Thế Giới

6 phương diện liên quan đến Trung Quốc trong Thông cáo chung của G7

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần 50 tổ chức tại Ý đã bế mạc vào thứ Sáu (14/6). Theo thông cáo chung của Hội nghị, G7 đã nêu rõ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) trên ít nhất 6 khía cạnh.

G7 đã nêu rõ quan điểm của họ về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc, các cuộc tấn công mạng, các vấn đề ở eo biển Đài Loan, các vấn đề về Biển Hoa Đông và Biển Đông, các vấn đề về Nga và các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. G7 cũng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động bên trong các nước G7 nhằm gây bất ổn an ninh và tính toàn vẹn của hệ thống dân chủ ở mỗi nước.

Các nhà lãnh đạo G7 tại Ý năm 2024. (Ảnh chụp màn hình video)

Các vấn đề khác được G7 thảo luận bao gồm: Cấn đề khu vực như Haiti và Libya; vấn đề phát triển đô thị bền vững; vấn đề về năng lượng, môi trường và khí hậu; vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; vấn đề di dân.

Chống lại tình trạng lạm phát sản xuất từ Trung Quốc và thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Thông cáo chung nêu rõ G7 cam kết thúc đẩy thương mại tự do và công bằng cũng như một sân chơi bình đẳng. G7 không tìm cách làm hại Trung Quốc hay cản trở sự phát triển kinh tế của nước này, nhưng “sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết và phù hợp để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp của chúng tôi khỏi những hành vi không công bằng, tạo ra một sân chơi bình đẳng và khắc phục những tổn hại đang diễn ra”.

“Chúng tôi lo ngại về mục tiêu công nghiệp và các chính sách phi thị trường mà Trung Quốc thúc đẩy toàn diện, những chính sách đó gây hậu quả tiêu cực trên toàn cầu, bóp méo thị trường và làm dư thừa công suất tai hại ngày càng tăng trong một số ngành công nghiệp, gây tổn hại cho người lao động, các ngành công nghiệp cũng như khả năng phục hồi và an ninh kinh tế của chúng tôi”, thông cáo cho biết.

G7 nhấn mạnh rằng các hành động họ thực hiện không phải để tách khỏi Trung Quốc, mà để đa dạng hóa chuỗi cung ứng cần thiết và phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro, đồng thời xây dựng khả năng chống chọi với sức ép kinh tế.

Để đối phó với ép buộc kinh tế của ĐCSTQ bằng cách kiểm soát việc xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, G7 sẽ hợp tác với các đối tác để đầu tư xây dựng năng lực công nghiệp tương ứng, thúc đẩy chuỗi cung ứng đa dạng và linh hoạt, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các sản phẩm quan trọng.

Một quan chức cấp cao của Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 cho biết, Mỹ kỳ vọng sẽ thấy được sự đoàn kết mang tính đột phá của G7 trong việc đối đầu với các chính sách và hoạt động phi thị trường của ĐCSTQ. Quan chức này cho biết: “Từ lâu, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) đã chơi theo một bộ quy tắc khác, họ thúc đẩy các hoạt động kinh tế không công bằng, phản cạnh tranh”.

Trong thông cáo của mình, các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi ĐCSTQ hành động phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.

Mỹ và châu Âu đã tăng thuế đối với Trung Quốc trong một số ngành công nghiệp, bao gồm cả xe điện của Trung Quốc. Hiện chưa rõ các nhà lãnh đạo G7 đang cân nhắc những hành động gì tiếp theo. Quan chức Mỹ cho biết: “Các hoạt động của Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ảnh hưởng đến các đối tác của chúng tôi trên khắp thế giới, từ các nền kinh tế tiên tiến đến các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi. Đó là lý do tại sao chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy sự đoàn kết mang tính đột phá giữa G7 trong việc lên án các hành vi có hại từ ĐCSTQ và cam kết đưa ra phản ứng chung”.

Chống lại các cuộc tấn công mạng độc hại của ĐCSTQ

Ngoài tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, lãnh đạo G7 cũng lên án các cuộc tấn công mạng của ĐCSTQ và kêu gọi ĐCSTQ “giữ cam kết và thực hiện các hành động có trách nhiệm trên không gian mạng”.

Thông cáo chung viết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực ngăn chặn và đánh tan hoạt động mạng độc hại dai dẳng có nguồn gốc từ Trung Quốc đe dọa đến an ninh và quyền riêng tư của công dân chúng tôi, phá hoại quá trình đổi mới phát triển và làm tổn hại đến cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy cần bảo vệ một số công nghệ tiên tiến nhất định có thể được sử dụng để đe dọa an ninh quốc gia của chúng tôi, nhưng trên cơ sở không hạn chế cực đoan thương mại và đầu tư”.

Khẳng định hòa bình eo biển Đài Loan và ủng hộ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế

Trong bối cảnh ĐCSTQ ngày càng gia tăng áp lực quân sự và đe dọa Đài Loan, các nhà lãnh đạo G7 nhắc lại trong thông cáo rằng duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là yếu tố không thể thiếu trong việc đảm bảo an ninh và thịnh vượng quốc tế.

