Thế Giới

Bố cục đối phó Trung Quốc của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương năm 2023

Năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ gia tăng các mối đe dọa quân sự và chính trị đối với Đài Loan mà còn trở nên hung hãn hơn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhắm mục tiêu vào máy bay quân sự và tàu chiến của Mỹ và các đồng minh, nhiều vụ đánh chặn nguy hiểm đã làm dấy lên cảnh báo. Trong bối cảnh đó, Mỹ tăng cường hiện diện ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương qua các hoạt động ngoại giao và quốc phòng như một phần trong cuộc chiến đối trọng với Trung Quốc.

(Từ trái sang phải) Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tổ chức một cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm ba bên tại Trại David vào ngày 18/8/2023 ở Maryland. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

ĐCSTQ tăng cường khiêu khích ở châu Á – Thái Bình Dương

Ngày 30/5, quân đội Mỹ cáo buộc máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc đã hung hãn chặn một máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ trên không phận quốc tế Biển Đông. Đoạn video công bố cho thấy, chiếc J-16 của không quân Trung Quốc bay qua trước mũi máy bay RC-135 của không quân Mỹ, khiến buồng lái  RC-135 trong tình trạng hỗn loạn.

Vài ngày sau, quân đội Mỹ lại đưa ra cáo buộc khác rằng ngày 3/6 khi tàu USS Chung-Hoon đi qua eo biển Đài Loan, một tàu chiến Trung Quốc đã có động thái nguy hiểm nhằm chặn tàu Mỹ, suýt gây ra vụ tai nạn va chạm giữa hai tàu.

Nhà Trắng cho biết các sự cố nguy hiểm cho thấy Trung Quốc “ngày càng hung hăng”, nhưng Bắc Kinh cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm, cáo buộc chính máy bay quân sự và tàu chiến Mỹ cố tình “kích động rủi ro”.

Ở Biển Hoa Đông, ĐCSTQ khẳng định chủ quyền đối với Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi Quần đảo Điếu Ngư), đã tăng cường tuần tra trên biển và trên không trong khu vực, khiến Nhật Bản phản đối.

ĐCSTQ sử dụng “Đường 9 đoạn” (Đường lưỡi bò, Đường chữ U) để tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng một số khu vực chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia, khiến các nước này bất bình.

Tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines. (Ảnh chụp màn hình video)

Ngoài ra, những năm gần đây, ĐCSTQ và Ấn Độ đã nhiều lần xảy ra xung đột biên giới, thậm chí gây thương vong. ĐCSTQ cũng tăng cường khiêu khích quân sự đối với Đài Loan, thường xuyên điều động máy bay quân sự xâm chiếm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển xung quanh Đài Loan.

Mỹ cho rằng Trung Quốc có tham vọng định hình lại trật tự quốc tế. 

Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ông Gregory Poling nói với kênh truyền thông Al Jazeera (trụ sở tại Doha, Qatar): “Rõ ràng, ít nhất trong vài thập kỷ tới, xu thế cạnh tranh này sẽ ngày càng gay gắt. Trừ khi ĐCSTQ thay đổi chiến lược…. nếu không, chúng ta sẽ thấy cạnh tranh tiếp tục gia tăng, theo đó căng thẳng tiếp tục gia tăng không chỉ giữa Trung Quốc và Mỹ mà còn giữa Trung Quốc và hầu hết các nước láng giềng”.

Mỹ tích cực triển khai ứng phó

Mỹ coi ĐCSTQ là thách thức lớn nhất đối với trật tự quốc tế do phương Tây lãnh đạo. Trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden, quân đội Mỹ đã phát động chiến dịch “tự do hàng hải” trên tuyến đường thủy đang tranh chấp gần Trung Quốc, nhằm tăng cường và mở rộng sự hiện diện ngoại giao và quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nỗ lực này đã được tăng tốc trong năm qua, phạm vi bao phủ trải dài từ Nhật Bản đến Philippines và Úc, từ Ấn Độ đến Papua New Guinea và Quần đảo Solomon. Những nỗ lực đó bao gồm việc mở các đại sứ quán mới trong khu vực, triển khai quân đội và các khí tài quân sự tiên tiến hơn cũng như giành quyền tiếp cận các căn cứ quan trọng đối diện với Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Trụ cột chính trong phản ứng của Mỹ đối với ĐCSTQ là nỗ lực tăng cường và mở rộng quan hệ quân sự và ngoại giao với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt như tăng cường mối quan hệ với các đồng minh Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các nước khác như Ấn Độ và Việt Nam. Tờ Al Jazeera cho rằng điều này đã mang lại thế trận ngoại giao và quân sự mạnh mẽ nhất của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những thập kỷ gần đây.

Mỹ, Anh và Úc vào tháng 3/2023 đã công bố chi tiết hợp tác quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS, để hỗ trợ Úc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị vũ khí thông thường. Dự tính đầu những năm 2030, Mỹ sẽ trang bị cho Úc từ 3 – 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. So với tàu ngầm thông thường, những tàu ngầm này được trang bị tên lửa tầm xa này khó bị phát hiện hơn và có thể ở dưới nước lâu hơn. 

Theo Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, AUKUS sẽ là một trong những cách hiệu quả nhất để làm phức tạp các kế hoạch quân sự của ĐCSTQ. Mỹ và Úc cũng thông báo rằng họ sẽ tăng cường luân chuyển các lực lượng trên không, trên bộ và trên biển của Mỹ tại Úc, đồng thời xây dựng một sân bay ở miền bắc nước Úc để vận hành máy bay ném bom B52 có khả năng hạt nhân.

