USAID hỗ trợ cho hộ gia đình bị bão Yagi ảnh hưởng năm 2024. (Ảnh" USAID Việt Nam/Facebook)
Hôm thứ Năm (6/2), Reuters đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump có kế hoạch giữ lại chưa đến 300 nhân viên tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong tổng số hơn 10.000 nhân viên trên toàn thế giới. Việc cải cách USAID đã là một thông tin nhận được rất nhiều quan tâm trên chính trường quốc tế. Những người ủng hộ cho rằng cơ quan 64 năm tuổi này rất quan trọng. Ngược lại, những người chỉ trích đánh giá rằng cơ quan này đã đi lệch hướng và yếu kém trong khâu quản lý.
Thời báo Epoch Times ngày 6/2 đã có một bài phân tích về việc tổ chức USAID đã trở thành mục tiêu cải cách của chính quyền mới của Tổng thống Trump như thế nào. Bài báo viết rằng USAID là một cơ quan liên bang ít được chú ý, cho đến khi đột nhiên trở thành đối tượng của một cuộc chiến chính trị khốc liệt, sẽ bộc lộ giới hạn quyền lực của Tổng thống Hoa Kỳ và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính.
Khi chính quyền Tổng thống Trump đóng cửa các văn phòng của USAID vào ngày 3/2 và sau đó cho hầu hết nhân viên hành chính nghỉ việc, USAID đã trở thành tâm điểm của một vở kịch diễn ra ở cả hai đầu Đại lộ Pennsylvania. Một bên là nỗ lực liên tục của chính quyền Trump nhằm khiến mọi bộ phận của nhánh hành pháp tuân thủ chương trình nghị sự của Tổng thống. Bên kia là các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội, những người cảnh báo rằng hành động này là sự lạm dụng quyền hành pháp nguy hiểm và tuyên bố sẽ chống lại nó.
Trong khi đó, nhiều nhà quan sát quan ngại rằng mục đích thực sự của USAID – thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ thông qua việc sử dụng quyền lực mềm – có thể bị bỏ qua.
Vào ngày 3/2, Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm Ngoại trưởng Marco Rubio làm quyền giám đốc USAID. Ngày hôm sau, Tổng thống chỉ ra rằng cơ quan này có thể bị đóng cửa và các chức năng của nó sẽ được chuyển giao vĩnh viễn cho Bộ Ngoại giao.
Sau đây là lý do tại sao những người chỉ trích muốn bãi bỏ hoặc cải tổ cơ quan này, cũng như lý do những người ủng hộ muốn cứu nó.
USAID được thành lập theo lệnh hành pháp của Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1961 để thúc đẩy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển, hỗ trợ giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cứu trợ thiên tai.
Điều này dựa trên ý tưởng: Khi công dân của các quốc gia nghèo được Hoa Kỳ ổn định đời sống thì công dân Hoa Kỳ cũng được lợi – Một quốc gia ổn định, thịnh vượng chính là một đồng minh tốt của Hoa Kỳ.
Những người ủng hộ USAID tiếp tục coi đây vừa là một công cụ thiết yếu cho chính sách đối ngoại, vừa là biểu hiện hữu hình của lòng tốt và sự hào phóng của người dân Hoa Kỳ.
Hầu hết các nhà quan sát đều đồng ý rằng USAID đã thực hiện được những điều tốt đẹp. USAID tuyển dụng khoảng 10.000 người và kiểm soát ngân sách hàng năm khoảng 50 tỷ USD.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, vào năm 2023, USAID đã rót 10,5 tỷ USD vào viện trợ nhân đạo và 10,5 tỷ USD vào chương trình y tế tại các quốc gia trên khắp thế giới.
Một chương trình thường được coi là câu chuyện thành công rực rỡ của USAID là Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng chống AIDS. Đây là một chương trình đã cung cấp hơn 110 tỷ USD để kiểm soát sự lây lan của HIV/AIDS tại hơn 50 quốc gia.
“Hầu hết các ước tính đều cho rằng có khoảng 27 triệu người còn sống ngày nay là nhờ Tổng thống Bush khởi xướng và Quốc hội ủng hộ chương trình đó”, Scott Pegg – Quyền giám đốc chương trình Nghiên cứu Toàn cầu và Quốc tế kiêm chủ tịch khoa học chính trị tại Đại học Indiana–Indianapolis, nói với tờ Epoch Times.
Tổng thống Donald Trump cũng không phủ nhận việc này khi phát biểu với các phóng viên vào ngày 4/2 rằng “một phần tiền đã được chi tiêu hợp lý”.
