Đảng đối lập của những chính trị gia cải cách tại Thái Lan đã thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử hôm Chủ Nhật (14/5). Đây là chỉ dấu cho thấy sự phản đối mạnh mẽ của người dân đối với luật lệ do quân đội hậu thuẫn chi phối nền chính trị xã hội Thái Lan đã kéo dài cả thập kỷ qua.
Với hầu hết phiếu bầu đã được kiểm đến, Đảng Tiến về Phía trước (MFP) cấp tiếp và Đảng Pheu Thái (Pheu Thai) dân túy hôm thứ Hai (15/5) đã được dự báo chiến thắng tổng cộng 286 ghế của Hạ viện 500 ghế, tờ Al Jazeera dẫn theo kết quả sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan.
Tuy nhiên, vẫn không chắc chắn liệu hai đảng nêu trên có thể thành lập được chính phủ mới hay không bởi vì Thái Lan đang áp dụng luật cho phép 250 thành viên của Thượng viện do quân đội chỉ định được cùng tham gia bầu Thủ tướng.
Điều đó có nghĩa rằng MFP và Pheu Thai sẽ cần phải thỏa hiệp với nhiều đảng khác để có thể thành lập chính phủ tiếp theo.
MFP giành chiến thắng lớn nhất trong cuộc tổng tuyển cử lần này và cũng là lần đầu tiên đảng do người trẻ lãnh đạo này tham gia tranh cử với kế hoạch táo bạo nhằm giảm quyền lực cực đoan của giới tinh anh quân đội hoàng gia Thái Lan.
Theo kết quả kiểm 99% phiếu được công bố trên trang web của Ủy Ban Bầu cử Thái Lan, MFP khả năng cao sẽ giành được 147 ghế, chiếm số lượng lớn nhất tại Hạ viện. Trong đó, 112 ghế là từ 400 ghế bầu trực tiếp và 35 ghế từ 100 ghế được phân bổ tới các đảng theo tỷ lệ.
Các nhà phân tích gọi kết quả trên là “ngoạn mục” khi các cuộc tham dò dân ý trước bầu cử dự báo rằng MFP sẽ về thứ hai sau Pheu Thai.
Pheu Thai là đảng có liên kết với gia đình tỷ phú Shinawatra và đảng này đã giành nhiều ghế nhất tại Hạ viện Thái Lan trong mọi cuộc bầu cử từ năm 2001. Pheu Thai lần này được tổng cộng 138 ghế. Trong đó, 112 ghế bầu trực tiếp và 27 ghế được phân bổ theo tỷ lệ.
Giáo sư khoa học chính trị Titipol Phakdeewanich của Đại học Ubon Ratchathani có trụ sở ở miền đông Thái Lan đã nói với tờ Al Jazeera rằng: “Đây là chiến thắng ấn tượng của Đảng Tiến về Phía trước. Điều này đánh dấu một bước ngoặt lớn cho Thái Lan bởi vì nó chỉ báo rằng hầu hết người dân tại đất nước này muốn thay đổi. Chúng ta thực sự đang chứng kiến quyền lực của cử tri đoàn, những người lúc này đã đang đấu tranh kịch liệt cho sự thay đổi”.
Theo kết quả sơ bộ chưa chính thức nêu trên, đảng về thứ ba là Bhumjaitai với 70 ghế. Đảng này thuộc liên minh cầm quyền và đã đang đấu tranh để hợp pháp hóa cần sa tại Thái Lan.
Trong khi đó, các đảng có liên kết với quân đội hoàng gia đã thể hiện yếu kém trong cuộc bầu cử vừa qua.
Đảng Quốc gia Thái thống nhất (United Thai Nation Party) của đương kim Thủ tướng Prayuth Chan chỉ về thứ năm với 36 ghế. Đảng Palang Pracharath trước đây do ông Prayuth lãnh đạo giờ được dẫn dắt bởi Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan về thứ tư với 40 ghế.
MFP thu hút nhiều cử tri trẻ, trong đó có 3,3 triệu cử tri lần đầu tham gia bầu cử. Đảng này đang nỗ lực thực hiện nghị trình tự do cấp tiến, trong đó có kế hoạch làm suy yếu vai trò chính trị của quân đội và sửa đổi luật hà khắc về tội bất kính với hoàng gia. Các nhà phê bình chỉ trích rằng luật hà khắc đó được sử dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat khi nói chuyện với người ủng hộ tại Bangkok cho biết MFP đã có kế hoạch tổ chức diễu hành quanh Tượng đài Dân chủ. Ông Limjaroenrat dự kiến sẽ phát biểu với truyền thông vào 12 giờ chiều ngày thứ Hai (15/5, giờ địa phương).
“Bây giờ rõ ràng Đảng Tiến về Phía trước đã đang giành được niềm tin lớn lao của người dân và đất nước”, ông Limjaroenrat viết trên Twitter vào sáng 15/5.
Lãnh đạo Pheu Thai Paetongtarn Shinawatra đã gửi lời chúc mừng thành công bầu cử của MFP. Bà Paetongtarn nói rằng đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất sẽ lãnh đạo chính phủ tiếp theo.
“Chúng tôi sẵn sàng trao đổi với MFP, nhưng chúng tôi đang đợi kết quả bầu cử chính thức”, bà Paetongtarn nói với báo giới tại Bangkok.
“Tôi hạnh phúc vì họ. Chúng tôi có thể làm việc cùng nhau”, bà Paetongtarn nói thêm.
Sự kiện hôm 14/5 là cuộc bầu cử đầu tiên tại Thái Lan kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình của người trẻ trong năm 2020 vốn đã phá vỡ nhiều lệnh cấm từ lâu. Người biểu tình kêu gọi ngăn chặn quyền lực của Vua Maha Vajiralongkorn, cũng như chấm dứt sự dính líu của quân đội vào chính trị. Quân đội Thái Lan đã thực hiện 13 cuộc đảo chính thành công và 9 cuộc đảo chính bất thành từ năm 1932.
MFP hứa thực hiện cải cách triệt để về nền quân chủ và quân đội, trong đó bao gồm việc sửa đổi các luật bất kính hà khắc.
Các luật bất kính đã đang ngày càng được thực thi nhiều hơn từ sau cuộc đảo chính năm 2014. Điều 112 mơ hồ quy định phạt tù 15 năm và các nhóm nhân quyền nói rằng luật đó là nhắm đến trừng phạt những nhà hoạt động chính trị.
Sau bầu cử, các đảng phái sẽ đàm phán để bầu thủ tướng. Mỗi đảng với ít nhất 25 ghế được chỉ định một ứng cử viên thủ tướng. Thủ tướng mới cần phải có được ít nhất 376 phiếu bầu.
Thượng viện 250 thành viên do chính phủ quân sự chỉ định và họ sẽ bầu cho các đảng phái liên kết với quân đội.
Điều đó có thể biến các đảng nhỏ như đảng Bhumjaitai trở thành đảng có quyền quyết định ai sẽ trở thành thủ tướng mới của Thái Lan. Đảng Bhumjaitai hiện do đương kim bộ trưởng y tế Anutin Charnvirakul lãnh đạo.
Trong cuộc bầu cử gần nhất vào năm 2019, Pheu Thai giành nhiều ghế nhất tại Hạ viện, nhưng ông Prayuth trở thành thủ tướng khi lãnh đạo liên minh 19 đảng. Đảng Palang Pracharat khi đó do ông Prayuth lãnh đạo về thứ hai.
Hải Đăng
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…