Mỹ, Anh và Úc cho biết trong một tuyên bố chung tháng 3 năm nay rằng để đẩy nhanh quá trình phát triển đào tạo nhân lực tàu ngầm của Úc, bắt đầu từ năm 2023, quân đội và nhân viên dân sự Úc sẽ đóng quân trong Hải quân Mỹ và các căn cứ công nghiệp tàu ngầm của Mỹ và Anh.

Những xung đột thường xuyên ở Biển Đông giữa ĐCSTQ và Philippines đã đưa Tổng thống Philippines Marcos đến gần hơn với Mỹ. Hai nước thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung. Mỹ cũng đang tích cực thảo luận với Philippines để Philippines cho phép quân đội Mỹ mở thêm căn cứ. Tháng 4 năm nay, Philippines đã công bố vị trí của 4 căn cứ chiến lược bổ sung cho quân đội Mỹ, trong số đó có 2 nơi nằm trên đảo Luzon gần Đài Loan hơn. Philippines cho biết những địa điểm này có tầm quan trọng chiến lược. Các chuyên gia tin rằng đảo Luzon có thể giúp Mỹ chống lại cuộc đổ bộ xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ khi chiến tranh ở eo biển Đài Loan nổ ra.

Tại Nhật Bản, Mỹ đã công bố kế hoạch cải tổ hiện diện quân sự ở Okinawa, bao gồm trang bị cho lực lượng hàng hải khả năng hỏa lực tầm xa có thể tấn công tàu. Khả năng này sẽ đóng vai trò then chốt nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan.

Mỹ cũng công bố những đảm bảo an ninh mới tại Hàn Quốc. Vào tháng 7, Hàn Quốc đã lần đầu tiên sau 4 thập niên cho phép một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân của Hải quân Mỹ được cập cảng Hàn Quốc.

Quan trọng hơn, Mỹ tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên mới với Hàn Quốc và Nhật Bản. Tháng 8 năm nay, tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Trại David ở Mỹ, ba nước đã lên án “hành vi nguy hiểm và hung hăng” của ĐCSTQ ở Biển Đông và cam kết tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế để giải quyết các thách thức trong khu vực.

Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ với Mỹ. Tháng 9 năm nay, trong chuyến thăm mang tính lịch sử của Tổng thống Mỹ Biden, Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện”. Giới chuyên gia chỉ ra động thái cho thấy Việt Nam quan ngại sâu sắc về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi tháng 9/2023. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Về vấn đề Đài Loan, chính quyền Tổng thống Biden đã tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, phê duyệt hơn 3 tỷ USD chuyển giao vũ khí và cho phép các quan chức Mỹ gặp gỡ tự do hơn với những người đồng cấp Đài Loan.

Đối với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đã mang lại những lợi ích kinh tế nhất định. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến một số nước Đông Nam Á được cho là điểm đến thay thế trong sản xuất.

“Với sự đa dạng hóa đầu tư từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc…, một số nước Đông Nam Á sẽ trở thành những nước được hưởng lợi chính. Nhiều nguồn đầu tư vốn dĩ chảy vào Trung Quốc nhưng lại chảy vào các nước như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, và ở một mức độ nào đó là Philippines và Malaysia”, phó giáo sư Ja-Ian Chong tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Quần đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ

Mỹ cũng đã mở rộng dấu ấn quân sự và ngoại giao tại các quốc đảo Thái Bình Dương. Tháng 5/2023, Mỹ đã ký một thỏa thuận an ninh với Papua New Guinea, cho phép Mỹ “tiếp cận không giới hạn” tới một số sân bay và cảng biển lớn của quốc gia Thái Bình Dương này, đồng thời mở lại đại sứ tại Quần đảo Solomon sau 30 năm vắng bóng. Mỹ cũng đã mở đại sứ quán ở Tonga và đang đàm phán với Kiribati và Vanuatu để tăng cường quan hệ ngoại giao ở những nước này. Tại Washington, Tổng thống Biden cũng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo đảo Thái Bình Dương mang tính lịch sử, cam kết trong thập kỷ tới viện trợ mới 810 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm cả việc giải quyết mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu.

Ấn Độ vốn theo chính sách không kết đồng minh cũng đã tăng cường hợp tác với Mỹ. Bốn nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã nhiều lần tổ chức Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad), nhằm tăng cường hợp tác sâu sắc hơn trong các vấn đề khu vực và tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thống nhất chặt chẽ hơn. ĐCSTQ đã nhiều lần phàn nàn rằng Bộ tứ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, là phiên bản châu Á của NATO và gây bất lợi cho Bắc Kinh.

Tháng 6 năm nay, Tổng thống Biden đã mời Thủ tướng Modi đến thăm cấp nhà nước tới Mỹ và đón tiếp với quy cách ngoại giao cao nhất, bao gồm một buổi lễ chào mừng hoành tráng và một bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước. Trước chuyến thăm, ông Modi ca ngợi mức độ tin cậy lẫn nhau chưa từng có giữa Ấn Độ và Mỹ.

Mặc dù các quan chức Mỹ tuyên bố rằng chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ không liên quan gì đến việc đối đầu với ĐCSTQ hay nhằm gửi thông điệp tới Bắc Kinh, nhưng vào thời điểm đó tờ WSJ cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực liên kết cùng Ấn Độ trong các vấn đề như như quốc phòng và công nghệ để ngăn chặn ĐCSTQ.

Trương Đình, theo Al Jazeera

Trương Đình

Published by
Trương Đình

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

4 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

5 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

5 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

6 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

7 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

8 giờ ago