Tuy nhiên, hào quang của cơ quan này đã bị lu mờ. Những người chỉ trích cho rằng USAID đã không còn tốt, lãng phí hàng triệu USD tiền thuế của người dân vào các chương trình vô nghĩa, từ chối trả lời các câu hỏi cơ bản từ các ủy ban quốc hội và tích cực phá hoại các mục tiêu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Nhà Trắng đã đưa ra danh sách các dự án do USAID tài trợ mà họ mô tả là ví dụ về sự lãng phí và lạm dụng. Các dự án có thể kể tới là: 70.000 USD cho một vở nhạc nhạc kịch về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) tại Ireland; 47.000 USD cho các vở opera dành cho người chuyển giới ở Colombia; 32.000 USD cho một bộ truyện tranh về người chuyển giới tại Peru; 2 triệu USD dành cho các lớp học làm gốm tại Ma-rốc; 20 triệu USD cho chương trình Sesame Street tại Iraq; 2 triệu USD cho các ca phẫu thuật chuyển giới tại Guatemala; 1 triệu USD cho chiến dịch tuyên truyền kêu gọi người dân Việt Nam không đốt rác; 15 triệu USD tài trợ bao cao su và các biện pháp kiểm soát sinh sản ở Afghanistan…
Dân biểu Wesley Hunt (bang Texas) đã liệt kê thêm các ví dụ trên nền tảng truyền thông xã hội X vào ngày 3/2, bao gồm 56 triệu USD để thúc đẩy du lịch ở Ai Cập và Tunisia và 27 triệu USD cho “túi quà tái hòa nhập” dành cho những người Trung Mỹ bị trục xuất. Ông Hunt cho biết USAID đang hành xử “như một đứa trẻ với thẻ tín dụng CỦA BẠN”, hàm ý là USAID đã sử dụng tiền của chính phủ một cách bừa bãi.
Một số bên nhận tài trợ của USAID bao gồm các tổ chức do khủng bố kiểm soát, theo một nghiên cứu của Diễn đàn Trung Đông được công bố vào ngày 1/2. Nghiên cứu phát hiện ra rằng 122 triệu USD đã được chuyển cho các nhóm liên kết với các tổ chức khủng bố được chỉ định, bao gồm hàng triệu USD cho các tổ chức do nhóm khủng bố Hamas kiểm soát trực tiếp.
Một báo cáo tháng 7/2024 từ Văn phòng Tổng thanh tra Hoa Kỳ đã ghi nhận những thiếu sót và lỗ hổng trong quy trình thẩm định của USAID, một quy trình nhằm ngăn chặn việc chuyển tiền của Hoa Kỳ cho các tổ chức khủng bố.
Một trường hợp điển hình được dẫn chứng là USAID đã hợp tác với Chemonics – một công ty tư vấn quốc tế, để chi 9,5 tỷ USD nhằm cải thiện chuỗi cung ứng y tế. Chemonics bị cáo buộc đã đội giá lên tới 270 triệu USD và không đạt được các mục tiêu của mình. Dự án đã dẫn đến 31 bản cáo trạng về việc bán lại bất hợp pháp các vật liệu do USAID tài trợ, theo Thượng nghị sĩ Joni Ernst (bang Iowa) – người đã kêu gọi phân tích độc lập về những bên nhận tài trợ của USAID.
Bà Ernst cho biết USAID cũng đã cung cấp gần 1 triệu USD tiền tài trợ cho Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc, nơi mà CIA cho biết là nguồn có khả năng nhất của loại Virus gây ra đại dịch COVID-19.
Một số nhà lập pháp cho biết USAID đã chống lại sự giám sát của quốc hội trong nhiều thập kỷ, dẫn đến một nền văn hóa bất chấp. “Cơ quan này đã tham gia vào một mô hình cản trở, [và điều này] có thể thấy rõ”, bà Ernst viết trong một lá thư gửi ông Rubio vào ngày 4/2.
Bà Ernst viết rằng USAID đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật rằng một số tài liệu là tài liệu mật, để trì hoãn việc xem xét của các nhân viên Quốc hội, và để đánh lừa Quốc hội về chi phí gián tiếp của các chương trình. Bà cho biết trong một số trường hợp, con số này lên tới hơn 25% tổng số tiền tài trợ.
Thượng nghị sĩ Ernst cho biết USAID đã từ chối cung cấp dữ liệu về chi phí hành chính. Sau đó, cơ quan này cho biết việc cung cấp dữ liệu cho Quốc hội sẽ vi phạm luật liên bang. và rằng họ không có nghĩa vụ phải trả lời vì bà Ernst không trình bày yêu cầu chính thức từ “ủy ban có thẩm quyền”.
