Bộ quốc phòng Anh: Nga sắp hết nguồn UAV tự sát của Iran; Giáo hoàng Phanxicô so sánh cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine với diệt chủng của Stalin; Hàng loạt cuộc tấn công của Nga khiến Ukraine chìm trong bóng tối, ít nhất 7 người thiệt mạng; Nghị viện châu Âu chỉ định Nga là ‘nước tài trợ khủng bố’; Bạo lực nổ ra dữ dội tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới tại Trung Quốc; CĐV Nhật Bản ở lại thu gom rác trên khán đài sau chiến thắng trước tuyển Đức … là những tin tức nổi bật trong Bản tin sáng ngày 24/11 của Trí Thức VN
Một cuộc tấn công dữ dội mới của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine hôm Thứ Tư đã gây ra tình trạng mất điện trên khắp đất nước này — và ở nước láng giềng Moldova —; càng làm cho hệ thống điện vốn bị hư hại nặng nề của Ukraine trở nên nguy cấp hơn và gây thêm khốn khổ cho dân thường khi mùa đông khắc nghiệt đang đến.
Các quan chức Ukraine cho biết các cuộc tấn công của Nga đã giết chết 7 người và làm bị thương hơn 30 người khác. Con số thương vong thực tế dự kiến sẽ cao hơn. Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) nói rằng, tên lửa trong đêm của Nga đã tấn công vào một nhà hộ sinh ở miền nam Ukraine, giết chết một em bé sơ sinh.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, có khoảng 70 tên lửa hành trình Kalibr đã được Moscow phóng đến từ lãnh thổ Nga, trong đó 51 quả đã bị Ukraine đánh chặn, phá hủy.
“Việc sát hại dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự là hành động khủng bố”, Tổng thống Ukraine Zelensky viết trên Twitter. “Ukraine sẽ tiếp tục yêu cầu một phản ứng quyết đoán từ thế giới đối với những tội ác này.”
Trong khi đó, các quan chức Moldova cho biết, hơn một nửa đất nước của họ cũng bị mất điện, đây là lần đầu tiên một quốc gia láng giềng báo cáo thiệt hại lớn như vậy kể từ khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu từ tháng 2 năm nay.
Nghị viện châu  đã quyết định chỉ định Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố, cáo buộc lực lực quân sự nước này đã “thực hiện hành động tàn bạo” tại Ukraine.
“Các cuộc tấn công có chủ đích và hành động tàn ác mà Nga thực hiện nhằm vào dân thường Ukraine cùng việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự và các vi phạm nghiêm trọng khác về nhân quyền, luật nhân đạo quốc tế, đều là hành động khủng bố”, nghị quyết do Nghị viện châu Âu thông qua có đoạn.
Động thái này được cho chủ yếu mang tính biểu tượng vì Nghị viện châu Âu không có khung pháp lý để hỗ trợ. Tuy vậy, Nghị viện châu Âu kêu gọi chính phủ của 27 nước thành viên EU hành động theo họ.
Cho đến hiện tại, EU đã áp 8 vòng trừng phạt Nga, nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng như các quan chức cấp cao của nước này.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã ca ngợi động thái mới của Nghị viện châu Âu. “Nga phải bị cô lập ở mọi cấp độ và phải chịu trách nhiệm, để chấm dứt chính sách khủng bố từ lâu của họ ở Ukraine cũng như toàn cầu”, ông Zelensky cho biết.
Chính quyền Kyiv trước đó cũng đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế tuyên bố Nga là “nhà nước khủng bố” vì đã tấn công Ukraine.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã so sánh cuộc chiến của Nga ở Ukraine hiện tại với “nạn diệt chủng khủng khiếp” bằng nạn đói do nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin gây ra ở nước này cách đây 90 năm.
Trong bài diễn văn chung hàng tuần của mình, Giáo hoàng đã nói chuyện với hàng ngàn người tại Quảng trường Thánh Phêrô và đề cập đến “Holodomor”, hay sự kiện diệt chủng bằng cách sử dụng nạn đói nhân tạo, trong đó hàng triệu người Ukraine đã chết.
