Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ra hiệu với đám đông trong cuộc diễu hành nhậm chức trong nhà tại Capital One Arena vào ngày 20 tháng 1 năm 2025 tại Washington, DC. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)
Tổng thống Donald Trump đang tiến hành cải tổ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đồng thời khơi mào những tranh chấp pháp lý và chính trị trên ba lĩnh vực vốn được xem là thánh địa bất khả xâm phạm của giới chính trị truyền thống. Nếu giành chiến thắng trong những cuộc chiến chống lại giới Đầm lầy Washington, ông Trump sẽ đặt nền tảng cho việc khôi phục một chính phủ Hoa Kỳ minh bạch và có trách nhiệm, điều mà nước Mỹ đã không được chứng kiến trong nhiều thập niên qua.
Ba vấn đề cốt lõi đó bao gồm: kiềm chế chi tiêu vượt mức, khôi phục trách nhiệm dân chủ trong chính phủ và tái cấu trúc bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả. Mỗi vấn đề này đều đang vấp phải các vụ kiện tụng và có thể dẫn đến những động thái lập pháp từ Quốc hội, đặt nền tảng cho một cuộc chuyển mình toàn diện của chính quyền liên bang.
Khi một tổng thống quyết định không chi tiêu ngân sách mà Quốc hội đã phê duyệt, hành động đó được gọi là giữ lại ngân khoản (impoundment). Điều này đồng nghĩa với việc thử nghiệm giới hạn quyền lực của tổng thống theo Đạo luật Kiểm soát Giữ lại Ngân khoản (ICA), hoặc thậm chí có thể khiến Tối cao Pháp viện tuyên bố đạo luật này vi hiến.
Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) Russ Vought và Tổng cố vấn OMB Mark Paoletta từ lâu đã khẳng định rằng đạo luật ICA là vi hiến. Họ lập luận rằng ngay cả khi ICA có hiệu lực, đạo luật này vẫn cho phép tổng thống tạm hoãn phân bổ ngân quỹ để bảo đảm tiền thuế của dân được chi tiêu một cách hiệu quả và phù hợp với các ưu tiên của tổng thống.
Ông Vought đã lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Đổi mới nước Mỹ (Center for Renewing America) trong suốt bốn năm trước khi trở lại văn phòng OMB lần hai, và ông lập tức cho xuất bản một tài liệu pháp lý chi tiết do ông Paoletta biên soạn, giải thích vì sao đạo luật ICA là vi hiến. Bên cạnh đó, ông Vought cũng công bố một nghiên cứu về lịch sử các đời tổng thống từ chối sử dụng ngân quỹ do Quốc hội phân bổ. Theo quan điểm của ông Paoletta, từ thời Tổng thống Washington và Jefferson, Hoa Kỳ đã “có lịch sử và truyền thống lâu đời về các đời Tổng thống sử dụng quyền giữ lại ngân khoản để kiểm soát chi tiêu của nhánh hành pháp và thúc đẩy nền kinh tế và hiệu quả trong chính phủ“.
Những bản thông tin chính sách do ông Vought và ông Paoletta soạn thảo cũng lập luận rằng “nghĩa vụ của tổng thống là đảm bảo luật pháp được thực thi một cách nghiêm chỉnh cũng bao hàm trách nhiệm phải thực hiện các khoản chi tiêu [được Quốc hội phê chuẩn] theo cách hiệu quả và có trách nhiệm nhất có thể”.
Lịch sử đã chứng kiến nhiều tổng thống từ chối chi tiêu ngân sách khi thấy không cần thiết. Chẳng hạn, Tổng thống Harry Truman đã từ chối sử dụng ngân sách cho 10 nhóm Không quân, với lý do mà ông Truman đưa ra là “cần thiết phải duy trì sự cân bằng giữa an ninh quốc gia và nền kinh tế lành mạnh … [cũng như] quyền hạn của Tổng thống với tư cách là Tổng tư lệnh“.