“Cơ quan này đã cản trở tôi và sử dụng mọi thủ đoạn để che giấu những gì họ đang làm với người dân Hoa Kỳ. Họ đã nói dối, đánh lừa và lừa dối người nộp thuế, nhưng tôi sẽ không nản lòng trong việc đấu tranh và vạch trần sự thật”, bà Ernst nói với tờ Epoch Times.
Ông Rubio đã đưa ra lời chỉ trích của riêng mình vào ngày 3/2, sau khi được bổ nhiệm làm người quản lý tạm thời của cơ quan này.
“Về cơ bản, họ đã phát triển thành một cơ quan với niềm tin rằng họ thậm chí không phải là một cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ, rằng… họ là một tổ chức từ thiện toàn cầu,” ông Rubio cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News.
Tệ hơn nữa, cơ quan này thường xuyên hoạt động trái ngược với lợi ích của Hoa Kỳ. “Một trong những lời phàn nàn phổ biến nhất mà bạn sẽ nhận được từ các quan chức Bộ Ngoại giao và đại sứ và những người tương tự là: ‘USAID không chỉ không hợp tác mà còn phá hoại công việc mà chúng tôi đang làm ở quốc gia đó'”, đôi khi thúc đẩy các chương trình mà chính phủ nước chủ nhà phản đối, ông Rubio cho biết.
Phát biểu về USAID tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở El Salvador vào ngày 4/2, ông Rubio cho biết: “Đã 20 hoặc 30 năm trôi qua kể từ khi mọi người cố gắng cải cách cơ quan này, và cơ quan này từ chối cải cách. Khi chúng tôi còn ở Quốc hội, chúng tôi thậm chí không thể nhận được câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản về các chương trình. Điều đó sẽ không tiếp tục nữa.”
Các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội đã chỉ trích việc cải cách USAID và cho rằng Tổng thống lạm quyền bất hợp pháp.
“Đây chính là khởi đầu của chế độ độc tài, khi bạn có Hiến pháp và tự đưa mình lên làm quyền lực duy nhất”, Dân biểu Ilhan Omar (Dân biểu đảng Dân chủ) phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 3/2. “Những gì Trump và Elon Musk cùng tất cả những người thân tín của họ đang cố gắng làm là tước đi quyền lực theo hiến pháp của Quốc hội”.
Đảng Dân chủ đã thề sẽ đấu tranh chống lại sự thay đổi này tại tòa án. “Việc cố gắng đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế bằng lệnh hành pháp là hoàn toàn bất hợp pháp”, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen (D-Md.) nói với các phóng viên vào ngày 3/2.
Tờ Epoch Times đã yêu cầu nghị sĩ Omar và Van Hollen đưa ra thêm bình luận nhưng không nhận được phản hồi.
Trong khi việc tổ chức lại USAID dường như nằm trong thẩm quyền của Tổng thống, thì việc đóng cửa USAID hoặc đặt trực tiếp dưới sự kiểm soát của Bộ Ngoại giao có thể không nằm trong thẩm quyền của Tổng thống, theo bản ghi nhớ của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội.
Khi được thành lập vào năm 1961, USAID là một phần của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, vào năm 1998, Quốc hội đã chuyển cơ quan này thành một “cơ sở độc lập” trong nhánh hành pháp. Một cơ sở độc lập, theo định nghĩa của luật, không phải là một phần của cơ quan khác. Điều đó cho thấy Tổng thống không thể giải thể cơ quan hoặc chuyển toàn bộ cơ quan này sang Bộ Ngoại giao mà không có sự đồng thuận của Quốc hội.
Một giải pháp cho tình hình hiện tại có thể là cải cách và tái tổ chức lại USAID thay vì đóng cửa. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, không có điều khoản nào trong luật quy định cách thức cơ quan này phải được cấu trúc. Tổng thống có thể thực hiện các thay đổi về mặt tổ chức, “bao gồm cả việc chuyển một số chức năng từ USAID sang Bộ Ngoại giao”.
Việc này có thể làm hài lòng một số nhà quan sát, những người đang lo ngại rằng cuộc chiến giữa Quốc hội và Tổng thống có thể khiến đất nước mất đi lợi ích chiến lược của USAID: giúp các nước đồng minh phát triển và thực hiện “mệnh lệnh đạo đức” khi viện trợ nhân đạo.
