Lãnh đạo Myanmar đã chính thức bị tước giải thưởng Tự Do của Thành phố Oxford với lý do là bà đã “nhắm mắt làm ngơ” trước vụ khủng hoảng nhân quyền đối với người Hồi giáo Rohingya.
Hội đồng thành phố Oxford nước Anh đã bỏ phiếu đồng thuận tước bỏ giải thưởng đã trao cho bà Suu Kyi vào năm 1997 vì những nỗ lực trong cuộc đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền cho Miến Điện.
“Chúng tôi không muốn vinh danh những người làm ngơ trước bạo lực”, Hội đồng thành phố nói.
Ủy viên Mary Clarkson, người đã đề xuất phiên bỏ phiếu nói với BBC: “Oxford có một truyền thống lâu đời là một thành phố đa dạng và nhân văn. Danh tiếng của chúng tôi sẽ bị hủy hoại nếu vinh danh những người nhắm mắt làm ngơ trước bạo lực. Chúng tôi hy vọng rằng ngày hôm nay, chúng tôi đã thêm tiếng nói nhỏ bé của mình cùng những người khác để kêu gọi nhân quyền và công lý cho người Rohingya”.
Quyết định tước bỏ giải thưởng của bà Suu Kyi được đưa ra cùng ngày với chuyến thăm của Giáo hoàng Francis tới Myanmar, tối thứ Hai (27/11). Lãnh đạo quân đội Myanmar đã nói với Giáo hoàng rằng “không có phân biệt đối xử tôn giáo” tại nước này.
Truyền thông phương Tây ghi nhận hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya đã phải chạy khỏi quê nhà tại bang Rakhine tới nước láng giềng Bangladesh sau một loạt các chiến dịch quân sự mà Liên Hiệp Quốc mô tả là “thanh lọc sắc tộc”.
Năm 2012, bà Suu Kyi được phong học vị tiến sĩ danh dự từ Đại học Oxford và sinh nhật lần thứ 67 của bà đã được tổ chức tại Đại Đại học St Hugh, nơi bà từng theo học các môn chính trị, triết học và kinh tế trong những năm 1964 -1967.
Tuy nhiên thời gian gần đây, bà Suu Kyi ngày càng bị chỉ trích nặng nề về phản ứng của bà trước cuộc khủng hoảng nhân đạo liên quan tới người Rohingya.
Vào tháng 9, hội đồng quản trị trường St Hugh quyết định gỡ bỏ bức chân dung bà Suu Kyi được trưng ngay lối đi chính vào trường.
Hồi tháng 10, sinh viên theo học trường St Hugh bỏ phiếu gỡ tên của nhà lãnh đạo Myanmar khỏi hội trường của họ.
Cho đến thời điểm hiện tại, Đại học Oxford quyết định không tái xét bằng tiến sĩ danh dự của bà Suu Kyi. Tuy nhiên trường đại học danh tiếng này bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về cách đối xử của chính phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo đối với người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Myanmar.
Đức Trí
Xem thêm:
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…