Tương tự, Tổng thống John F. Kennedy đã giữ lại 180 triệu USD trong tổng số 380 triệu USD mà Quốc hội phê duyệt cho các máy bay ném bom chiến lược, vì cho rằng khoản ngân sách dư thừa này không còn cần thiết trong bối cảnh công nghệ tên lửa đã có những bước tiến vượt bậc.
Trong thời gian gần đây, Quốc hội do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã phê chuẩn ngân sách để xây dựng tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Jerusalem, nhưng các tổng thống tiền nhiệm đã không thực hiện, viện dẫn lý do rằng động thái di chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ ở Israel đến Jerusalem có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành các chính sách đối ngoại của tổng thống. Mãi đến nhiệm kỳ Trump đầu tiên, tòa đại sứ Hoa Kỳ mới chính thức được di dời đến Jerusalem.
Lý do rất đơn giản, như tổ chức của ông Vought đã giải thích: “Quyền lực này [giữ lại ngân khoản] từ lâu đã được công nhận là nằm trong quyền hành pháp được trao theo Điều II [Hiến pháp], và do đó, Quốc hội không có thẩm quyền hợp hiến để tìm cách hạn chế quyền lực [của Tổng thống] vốn đã được Hiến pháp quy định”.
Với những tiền lệ lịch sử rõ ràng như vậy, việc kiểm soát lại các khoản chi tiêu của USAID là điều không thể tránh khỏi. Thật khó để lý giải vì sao người nộp thuế Hoa Kỳ phải tài trợ 70.000 USD cho một vở nhạc nhạc kịch về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) tại Ireland, 47.000 USD cho các vở opera dành cho người chuyển giới ở Colombia, hay 32.000 USD cho một bộ truyện tranh về người chuyển giới tại Peru nhằm thúc đẩy lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Nhưng đó vẫn chưa phải là những khoản chi tiêu lớn nhất. Người nộp thuế Hoa Kỳ đã tài trợ 2 triệu USD dành cho các lớp học làm gốm tại Ma-rốc, 20 triệu USD cho chương trình Sesame Street tại Iraq, 2 triệu USD cho các ca phẫu thuật chuyển giới tại Guatemala, và 1 triệu USD cho chiến dịch tuyên truyền kêu gọi người dân Việt Nam không đốt rác. Và tại sao người Mỹ phải chi trả 15 triệu USD tài trợ bao cao su và các biện pháp kiểm soát sinh sản ở Afghanistan?
Trước những khoản chi tiêu xa hoa và phi lý như vậy của USAID, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tổng thống Trump kiên quyết chấm dứt những hành vi mà nhiều người xem là sử dụng sai mục đích tiền thuế của người dân, hoặc ít nhất, ngăn chặn những khoản chi tiêu không phù hợp với các chính sách và ưu tiên của vị tổng thống do dân bầu này.
Hơn thế nữa, việc giữ lại những khoản ngân sách này – được giữ lại trong kho bạc để dành cho các ưu tiên cấp thiết hơn – sẽ khôi phục nguyên tắc lịch sử lâu đời rằng ngân sách được Quốc hội phê duyệt là mức trần, chứ không phải mức sàn bắt buộc phải tiêu hết. Hiến pháp quy định rằng không một cơ quan nào được phép chi tiêu vượt quá khoản ngân sách mà Quốc hội phân bổ. Việc yêu cầu chính phủ phải tiêu đến từng đồng ngân sách được phê duyệt, mà không có quyền linh hoạt giữ lại khi cần thiết, là điều hoàn toàn bất khả thi.
Trước năm 1935, không một ai tranh cãi về quyền hạn tuyệt đối của tổng thống trong việc bãi nhiệm các viên chức chính trị thuộc nhánh hành pháp. Trước đó, vào năm 1926, Tối cao Pháp viện đã tái khẳng định trong vụ án Myers kiện Hoa Kỳ, rằng quyền hạn của tổng thống trong việc bãi nhiệm một viên chức chính trị khỏi chức vụ là một phần không thể tách rời của quyền bổ nhiệm viên chức đó ngay từ đầu.
