Bộ trưởng Văn hóa Ukraine Tkachenko đệ đơn từ chức khi Tổng thống Zelensky yêu cầu

Như thông báo cả trên FacebookTelegram của mình hôm 21/7, ông Oleksandr Tkachenko, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Chính sách Thông tin Ukraine đã đệ đơn từ chức do ông bị “hiểu lầm” về các vấn đề quỹ cho công tác văn hóa. Trong phát biểu hàng tối của mình hôm 20/7, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng ông đã nói chuyện với thủ tướng về các vấn đề quỹ và đề xuất với thủ tướng về phương án thay bộ trưởng văn hóa. Những tháng qua, ông Tkachenko nổi lên ở các phương tiện truyền thông như là người đứng ra đòi trục xuất các tu sỹ Tu viện Các hang động Kyiv từ hồi tháng 3, nhưng vẫn chưa ‘thành công’ hoàn toàn, mặc dù nhiều phần của tu viện nổi tiếng này đã bị chuyển cho nhà nước quản lý. Vấn đề quỹ cụ thể không được nói rõ ràng trong cả thông báo của ông Tkachenko và ông Zelensky.

Bộ trưởng Văn hóa Ukraine Tkachenko. (Ảnh cắt từ video)

Theo thông báo trên mạng xã hội của mình, ông Tkachenko có nói đến quỹ công và quỹ tư liên quan đến công tác văn hóa, và cho rằng ông có chủ trương khác với nhiều người khác, nhưng không nói cụ thể là các quỹ gì và khác biệt ở chỗ nào:

“Tôi đã đưa ra tuyên bố từ chức cho thủ tướng tối nay, do làn sóng hiểu lầm về tầm quan trọng của văn hóa trong chiến tranh. Rồi sau đó tôi đã rất ngạc nhiên bởi tuyên bố của tổng thống về cùng một vấn đề…

Cả quỹ tư nhân và quỹ ngân sách trong cuộc chiến văn hóa đều không kém phần quan trọng so với máy bay không người lái UAV, bởi vì văn hóa là lá chắn bảo vệ bản sắc và biên giới của chúng ta. Và đây là vị trí nguyên tắc của tôi chống lại những người khác.”

Trong bài thuyết hàng tối, ông Zelensky cho rằng cần huy động các nguồn ngoài ngân sách [cho công tác văn hóa], nhưng cũng không nói rõ cụ thể đó là các quỹ gì.

“Tôi đã đề xuất với thủ tướng [về chủ trương] 2-bước. Thứ nhất là tìm nguồn vốn ngoài ngân sách cho các dự án thực sự cần thiết hiện nay. Có những người trên thế giới có thể giúp đỡ. Thứ hai, tôi đã đề nghị thủ tướng xem xét thay thế Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Chính sách Thông tin của Ukraine.”

Có thể vấn đề thay thế bộ trưởng là liên quan đến nhiều hoạt động văn hóa khác, chứ không phải chỉ liên quan tới tu viện Kyiv Pechersk Lavra (gọi tắt là tu viện Kyiv) — tu viện gần 1.000 tuổi đời và được coi là biểu tượng của Chính thống Giáo Đông phương.

Tu viện Các hang động Kyiv (Kyiv Pechersk Lavra)

Toàn cảnh tu viện Kyiv Pechersk Lavra (Tu viện Các hang động), lịch sử 1.000 được UNESCO công nhận là di sản thế giới, và từng là trung tâm của Chính thống Giáo Đông phương. (Nguồn: Falin/ Wikimedia)

Tuy nhiên những tháng qua, ông Zelensky đã lên tiếng muốn “độc lập tinh thần” và ông Tkachenko kể từ tháng 3 đã triển khai các hoạt động để trục xuất các tu sỹ của Giáo hội Chính thống UOC khỏi tu viện. Các tu sỹ này đã sống ở tu viện từ năm 1988, khi nó được chính quyền Gorbachev trả lại cho người Kitô giáo, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Chính thống Giáo đặt chân tới xứ này, với lễ rửa tội ở Kyiv được ghi chép trong các tài liệu lịch sử.

Ngoài lý do về “độc lập tinh thần” vì giáo hội ‘UOC là thân Nga’ theo cách miêu tả của truyền thông và giới chính khách Kyiv, hoặc các lý do liên quan đến tinh thần khác, thì về phương diện tài chính, việc thu hồi Tu viện Kyiv về cho nhà nước đã được kỳ vọng là sẽ có tiềm năng đem lại một nguồn thu.

