổ quát 10% đối với tất cả hàng nhập cảng, cùng với những mức thuế cao hơn dành riêng cho một số quốc gia cụ thể đã lập tức gây ra sụt giảm mạnh mẽ và kéo dài trên thị trường toàn cầu, trong khi nhiều quốc gia bắt đầu áp đặt thuế trả đũa đối với Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và những người chỉ trích chính sách kinh tế của ông Trump đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ với các đồng minh.

Phương pháp được sử dụng để xác định đối tượng áp thuế cũng bị chỉ trích trong tuần qua, sau khi các mức thuế được áp dụng cả cho những hòn đảo hoang vu tại Nam Cực.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers không đồng tình với quan điểm của ông Hassett rằng các mức thuế sẽ khiến giá hàng hóa tại Mỹ giảm xuống.

Ông Summers cảnh báo rằng: “Đây là vết thương nghiêm trọng nhất mà chúng ta tự gây ra cho nền kinh tế trong lịch sử. Chúng ta đang làm gia tăng lạm phát bởi vì giá cả đang tăng lên do thuế quan. Điều đó làm giảm sức mua của người dân. Kết quả là có ít việc làm hơn. Thị trường đang [chứng minh] tất cả điều đó. Và họ tin rằng giá trị các công ty sẽ sụt giảm 5 ngàn tỷ USD so với trước khi chính sách thuế này được công bố. Và đó chỉ là tổn thất đối với các doanh nghiệp. Nếu cộng thêm thiệt hại đối với người tiêu dùng, con số hợp lý có thể lên đến khoảng 30 ngàn tỷ USD”.

Ông Summers cũng nói thêm: “Tôi nghĩ có một xác suất rất cao rằng thị trường sẽ tiếp tục biến động. Sự chuyển động trong hai ngày thứ Năm (3/4) và thứ Sáu (4/4) vừa qua là lần sụt giảm lớn thứ tư trong vòng hai ngày kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ba lần còn lại là vụ sụp đổ năm 1987, khủng hoảng tài chính năm 2008, và đại dịch. Như vậy, một sự sụt giảm ở mức này cho thấy phía trước sẽ còn nhiều khó khăn. Mọi người nên hết sức thận trọng. Tuy nhiên, nguy cơ nằm ở chỗ: khi tất cả chúng ta đều cẩn trọng thì điều ấy rất có thể trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Trừ phi và cho đến khi Tổng thống [Trump] nhận ra rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng có thể mang lại hậu quả tai hại, thì tình hình sẽ càng thêm khó khăn. Tôi cho rằng người dân làm đúng khi hoãn lại những khoản chi tiêu lớn, doanh nghiệp cũng đúng khi giữ thái độ dè dặt. Người ta có lý khi muốn nắm giữ tiền mặt. Điều chúng ta cần là một sự đảo ngược chính sách, và cho đến khi điều đó xảy ra, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải đối mặt với một vấn đề thực sự nghiêm trọng. Đây là một giai đoạn thử thách đối với các cố vấn của Tổng thống [Trump]. Những ai có tư duy ngay thẳng và thành thật đều biết rằng chính sách này phản ánh nỗi ám ảnh 40 năm của ông Tổng thống, chứ không phải là một lý thuyết kinh tế đã được chứng minh”.

Các nhà kinh tế thuộc ngân hàng JPMorgan hiện ước tính rằng chính sách thuế quan sẽ khiến tổng sản lượng nội địa (GDP) của Hoa Kỳ trong cả năm sụt giảm 0.3%, thay vì mức tăng trưởng 1.3% như dự đoán trước đây. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 4.2% lên 5.3%.

Các nhà phân tích cảnh báo về một làn sóng bất ổn mới và nguy cơ suy thoái, khiến doanh nghiệp và người dân Hoa Kỳ tạm ngưng các quyết định chi tiêu lớn. Chính sách này được dự đoán sẽ làm tăng giá từ xe hơi cho đến quần áo, máy vi tính.

Các tập đoàn bán lẻ Hoa Kỳ dự đoán rằng giá cả “rất có khả năng” sẽ bắt đầu tăng ngay lập tức sau khi mức thuế 25% có hiệu lực đối với hàng xuất khẩu từ Mexico sang Hoa Kỳ. 

Người dân Hoa Kỳ cũng đã được cảnh báo nên chuẩn bị tâm lý cho việc giá cả chung sẽ gia tăng, với nỗi lo sợ suy thoái kinh tế trong tương lai và lạm phát gia tăng do hậu quả của thuế quan.

Các nhà sản xuất rượu vang Ý và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tại một hội chợ rượu vang ở Verona hôm Chủ Nhật (4/6) cho biết hoạt động kinh doanh của họ đã có dấu hiệu chững lại, và họ lo ngại sẽ chịu thiệt hại lâu dài hơn.

Các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị tinh thần cho phiên mở cửa đầy biến động của các thị trường chứng khoán tại châu Á vào ngày thứ Hai (7/4).

Các nhân viên Quan thuế Hoa Kỳ đã bắt đầu thu thuế đơn phương 10% đối với tất cả hàng nhập cảng từ nhiều quốc gia kể từ ngày thứ Bảy (5/4). Mức thuế “đối ứng” cao hơn, dao động từ 11% đến 50% đối với từng quốc gia cụ thể, sẽ chính thức có hiệu lực vào lúc 12 giờ 01 phút sáng ngày thứ Tư (9/4) theo giờ miền Đông Hoa Kỳ (tức 4 giờ 01 phút sáng theo giờ quốc tế GMT).

Thị trường Hoa Kỳ

Chỉ số S&P 1500 Composite Index – một trong những thước đo đầy đủ nhất của thị trường Hoa Kỳ – đã mất gần 6 ngàn tỷ USD giá trị chỉ trong hai ngày sau thông báo thuế quan đối ứng của ông Trump, và tổng cộng gần 10 ngàn tỷ USD đã bị xóa sổ kể từ giữa tháng Hai, gây tổn thất nặng nề cho các quỹ hưu trí của hàng triệu người dân Hoa Kỳ.

Thiên Vân (T/h)

Thiên Vân

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Thiên Vân

Recent Posts

Tổng thống Trump nói kế hoạch ngân sách được Thượng viện thông qua có sự ủng hộ của ông

Hôm thứ Hai (7/4), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rằng một kế…

19 phút ago

Cuối tuần, miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường

Cơ quan khí tượng dự báo từ ngày 12-13/4, miền Bắc có thể đón một…

1 giờ ago

Cục Thống kê: 1,35 triệu thanh niên không đi học cũng không đi làm

Theo báo cáo của Cục Thống kê, khoảng 1,35 triệu thanh niên trong độ tuổi…

1 giờ ago

Đà Lạt: Người đàn ông xâm hại tình dục 7 chú tiểu từng là tu sỹ

Bị can Nguyễn Đắt Vũ, người xâm hại tình dục 7 trẻ em ở cơ…

1 giờ ago

Cố vấn kinh tế Peter Navarro cho rằng đề nghị thuế 0% của Việt Nam mới là điểm khởi đầu nhỏ

Ông Navarro cho rằng đề nghị thuế suất 0% của Việt Nam là chưa đủ,…

6 giờ ago

Thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc vào Hoa Kỳ có thể lên tới 104% nếu nước này không rút lại Thuế trả đũa

Tổng thống Dolnald Trump tuyên bố sẽ áp bổ sung thuế 50% đối với hàng…

7 giờ ago