Thế nhưng, đến năm 1935, trong vụ Humphrey’s Executor kiện Hoa Kỳ, một Tối cao Pháp viện với khuynh hướng thiên tả đã đưa ra một phán quyết đầy tranh cãi: Quốc hội có thể kiểm soát các “cơ quan độc lập” bởi vì các cơ quan này không hoàn toàn thuộc quyền hành pháp, mà có thể mang tính lập pháp hoặc tư pháp. Do đó, tổng thống, người đứng đầu cơ quan hành pháp, không cần phải có quyền giám sát tuyệt đối đối với những cơ quan này.
Phán quyết này hoàn toàn không phù hợp với bất kỳ điều gì trong Hiến pháp, nhưng dù sao thì đó cũng là điều mà Tối cao Pháp viện đã tuyên bố, và đó là luật – ít nhất là cho đến nay. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Tối cao Pháp viện đã dần dần thu hẹp ảnh hưởng của phán quyết Humphrey’s Executor, và có vẻ như sẽ tiến tới bác bỏ phán quyết này trong tương lai.
Tuy nhiên, việc sa thải nhân viên tại USAID không chỉ dừng lại ở việc thay đổi lãnh đạo các cơ quan cấp cao do tổng thống bổ nhiệm. Việc cải tổ USAID còn đi xa hơn thế – động chạm đến tầng lớp nhân sự lâu năm của USAID. Các biện pháp bảo vệ việc làm cho công chức liên bang đã có từ năm 1883, khi Quốc hội thông qua Đạo luật Cải tổ Công vụ Dân sự Pendleton. Kể từ đó, các đạo luật tiếp theo đã liên tục mở rộng phạm vi bảo vệ, tạo ra một hệ thống khiến việc sa thải một nhân viên liên bang trở nên gần như bất khả thi, trừ khi trải qua một quy trình rườm rà và phức tạp kéo dài nhiều năm.
Vì thế, nhiều nhân viên của USAID chắc chắn sẽ khởi kiện để phản đối quyết định sa thải. Với việc chỉ giữ lại 294 nhân viên trong tổng số hơn 10.000 người, hàng loạt vụ kiện chắc chắn sẽ diễn ra. Những vụ kiện này sẽ mở ra một cuộc tranh luận pháp lý về giới hạn quyền lực của tổng thống trong việc bảo đảm rằng những người làm việc dưới quyền ông phải có trách nhiệm giải trình trước ông – với tư cách là lãnh đạo hành pháp tối cao và là người đứng đầu chính phủ do người dân Hoa Kỳ bầu chọn.
Trong bất kỳ bối cảnh nào khác, kết quả hợp lý là tất nhiên những nhân viên đó có thể bị sa thải. Trong lĩnh vực tư nhân, nếu một nhân viên hoặc một nhóm làm việc không phù hợp – hoặc tệ hơn, chống đối lại – chương trình nghị sự của giám đốc điều hành (CEO), công nhân hoặc nhóm đó sẽ bị sa thải ngay lập tức. Phần lớn người dân Hoa Kỳ sẽ kinh ngạc khi biết rằng chính phủ liên bang lại vận hành theo một nguyên tắc khác. Những vụ kiện xoay quanh USAID sẽ khẳng định thẩm quyền vốn có của tổng thống trong việc thực hiện nguyên tắc hợp lý đó.
Quốc hội có quyền thành lập các cơ quan chính phủ thông qua luật pháp, nhưng theo Hiến pháp, tổng thống có quyền cố hữu để tổ chức Nhà Trắng theo ý mình. Tuy nhiên, các tổng thống cũng thường diễn giải các đạo luật hiện hành của Quốc hội để thiết lập thêm các cơ quan hành pháp bổ sung, chẳng hạn như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), được Tổng thống John F. Kennedy thành lập vào năm 1961 thông qua Sắc lệnh Hành pháp số 10973. (Sau đó, Quốc hội chính thức hợp thức hóa sự tồn tại của USAID vào năm 1998).
