Hôm thứ Bảy (12/5), Bộ Ngoại giao Bắc Hàn đã phát đi thông báo nói rằng Bình Nhưỡng sẽ tổ chức một buỗi lễ trong khoảng thời gian từ 23 tới 25/5 để đóng cửa vĩnh viễn bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Đặc biệt, Bắc Hàn đã ngỏ lời mời phóng viên từ 5 quốc gia, trong đó có Mỹ, tới tham gia sự kiện lịch sử này.
Ông Kim Jong-un đang cho thấy thiện chí hợp tác với Mỹ để hiện thực hóa việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Thông báo trên được đăng tải trên trang web chính thức của Thông tấn xã Bắc Hàn (KCNA) và ngoại giới cho rằng đó là động thái thiện chí của ông Kim Jong-un hướng tới cộng động quốc tế vốn nhiều năm qua luôn gây áp lực để Bắc Hàn tháo dỡ chương trình vũ khí hạt nhân bất hợp pháp. Buổi lễ đóng cửa bãi thử hạt nhân này sẽ diễn ra chưa đầy một tháng trước cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim, được lên lịch chính thức vào ngày 12/6 tại Singapore.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn không đặc biệt nêu rõ tên bãi thử hạt nhân Punggye-ri mà chỉ mô tả đó là “bãi thử hạt nhân miền bắc của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn sở hữu một bãi thử hạt nhân đang hoạt động nào khác. Bãi thử Punggye-ri là nơi diễn ra cả 6 lần thử bom hạt nhân của chế độ nhà họ Kim từ năm 2006.
KCNA thông báo rằng: “Buổi lễ tháo dỡ bãi thử hạt nhân hiện tại dự kiến diễn ra vào khoảng thời gian từ 23 tới 25/5, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Việc tháo dỡ bãi thử hạt nhân sẽ được thực hiện theo trình tự như sau: Nổ mìn để phá hủy tất cả các đường hầm; chặn hoàn toàn các lối vào; tháo dỡ tất cả cơ sở quan sát, các viện nghiên cứu và các công trình trên mặt đất của đội cảnh vệ”.
Bộ Ngoại giao Bắc Hàn khẳng định sau sau buổi lễ, bãi thử hạt nhân này sẽ được “đóng cửa hoàn toàn”. Bộ Ngoại giao thông báo thêm rằng các nhà báo quốc tế sẽ được chào đón tới đây “để thực hiện quan sát tại chỗ nhằm chỉ ra động thái minh bạch của việc tháo dỡ bãi thử hạt nhân miền bắc này”. Những nhà báo tham gia sự kiện giới hạn trong năm nước gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh và Hàn Quốc vì theo giới chức Bắc Hàn, bãi thử hạt nhân nằm ở nơi xa xôi, hẻo lánh và nhỏ hẹp.
Được biết, Bắc Hàn cũng sẽ chủ động cung cấp giao thông trực tiếp tới bãi thử Punggye-ri từ Bắc Kinh. Họ cho rằng điều này là cần thiết “khi tính đến thực tế rằng bãi thử này nằm ở khu vực miền núi xa xôi không có dân cư”.
Ngoại giới đánh giá việc kiểm soát hoàn toàn phương tiện đi lại và cư trú sẽ cho phép Bắc Hàn kiểm soát được việc tác nghiệp của các nhà báo quốc tế, ngăn họ không tiếp xúc với bất kỳ cá nhân nào không được phép trao đổi thông tin với người nước ngoài và tránh việc các nhà báo khám phá các lãnh thổ mà chế độ nhà họ Kim không muốn họ nhìn thấy.
Thực tế hiện nay khi phát triển du lịch, Bắc Hàn vẫn áp dụng các kiểm soát di trú này đối với du khách nước ngoài. Các đoàn khách thường được chính quyền chỉ định một “hướng dẫn viên” cho toàn bộ thời gian du khách lưu trú trong đất nước bí ẩn này nhằm ngăn họ tới những khu vực chính phủ chỉ định và cản trợ du khách đặt câu hỏi hoặc giao tiếp với người dân Bắc Hàn.
Việc đóng cửa bãi thử hạt nhân có thể coi là bước đầu tiên cho thấy ông Kim Jong-un đang hiện thực hóa ý định phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên mà ông đưa ra trong các cuộc gặp gần đây với các lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong cuộc họp với các quan chức cấp cao Hàn Quốc hồi tháng Ba ngay tại Bình Nhưỡng, ông Kim được cho là đã thông tin rằng phi hạt nhân hóa chính là “ước nguyện cuối đời” của cha ông – cố Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-il.
Tuy nhiên, những người hoài nghi lưu ý rằng ông Kim Jong-un đã không bác bỏ quan điểm về việc Bắc Hàn được trang bị vũ khí hạt nhân và có thể ông ta xác định “phi hạt nhân hóa” là việc loại bỏ khí tài hạt nhân của Mỹ khỏi khu vực, hậu quả từ Thế chiến II và chiến tranh Triều Tiên.
Cùng với đó, hiệu quả của việc phá hủy bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hạt nhân của Bắc Hàn tới đâu cũng đã trở thành vấn đề tranh luận gay gắt ở phương Tây. Sau lần thử bom hạt nhân thứ Sáu của Bắc Hàn hồi tháng 9 năm ngoái, truyền thông Nhật Bản loan tin rằng hầm ngầm nơi quả bom hạt nhân được lắp đặt, nằm sâu trong lòng núi Mantap, đã bị đổ sập khiến 200 công nhân thiệt mạng. Các bức ảnh vệ tinh mà phía truyền thông Nhật Bản có được cho thấy không chỉ bãi thử hạt nhân Punggye-ri bị phá hủy mà chính núi Mantap cũng bị sụp.
Vào tháng Tư vừa qua, hai nhóm nghiên cứu độc lập qua phân tích các hình ảnh vệ tinh đã kết luận rằng núi Mantap đã bị sụp một phần và bãi thử hạt nhân này đã không còn hữu dụng và nếu tiếp tục thử hạt nhân tại đây sẽ dẫn tới sập núi hoàn toàn và mây phóng xạ sẽ lan rộng lên trời, đe dọa tới các khu vực lân cận, bao gồm cả lãnh thổ Trung Quốc tiếp giáp.
Tuần qua, một nghiên cứu mới sử dụng khoảng cách tương đối giữa các vệ tinh quốc tế và núi Mantap đã phát hiện rằng ngọn núi này đã giảm nửa mét chiều cao và mở rộng thêm khoảng 3,5 mét. Các nhà nghiên cứu cho rằng dấu hiệu nêu trên cho thấy ngọn núi này vẫn đang sụp lún dần.
Xuân Thành (T/h)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…