“Chắc chắn bạn có thể tìm thấy các chương trình kém hiệu quả hoặc ít có lợi hơn các chương trình khác, nhưng USAID đã làm rất nhiều việc tuyệt vời và đó là sự phản ánh quan trọng về chính sách đối ngoại và sức mạnh của Hoa Kỳ”, ông Scott Pegg nói.
Ông Rubio cho biết việc cải cách USAID không đồng nghĩa với việc “loại bỏ viện trợ nước ngoài”. Ông cho biết vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về việc chuyển hoạt động nào sang chức năng của Bộ Ngoại giao, và hoạt động nào có thể vẫn nằm trong USAID sau khi cải tổ. Mục tiêu chính của việc tái cấu trúc là làm cho các dự án viện trợ nước ngoài phù hợp với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ trở thành quốc gia hào phóng nhất trên Trái đất theo cách có ý nghĩa, và đó cũng là lợi ích quốc gia của chúng ta”, ông Rubio cho biết.
Báo BBC Việt Nam ngày 6/2 đã đăng tải một bài viết, trong đó đưa ra đánh giá về việc Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào nếu Mỹ ngừng viện trợ qua USAID. Tờ báo liệt kê một số hoạt động có ý nghĩa quan trọng bị ảnh hưởng như:
1. Các tổ chức rà phá bom mìn
Theo chính quyền Việt Nam, hiện còn khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với 17,71% diện tích toàn quốc bị ô nhiễm bom mìn, tính tới cuối năm 2023. Trong 30 năm từ 1993 – 2023, chương trình Phá hủy Vũ khí Thông thường (CWD) của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đầu tư gần 235 triệu USD tại Việt Nam, trong đó gần 27 triệu USD là thông qua USAID.
2. Các dự án hỗ trợ y tế
Trong giai đoạn từ 2014-2024, USAID đã triển khai 16 dự án hỗ trợ lĩnh vực y tế tại Việt Nam với tổng kinh phí khoảng 90 triệu đô la, tập trung chủ yếu vào các dự án phòng chống bệnh lao và HIV/AIDS. USAID đã phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các hoạt động can thiệp hiệu quả, xét nghiệm cho các nhóm nguy cơ cao, điều trị và duy trì điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) cho người nhiễm HIV, cũng như hỗ trợ thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
3. Các hoạt động nhân đạo khác
Trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật, trong 30 năm qua, thông qua USAID, Mỹ đã đóng góp hơn 155 triệu USD. Chỉ tính riêng năm 2023, USAID đã hỗ trợ cho hơn 26.000 người khuyết tật tại Việt Nam.
Sau những ảnh hưởng của siêu bão Yagi vào tháng 9/2024, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua USAID, đã cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục thiệt hại. Trong 5 năm qua, phái đoàn này đã cung cấp 7,7 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ sẵn sàng ứng phó thiên tai, bao gồm cả việc ứng phó với bão, lũ và nâng cao năng lực cho các đội xung kích phòng chống thiên tai.
4. Các hoạt động giúp tăng cường quan hệ ngoại giao
Một trong những dự án giúp tăng cường quan hệ ngoại giao mà USAID tài trợ tại Việt Nam là dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Dự án này được khởi công từ tháng 12/2019 với tổng kinh phí ban đầu là 390 triệu USD, sau đó được nâng lên 450 triệu USD và dự kiến hoàn thành sau 10 năm. Tính đến giữa tháng 1/2025, Mỹ đã tăng nguồn vốn thực hiện dự án lên 430 triệu USD.
Vào năm 2023, USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết hai văn bản hợp tác về nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế và phát triển năng lực địa phương của Việt Nam với tổng giá trị ODA (viện trợ phát triển chính thức) là 100 triệu USD. Tổ chức này cũng công bố thực hiện dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) với tổng giá trị ODA là 36,3 triệu USD.
Theo Epoch Times và BBC Tiếng Việt
Khánh Vy (t/h)
Giá mỗi lít xăng RON 95-III tăng 150 đồng, E5 RON 92 tăng 150 đồng…
Cựu phóng viên Tân Hoa Xã là ông Cố Vạn Minh đã đăng một bức…
Ruồi thường bay vo ve quanh bạn và dường như không dễ gì xua đuổi.
Khi đang trên đường đến bệnh viện, Sha'nya Bennett chuyển dạ nhanh nên đành phải…
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương xử lý nghiêm vi…
Tổng chưởng lý của 17 tiểu bang Hoa Kỳ đã gửi thư cảnh cáo tới…