Với chủ trương thu hẹp quy mô và vai trò của USAID, thậm chí có thể sáp nhập cơ quan này vào Bộ Ngoại giao, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: tổng thống có thể tiến xa đến đâu trong việc tái cơ cấu một chính phủ cồng kềnh và kém hiệu quả?
Một lần nữa, đội ngũ của Tổng thống Trump hiểu rất rõ rằng họ sẽ bị khởi kiện vì điều này. Và giới Đầm lầy tại Washington sẽ khởi kiện tại các tòa án cấp tiến với hy vọng nhận được phán quyết có lợi. Nhưng trận chiến này là một trận chiến dài hơi với mục tiêu cuối cùng là đưa vấn đề ra trước Tối cao Pháp viện, có thể vào năm 2026.
Tuy nhiên, điều then chốt ở đây là: Tổng thống Trump không cần phải thắng tất cả các vụ kiện để đạt được cải cách lịch sử mà ông đang tìm kiếm. Có nhiều con đường dẫn đến chiến thắng.
Một trong những chiến lược tiềm năng có thể được rút ra từ tiền lệ mà Tối cao Pháp viện đã làm với một phần của Đạo luật Quyền Bầu Cử năm 1965 (Voting Rights Act – VRA). Điều khoản 5 của đạo luật này yêu cầu một số tiểu bang và địa phương, chủ yếu ở miền Nam, phải được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ “phê chuẩn trước” trước khi thay đổi bất kỳ luật hoặc thủ tục bầu cử nào. Những nhà bảo thủ lập luận rằng điều này vi phạm chủ quyền của tiểu bang theo Tu chính án thứ Mười. Tuy nhiên, vào năm 1966, Tối cao Pháp viện vẫn duy trì tính hợp hiến của Điều khoản 5, nhưng nhấn mạnh rằng điều này chỉ hợp pháp trong bối cảnh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cực đoan lan rộng ở một số nơi nhất định vào những năm 1960 mới khiến sự giám sát của liên bang như vậy trở nên hợp hiến ở những nơi đó.
Nhưng nhiều năm sau, trong vụ Quận Shelby kiện Holder (2013), Tối cao Pháp viện đã từ chối xem xét lại tính hợp hiến của Điều khoản 5, mà thay vào đó giữ nguyên cách thức phân loại tiểu bang trong Điều khoản 4 – vốn quy định việc phải tuân theo quy tắc “phê chuẩn trước” đã lỗi thời. Tối cao Pháp viện lập luận rằng “những gánh nặng hiện tại [đối với chủ quyền của tiểu bang] phải được biện minh bởi những nhu cầu hiện tại” – và giao nhiệm vụ cho Quốc hội thông qua một cách thức mới.
Vì Quốc hội không thể đồng thuận để cập nhật cách thức xác định tiểu bang phân biệt chủng tộc vì nạn phân biệt chủng tộc không còn tập trung ở một số tiểu bang nhất định nữa – và không giống với những vụ lạm dụng khủng khiếp trong quá khứ – vì vậy toàn bộ cơ chế phê duyệt trước trở nên vô hiệu mà không cần phải chính thức hủy bỏ Điều khoản 5.
Nhiều thách thức pháp lý liên quan đến USAID có thể dẫn đến một kết quả tương tự – không trực tiếp giải quyết các câu hỏi cốt lõi [chẳng hạn như: Tổng thống có quyền cắt giảm USAID không?], nhưng có thể đồng thuận về một vấn đề phụ quan trọng, mà nếu không có điều đó, chương trình hoặc một bộ phận của USAID vốn bị Tổng thống Trump nhắm đến sẽ không thể tiếp tục hoạt động.
