Ngày 22/2, sáu quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết, quốc gia này không muốn nhóm G20 thảo luận về các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine trong thời gian New Delhi làm chủ tịch G20.
Bên lề cuộc họp G20 quan trọng diễn ra ở Ấn Độ, các nhà lãnh đạo tài chính của Nhóm Bảy quốc gia phát triển (G7) sẽ gặp nhau vào ngày 23/2, ngay trước ngày kỷ niệm một năm cuộc chiến của Nga ở Ukraine, để thảo luận về các biện pháp trừng phạt Nga, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản thông báo hôm 21/2.
Các quan chức – những người trực tiếp tham gia cuộc họp G20 diễn ra trong tuần này giữa các bộ trưởng tài chính và giám đốc ngân hàng trung ương cho hay, tác động kinh tế vĩ mô của cuộc chiến Ukraine sẽ được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, phía Ấn Độ bày tỏ không muốn bàn thảo về các hành động thêm nữa nhằm chống lại Nga.
“Ấn Độ không muốn thảo luận cũng như không ủng hộ bất kỳ biện pháp trừng phạt bổ sung nào đối với Nga trong G20,” một trong sáu quan chức cao cấp Ấn Độ nhấn mạnh. “Các biện pháp trừng phạt hiện có đối với Nga đã có tác động tiêu cực đến thế giới.”
Còn theo nhận định của một quan chức khác, lệnh trừng phạt không phải là vấn đề của G20. “G20 là một diễn đàn kinh tế để thảo luận về các vấn đề tăng trưởng.”
Người phát ngôn của chính phủ Ấn Độ cũng như các bộ tài chính và ngoại giao Ấn Độ đều không đưa ra bình luận gì trước các thông tin nêu trên.
Ngày 22/2, ngày đầu tiên của cuộc họp soạn thảo thông cáo chung G20, các quan chức đã phải nỗ lực tìm một “cụm từ” có thể chấp nhận được để mô tả cuộc xung đột Nga-Ukraine, đại biểu 7 quốc gia tham gia hội nghị cho biết. Theo đó, Ấn Độ đã cố gắng đạt được sự đồng thuận về ngôn từ bằng cách gọi đây là “cuộc khủng hoảng” hoặc “thách thức” thay vì “chiến tranh”, nhưng các cuộc thảo luận đã kết thúc mà không đi đến quyết định cuối cùng.
Các cuộc thảo luận này đã được chuyển sang ngày 23/3, khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen tham gia cuộc họp.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar trước đây từng đánh giá, cuộc chiến đã tác động tiêu cực đến các nước nghèo hơn do tăng giá nhiên liệu và thực phẩm.
Các nước láng giềng của Ấn Độ – Sri Lanka, Pakistan và Bangladesh – đều đã phải tìm kiếm các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong những tháng gần đây để vượt qua hàng loạt khó khăn kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID và cuộc chiến ở Ukraine.
Ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo tuyên bố, Washington và các đồng minh đã lên kế hoạch đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong những ngày sắp tới. Chế tài mới sẽ nhằm vào việc kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng có thể sử dụng cho các mục đích quân sự và dân sự như tủ lạnh hay lò vi sóng để đảm bảo Nga không tiếp cận được với chất bán dẫn cần thiết cho quân đội.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng sẽ tìm cách gây ảnh hưởng nhiều hơn nữa nhằm ngăn chặn việc vận chuyển dầu và các hàng hóa bị hạn chế khác qua các nước có chung biên giới.
Ngoài ra, ông Adeyemo lưu ý, các quan chức từ liên minh gồm hơn 30 quốc gia sẽ cảnh báo các công ty, tổ chức tài chính và cá nhân vẫn đang làm ăn với Nga rằng họ sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt nếu tiếp tục làm vậy.
Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không công khai chỉ trích Moscow về cuộc chiến ở Ukraine, thay vào đó kêu gọi hai bên tiến hành đối thoại và ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh. Ấn Độ cũng đã tăng mạnh việc mua dầu từ Nga – nhà cung cấp các thiết bị quốc phòng lớn nhất của New Delhi.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar thậm chí còn nhận xét với hãng tin ANI trong tuần này, mối quan hệ của Ấn Độ với Nga “cực kỳ ổn định và nó đã ổn định vượt qua mọi sóng gió trong nền chính trị toàn cầu”.
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…