Ngày 3/8, Ấn Độ thông báo, họ sẽ áp đặt yêu cầu về giấy phép nhập khẩu đối với máy tính xách tay, máy tính bảng và máy tính cá nhân. Quy định mới sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Động thái này có thể ảnh hưởng nặng nề đến các công ty như Apple, Dell và Samsung và buộc họ phải thúc đẩy việc sản xuất tại Ấn Độ.
Các quy định hiện hành ở Ấn Độ cho phép các công ty tự do nhập khẩu máy tính xách tay, nhưng quy định mới yêu cầu giấy phép đặc biệt cho các sản phẩm này, tương tự như các hạn chế mà Ấn Độ đã áp đặt vào năm 2020 đối với các lô hàng TV nhập khẩu.
Các giám đốc điều hành trong ngành nhận định, chế độ cấp phép có nghĩa là thời gian chờ đợi nhập khẩu sẽ kéo dài hơn đối với từng mẫu sản phẩm mới mà họ ra mắt và sẽ diễn ra ngay trước mùa lễ hội ở Ấn Độ, thời điểm mà doanh số bán hàng thường tăng đột biến.
Trong thông báo không đưa ra lý cho động thái này, nhưng chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi từ lâu đã chủ trương không khuyến khích nhập khẩu, thay vào đó thúc đẩy sản xuất trong nước theo chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ”.
Tổng nhập khẩu hàng điện tử của Ấn Độ, bao gồm cả máy tính xách tay, máy tính bảng, và máy tính cá nhân, đã đạt mức 19,7 tỷ đô la trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, tăng 6,25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty nghiên cứu Counterpoint ước tính, thị trường máy tính xách tay và máy tính cá nhân của Ấn Độ trị giá 8 tỷ đô la mỗi năm, trong đó 2/3 là hàng nhập khẩu.
Nhà kinh tế Madhavi Arora của công ty tài chính Emkay Global nhận xét, quy định mới của Ấn Độ dường như nhằm “thay thế một số hàng hóa được nhập khẩu nhiều”.
Apple, Dell, và Samsung chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này của hãng tin Reuters. Họ cùng với Acer, LG Electronics, Lenovo, và HP Inc là những hãng bán máy tinh xách tay chính tại thị trường Ấn Độ.
Một nguồn tin chính phủ, người không muốn nêu tên, lưu ý các phóng viên rằng các lô hàng đã được đặt hàng sẽ được phép nhập khẩu mà không cần giấy phép cho đến ngày 31/8.
Động thái này của chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất theo hợp đồng như Dixon Technologies. Cổ phiếu của công ty này đã tăng hơn 7% khi có tin tức này.
Ông Ali Akhtar Jafri, cựu tổng giám đốc MAIT, cơ quan công nghiệp điện tử, nhấn mạnh: “Tinh thần của động thái này là thúc đẩy hoạt động sản xuất chuyển sang Ấn Độ. Đó không phải là một cú huých mà là một cú đẩy.”
Ấn Độ đã gia hạn thời hạn cho các công ty đăng ký tham gia chương trình ưu đãi trị giá 2 tỷ đô la do chính phủ thành lập nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phần cứng CNTT.
Chương trình này là chìa khóa cho tham vọng của Ấn Độ trở thành cường quốc trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, với mục tiêu sản xuất hàng năm đạt mức 300 tỷ đô la vào năm 2026.
Trước đây, Ấn Độ cũng đã áp đặt mức thuế cao đối với các sản phẩm như điện thoại di động để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Một nguồn tin chính phủ thứ hai tiết lộ, ngoài việc thúc đẩy sản xuất trong nước, động thái của chính phủ Ấn Độ còn nhằm hạn nguồn cung từ Trung Quốc bởi vì New Delhi có mối lo ngại an ninh đối với các sản phẩm như vậy.
Nguồn tin chính phủ đầu tiên giải thích, hạn chế này sẽ giúp Ấn Độ chỉ nhập khẩu phần cứng như vậy từ “các đối tác đáng tinh cậy.”
Nhật Minh (Theo Reuters)
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…