Một con đường khác để giành chiến thắng có thể phản ánh chiến lược của Tổng thống Franklin D. Roosevelt (FDR) vào năm 1933. Khi nhậm chức giữa cuộc Đại suy thoái, ông Roosevelt đã ngay lập tức thực hiện những cải cách kinh tế chưa từng có, nhiều trong số đó đã bị khởi kiện và thách thức trước tòa án. Ông Roosevelt đã thắng một số vụ kiện những cũng thua một số vụ khác. Nhưng ngay cả với những chính sách mà ông thất bại trước tòa, ông vẫn làm thay đổi sâu sắc bối cảnh chính trị về những vấn đề đó, khiến những cải cách mà ông đề xuất trở thành xu hướng không thể đảo ngược, khiến quy mô và cấu trúc của chính phủ thay đổi chỉ trong vòng vài năm. Và đến năm 1937, Tối cao Pháp viện đã chấp nhận nhiều thay đổi mà ban đầu họ từng tuyên bố vô hiệu.
Tương tự như vậy, Tổng thống Trump có thể tạo ra một “trạng thái bình thường mới” trong các lĩnh vực trọng yếu của chính quyền. Mà nếu người dân Mỹ chấp nhận những thay đổi này, thì những thay đổi này sẽ trở thành cải cách lâu dài thông qua tiến trình chính trị và sự ủng hộ của công chúng, thay vì chỉ dựa vào chiến thắng tại tòa án.
Những thay đổi lớn về chi tiêu ngân sách, nhân sự và cơ cấu chính quyền có thể được công chúng ủng hộ rộng rãi, vì phần lớn người dân Hoa Kỳ đều mong muốn chính phủ vận hành theo nguyên tắc mà họ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Breitbart News, Đại sứ Ken Blackwell, Chủ tịch Dự án Hành động Bảo thủ và cũng là Chủ tịch một trung tâm thuộc Viện Chính sách Nước Mỹ Trên Hết (America First Policy Institute – AFPI), đã khẳng định: “Hầu hết người dân Hoa Kỳ đều hiểu tất cả những điều này là lẽ thường tình. Ý tưởng cho rằng bất kỳ tổ chức nào bị pháp luật yêu cầu bắt buộc phải lãng phí tiền bạc hoặc phải chi tiêu theo cách đi ngược lại với đường lối của người đứng đầu tổ chức đó sẽ bị xem là điên rồ đối với hầu hết những người có suy nghĩ hợp lý”.
“Quý vị không thể điều hành một gia đình hay một công ty theo cách đó được. Vì thế, hầu hết người dân Hoa Kỳ đều tin rằng quý vị cũng không thể điều hành một đất nước theo cách đó được”, ông Blackwell nói thêm.
Những tuần đầu tiên của Tổng thống Trump đã thể hiện rõ quyết tâm thực hiện những thay đổi lớn đối với hệ thống chính quyền mà hầu hết người dân Hoa Kỳ đều cho rằng không vận hành đúng như lẽ ra nó phải thế. Và ông Trump sẵn sàng đấu tranh cho những vấn đề đó tại tòa án, tại Quốc hội, và trực tiếp đưa chúng đến trước nhân dân Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump đã tranh cử với cam kết sẽ thực hiện những cải cách đó, và người dân Hoa Kỳ sẽ trải qua một hành trình đầy biến động khi tổng thống đối đầu với những thế lực bảo vệ hiện trạng và thực hiện những cam kết của mình.
Ken Klukowski, Breitbart News
Thiên Vân chuyển ngữ
VIDEO: Người Hoa ở Mỹ đổ lỗi chính sách thuế của ông Trump làm mất việc hàng loạt
UBND quận Tây Hồ vừa thông báo tìm nhà đầu tư dự án xây dựng…
Nếu ý thức của chúng ta không biến mất khi qua đời, thì nó sẽ…
Cầu Vĩnh Tuy 1 được khánh thành và đi vào khai thác năm 2009, có…
Liên quan đến vụ sai phạm đất đai cấp 5 thửa đất không đúng đối…
Những năm qua Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để…
Giá mỗi lít xăng RON 95-III tăng 150 đồng, E5 RON 92 tăng 150 đồng…