Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 17/2 rằng Hoa Kỳ sẽ thanh toán hơn 200 triệu đô la cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối tháng, sau khi Tổng thống Joe Biden đảo ngược quyết định rút khỏi tổ chức này của cựu Tổng thống Trump.
Theo AFP, ông Blinken đã nói trong một phiên họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về COVID-19: “Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của chúng tôi với tư cách là thành viên của WHO và điều này phản ánh cam kết mới của chúng tôi nhằm đảm bảo WHO có sự hỗ trợ cần thiết để lãnh đạo phản ứng toàn cầu đối phó với đại dịch.”
“Hoa Kỳ sẽ làm việc như một đối tác để giải quyết các thách thức toàn đầu. Đại dịch này là một trong những thách thức đó và [nó] cho chúng ta một cơ hội không chỉ để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại, mà còn để chuẩn bị tốt hơn và kiên cường hơn cho tương lai.”
Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, thường xuyên rót hàng trăm triệu đô la hàng năm cho tổ chức này của Liên Hợp Quốc.
Vào tháng 5/2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ chính thức chấm dứt mối quan hệ với WHO, với kế hoạch rút khỏi tổ chức này sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, ông Biden đã đảo ngược quyết định đó và đây là một trong những hành động đầu tiên của ông sau khi nhậm chức.
Ông Trump đã nói vào lúc đó: “Chúng tôi đã trình bày chi tiết những cải cách mà tổ chức này [WHO] phải thực hiện và đã trực tiếp tham gia cùng với họ nhưng họ đã từ chối hành động. Bởi vì họ không thực hiện những cải cách được yêu cầu và rất cần thiết, nên chúng tôi hôm nay sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới và chuyển những khoản tài trợ đó cho các nhu cầu sức khỏe toàn cầu khẩn cấp và xứng đáng khác trên khắp thế giới.”
Vào thời điểm đó, ông Trump nói rằng các quan chức Trung Quốc đã không báo cáo nạn dịch virus corona mới cho WHO mà còn gây sức ép buộc WHO “lừa dối thế giới khi virus lần đầu tiên được chính quyền Trung Quốc phát hiện.”
Vào ngày 18/5/2020, ông Trump đã nêu lên một loạt những bước đi đáng ngờ của WHO liên quan đến đại dịch trong một bức thư gửi đến người đứng đầu tổ chức này, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus. Trong bức thư, ông Trump đã đề cập đến việc WHO chỉ trích lệnh cấm đi lại ngay từ sớm của ông đối với Trung Quốc [để ngăn chặn việc lây lan của virus] và việc tổ chức này ủng hộ những tuyên bố ban đầu của ĐCSTQ khi cho rằng không có bằng chứng cho thấy việc lây truyền virus từ người sang người.
Ông Tedros, tổng giám đốc WHO, đã nói với các phóng viên vào tháng 5/2020 rằng ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ không cắt đứt quan hệ với tổ chức này.
Ông nói Hoa Kỳ là “một người bạn lâu đời và hào phóng với WHO”, nói thêm rằng: “Chúng tôi hy vọng họ [Hoa Kỳ] sẽ tiếp tục làm như vậy.”
Ông Blinken nói rằng chính quyền Biden đã gây sức ép buộc Trung Quốc sớm cho phép một nhóm của WHO đến nước này điều tra nguồn gốc của virus.
Ông Blinken nói: “Tất cả các quốc gia phải cung cấp tất cả dữ liệu trong những ngày đầu tiên của bất kỳ nạn dịch nào.”
Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ nói: “Và trong tương lai, tất cả các quốc gia nên tham gia vào một quá trình minh bạch và thẳng thắn để ngăn ngừa và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế để thế giới biết được càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt.”
Gia Huy
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…