“Thứ Bảy này đánh dấu kỷ niệm cuộc diệt chủng khủng khiếp Holodomor, sự hủy diệt bởi nạn đói năm 1932-1933 do Stalin gây ra,” Đức Phanxicô nói.
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn diệt chủng này và chúng ta hãy cầu nguyện cho rất nhiều người Ukraine – trẻ em, phụ nữ, người già – những người ngày nay đang phải chịu tử vì đạo bởi quân xâm lược,”
Xem thêm video: Holodomor và diệt chủng bằng nạn đói tại Ukraine dưới thời Liên Xô
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga đã ‘gần như cạn kiệt’ nguồn cung máy bay không người lái do Iran chế tạo mà nước này đang sử dụng để tấn công sâu ở Ukraine.
Kể từ ngày 10 tháng 10, Nga đã tiến hành ít nhất 6 cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào lưới điện và các cơ sở hạ tầng khác của Ukraine, đồng thời sử dụng máy bay không người lái (UAV) để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine và tấn công sâu vào lãnh thổ của Kyiv. Các nhà phân tích tin rằng, Moscow đã sử dụng UAV để bù đắp cho sự thiếu hụt tên lửa hành trình.
Nhưng hiện tại, sau khi thực hiện hàng trăm cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ‘cảm tử’ Shahed-136 do Iran sản xuất, Bộ quốc phòng Anh cho biết nguồn cung UAV của Nga cũng đang dần cạn kiệt. Từ ngày 17/11 tới nay, Ukraine không ghi nhận thêm vụ tấn công nào bằng UAV tự sát của Nga.
“Điều này cho thấy Nga có thể đã gần cạn kho UAV, tuy vậy [Moscow] có thể sẽ tìm cách bổ sung. Tốc độ bổ sung kho UAV của Nga bằng cách mua từ nước ngoài có thể nhanh hơn việc sản xuất tên lửa hành trình mới trong nước”, báo cáo có đoạn.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, Vương quốc Anh sẽ chuyển 3 máy bay trực thăng vận tải hạng trung Sea King cho Ukraine, đánh dấu lần đầu London cung cấp máy bay có người lái cho Kyiv từ đầu chiến sự. Hải quân Anh sẽ đào tạo phi công và kỹ thuật viên cho Kyiv trong vòng 6 tuần để vận hành loại trực thăng này.
Theo truyền thông Anh, chiếc đầu tiên đã được bàn giao cho quân đội Ukraine.
Ông Wallace cũng cho biết thêm rằng, 10.000 viên đạn pháo đã được gửi đến để giúp Ukraine bảo vệ lãnh thổ mà nước này đã chiếm lại từ Nga.
“Sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine là không thể lay chuyển. Những quả đạn pháo bổ sung này sẽ giúp Ukraine bảo vệ vùng đất mà họ đã giành lại từ Nga trong những tuần gần đây,” ông Wallace nói trong chuyến thăm Na Uy.
Mỹ đã duyệt thêm khoản viện trợ quân sự bổ sung 400 triệu USD cho Ukraine, bao gồm các vũ khí, đạn dược và thiết bị phòng không bổ sung từ kho của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Chính quyền Biden cho đến nay đã cung cấp 19,7 tỷ đô la hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong thời gian cần thiết để nước này có thể tiếp tục tự bảo vệ mình và có vị thế mạnh nhất có thể trên bàn đàm phán khi thời điểm đến. Chúng tôi đoàn kết với Ukraine,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói trong một tuyên bố.
Một nhân viên tại siêu thị Walmart ở thành phố Chesapeake, Virginia của Mỹ đã bắn chết 6 người và làm bị thương 6 người khác.
Cảnh sát đã tới hiện trường ngay sau khi người này nổ súng bắn vào các đồng nghiệp của mình. Sau đó, anh ta quay súng tự sát.
Hiện chưa rõ động cơ của vụ nổ súng. Cảnh sát không tìm kiếm bất kỳ ai khác có liên quan đến vụ tấn công.
Các nhà chức trách Mỹ đã xác định được tay súng là Andre Bing, 31 tuổi. Họ nói rằng anh ta đã sử dụng một khẩu súng ngắn cùng nhiều băng đạn.