Thông cáo cho biết: “Chúng tôi ủng hộ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế, Hội nghị Y tế Thế giới và Hội nghị Kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong trường hợp không yêu cầu địa vị quốc gia là điều kiện tiên quyết, bên tham gia có thể tham gia với tư cách thành viên; trong trường hợp yêu cầu địa vị quốc gia là điều kiện tiên quyết, bên tham gia có thể tham gia với tư cách quan sát viên hoặc khách mời. Lập trường cơ bản của các thành viên G7 về vấn đề Đài Loan không thay đổi, bao gồm cả chính sách một Trung Quốc”.

Yêu sách biển của ĐCSTQ không có cơ sở pháp lý

Khi các hành vi gây hấn của ĐCSTQ với Nhật Bản và Philippines ở Biển Hoa Đông và Biển Đông ngày càng đáng lo ngại, các nhà lãnh đạo G7 đã cảnh báo về việc ĐCSTQ sử dụng vũ lực và ép buộc.

Thông cáo nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời tái khẳng định sự phản đối kiên quyết của chúng tôi đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc. Chúng tôi tiếp tục phản đối các hành động của Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Biển Đông, đồng thời phản đối việc sử dụng lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển một cách nguy hiểm để liên tục cản trở quyền tự do hàng hải của các nước”.

G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc ĐCSTQ ngày càng áp dụng các hành động nguy hiểm như dùng vòi rồng bắn vào tàu Philippines.

“Chúng tôi nhắc lại rằng các yêu sách hàng hải bành trướng của Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý; phản đối các hoạt động quân sự hóa, ép buộc và đe dọa của Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Biển Đông. Chúng tôi nhấn mạnh tính thống nhất và phổ quát của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhấn mạnh khuôn khổ pháp lý về hoạt động trên biển được ghi trong UNCLOS. Chúng tôi nhắc lại rằng phán quyết của tòa trọng tài ngày 12/7/2016 là một cột mốc quan trọng có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tham gia tố tụng.”

Kêu gọi ĐCSTQ ngừng hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine

Thông cáo nêu rõ, lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc ĐCSTQ ủng hộ Nga, kêu gọi ĐCSTQ gây áp lực buộc Nga phải chấm dứt hành động gây hấn quân sự và ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine một cách hoàn toàn và vô điều kiện.

G7 cho biết việc ĐCSTQ tiếp tục hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga đã giúp Nga duy trì cuộc chiến bất hợp pháp ở Ukraine, theo đó gây ra những tác động an ninh đáng kể và lan rộng. G7 kêu gọi ĐCSTQ ngừng vận chuyển vật liệu lưỡng dụng, bao gồm các linh kiện và thiết bị vũ khí, cho khu vực quốc phòng Nga.

Thông cáo cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên nguồn thu từ năng lượng và các mặt hàng khác của Nga”.

G7 cam kết tiếp tục thực hiện các biện pháp chống lại các tác nhân ở Trung Quốc và các nước thứ ba cung cấp hỗ trợ đáng kể cho cỗ máy chiến tranh của Nga, bao gồm các tổ chức tài chính phù hợp với chế độ pháp lý của G7 và các thực thể khác của Trung Quốc tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga tiếp cận các mặt hàng cần thiết.

Tình hình nhân quyền của Trung Quốc và vấn đề Hồng Kông

Các nhà lãnh đạo G7 cũng cho biết: “Chúng tôi vẫn lo ngại về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả ở Tây Tạng và Tân Cương – nơi lao động cưỡng bức là mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi”.

Tuyên bố cho hay: “Chúng tôi cũng lo ngại về việc Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp quyền tự trị, các thể chế độc lập và xã hội dân sự của Hồng Kông, cũng như việc họ không ngừng làm xói mòn các quyền và tự do của con người, bao gồm cả đạo luật gần đây được ban hành theo Điều 23 của Luật Cơ bản – điều luật đó quy định một cách mơ hồ về cái gọi là tội hình sự ‘kích động nổi loạn’. Chúng tôi lo ngại về việc sử dụng các luật như vậy ở Hồng Kông và nước ngoài, bao gồm cả các vụ truy tố có động cơ chính trị, khiến việc sinh sống, làm việc và kinh doanh ở Hồng Kông càng trở nên khó khăn hơn”.

Trương Đình

Published by
Trương Đình

Recent Posts

TMĐT quý III: Bất ngờ với sự trỗi dậy của Tiki

Quý III/2024 chứng kiến sự trỗi dậy bất ngờ của sàn thương mại điện tử…

6 giờ ago

Tổng công tố Ukraine từ chức khi dân chúng bức xúc vụ bê bối trốn lính

Thiếu lính, bê bối khâu tuyển quân, nạn làm giàu nhờ chiến tranh, TT Zelensky…

6 giờ ago

Cháy chùa Phổ Quang: 27 pho tượng Phật bị thiêu rụi; thiệt hại 25 tỷ đồng

Chùa Phổ Quang có lịch sử hơn 800 năm bị thiêu rụi vào sáng ngày…

9 giờ ago

Tình báo Mỹ: Nga, Iran, Trung Quốc có thể kích động bạo lực sau bầu cử

Nga, Trung Quốc và Iran có ý định thổi bùng các câu chuyện gây bất…

12 giờ ago

Ông Tập nói với ông Putin: Thế giới hỗn loạn nhưng tình hữu nghị Trung-Nga sẽ trường tồn

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng…

12 giờ ago

Quan chức Nga chỉ ra chỗ khác biệt giữa BRICS và EU

Không đòi hỏi luật lệ và ràng buộc phức tạp, BRICS sẽ hấp dẫn về…

13 giờ ago