Walmart nói rằng Andre Bing đã làm việc tại siêu thị từ năm 2010, và là một quản lý ca. “Chúng tôi tập trung làm mọi thứ có thể để hỗ trợ các nhân viên và gia đình của họ”, công ty cho biết.
Bạo lực đã xảy ra tại nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, nơi sản xuất iPhone. Trong loạt video được đăng tải trên Weibo và Twitter, hàng trăm công nhân Foxconn đã biểu tình, trong đó một số người đối đầu với lực lượng cảnh sát chống bạo động cùng những người mặc đồ bảo hộ. Một số công nhân hô lên “trả lương cho chúng tôi” hay phàn nàn rằng họ bị buộc phải ở chung ký túc xá với những đồng nghiệp đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Vũ Hán.
Nhiều nhân viên Foxconn đã bị cảnh sát vũ trang cầm gậy đánh đập hoặc đánh tập thể, một số nhân viên bị đánh gục xuống đất nhưng thậm chí còn bị đá bồi thêm vài cái.
Gã khổng lồ công nghệ Foxconn xác nhận đụng độ xảy ra là do nhân công bất bình về tiền lương và các điều kiện trong nhà máy, nhưng phủ nhận thông tin rằng họ đã để những nhân viên mới tuyển dụng ở cùng khu với những người dương tính nCoV tại nhà máy.
Foxconn gần đây ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tại nhà máy ở Trịnh Châu gia tăng, khiến tập đoàn này phải áp lệnh phong tỏa khu vực rộng lớn này nhằm kiểm soát dịch bệnh. Kể từ đó nhà máy khổng lồ với khoảng 200.000 nhân công đã hoạt động trong điều kiện khép kín.
Tháng này xuất hiện nhiều hình ảnh cho thấy các công nhân tại nhà máy của Foxconn tháo chạy, sau khi cáo buộc điều kiện cơ sở vật chất tồi tệ. Nhiều nhân viên nhà máy cho biết rằng, đã xảy ra tình trạng “hỗn loạn và vô tổ chức” ở khu nhà xưởng cũng như ký túc xá.
Như thường lệ, hình ảnh các cổ động viên bóng đá đến từ xứ sở mặt trời mọc không ra về luôn sau trận đấu, mà tình nguyện ở lại thu dọn rác trên sân vận động đã khiến họ nhận được rất nhiều lời khen ngợi.
Sau chiến thắng bất ngờ 2-1 của đội tuyển Nhật Bản trước đối thủ Đức, nhiều cổ động viên Nhật Bản được nhìn thấy đã ở lại, mang sẵn theo túi, len lỏi qua từng hàng ghế để thu gom rác.
Trước đó, trong trận cầu khai mạc giữa Qatar và Ecuador, các CĐV xứ hoa anh đào đến sân Al Bayat cũng để lại hình ảnh đẹp tương tự. Khi trận đấu kết thúc, nhiều người trong số họ đã nán lại sân để nhặt nhạnh chai lọ, giấy gói thức ăn hay cả những lá cờ mà CĐV hai đội bỏ lại.
“Văn hóa vệ sinh và tôn trọng mọi người của Nhật Bản thực sự tuyệt vời. Bóng đá châu Á muôn năm,” một người dùng mạng xã hội tán dương hành động của các fan hâm mộ Nhật Bản, theo Daily Mail.
Một người khác viết: “Người hâm mộ Nhật Bản thực sự là tuyệt nhất.”
Sau thất bại gây sốc trước Nhật Bản với tỉ số 1-2 trong trận ra quân bảng E World Cup 2022, nhiều người hâm mộ đã chỉ trích đội tuyển Đức đã “quá tập trung vào chính trị” vì hành động che miệng trước trận đấu.
Khi chụp hình trước trận đấu, 11 cầu thủ Đức đã tạo dáng bằng cách lấy tay che miệng. Động thái này được cho là nhằm phản đối việc thủ quân bị cấm đeo băng tay “One Love” cầu vồng thể hiện ủng hộ với sự đa dạng và cộng đồng LGBTQ.
FIFA trước đó cho biết bất cứ thủ quân nào dự World Cup mang băng trái quy định sẽ phải nhận thẻ vàng từ đầu trận.
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…