Năm 1988, khi các tu sỹ UOC tiếp quản tu viện này, nó ở trạng thái xuống cấp cực kỳ nghiêm trọng, vì dưới thời những người cộng sản vô thần của Liên Xô quản lý, họ coi đó như một viện bảo tàng, và không có chăm sóc. Thời chiến tranh Đại Thế chiến II cũng khiến nhiều nơi bị hư hại, sau đó cũng không được sửa chữa hay trùng tu một cách thích đáng.

Nhưng qua những hình ảnh hiện nay của Tu viện, có thể thấy rõ ràng đây là 1 trong những tu viện rất đẹp, là một điểm du lịch có tính biểu trưng của Kitô Giáo tầm cỡ quốc tế. Mỗi lần có sự kiện tôn giáo, dù là sự kiện khá bình thường, thì con số tín đồ tham dự đều lên tới hàng ngàn. Đây là công sức của 200 tu sỹ UOC và gần 1.000 những người phục vụ của tu viện làm được trong hàng chục năm kể từ 1988.

Hồi tháng 3, ông Tkachenko yêu cầu các tu sỹ UOC phải rời khỏi tu viện với lý do là hợp đồng thuê miễn phí đã kết thúc. Bấy giờ cũng là lúc ông Zelensky đưa ra thông điệp “độc lập tinh thần” và ám chỉ phải thay UOC (được cho là thân Nga) bằng một giáo hội khác mang tên rất giống là OCU, vốn được thành lập vào tháng 12/2018 dưới thời Tổng thống Petro Poroshenko, và được giới chính khách Kyiv miêu tả là giáo hội của người Ukraine.

Hôm 20/3, phái đoàn gần chục các cụ già cỡ 75–80 tuổi của UOC đã tới văn phòng tổng thống ở Kyiv nhằm tìm phương án giải quyết vấn đề tu viện, nhưng không được tiếp đón. Sau sự kiện được coi là sỉ nhục này, UOC đưa đơn kiện lên tòa án Kyiv và vấn đề Tu viện Kyiv trở thành bài toán tranh chấp quyền sở hữu và quyền sử dụng.

Cho đến tận hôm nay, sau phiên tòa gần đây nhất vào ngày 20/7, vụ việc vẫn chưa kết thúc.

Thời gian qua, ông Tkachenko đã dùng các biện pháp khác nhau để cưỡng bức ‘thu hồi’ tu viện từ UOC. Từ tháng 4, cảnh sát vũ trang đã tiến vào khuôn viên Tu viện để cưỡng bức lấy lại nhiều tòa nhà để chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý — Cục Bảo tồn Pechersk Lavra, trực thuộc Bộ Văn hóa. Bất chấp Tu viện Kyiv, do đặc thù về tính biểu tượng của mình, là nơi có du khách quốc tế cũng như có các phóng viên của truyền thông quốc tế.

Dù các phương tiện truyền thông phương Tây đang nhắm mắt làm ngơ trước việc đàn áp tôn giáo của chính quyền Zelensky, thì các hình ảnh đàn áp tôn giáo liên quan đến Tu viện Kyiv nói riêng và liên quan tới UOC —Giáo hội lớn nhất ở Ukraine trên thực tế— nói chung đã dần dần được đưa ra công chúng quốc tế. Điều này cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác với những gì truyền thông phương Tây tuyên truyền về một chính quyền dân chủ ở Kyiv và một Tổng thống anh hùng Zelensky. Mỹ và NATO từ luôn lấy khẩu hiệu ‘bảo vệ chế độ dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ’ làm lý do đưa cả trăm tỷ đô la vũ khí vào Ukraine.

Về phương diện tài chính. Từ khi Cục Bảo tồn Ukraine tiếp quản rất nhiều các cơ sở của tu viện, thì hầu hết các tín đồ không tới nơi mà Cục quản lý. Mặc dù theo chính sách của ông Tkachenko, các dịch vụ tôn giáo ở đó vẫn được OCU —giáo hội mới— triển khai. Thực tế cho thấy các tín đồ Kyiv vẫn đến với UOC, giáo hội vốn có ở tu viện này.

Có lẽ vì điều này mà nguồn thu tài chính hoàn toàn không đạt được như kỳ vọng ban đầu. Cục đã từng có yêu cầu tới Bộ Văn hóa cung cấp tài chính để bảo trì bảo tồn cho tu viện mà Cục gọi là ‘bảo tàng’, vì cục không cách nào có được nguồn thu đủ cho hoạt động này.

Ông Tkachenko từng tuyên bố tu viện sẽ hoạt động như một viện bảo tàng, và là nơi thích hợp cho các hoạt động ‘văn hóa’ như hội thảo chuyên đề, hay thậm chí cả hòa nhạc. Cục cũng cho bán vé trên mạng Internet để cho khách tham quan thuận tiện hơn cho việc mua vé và tham quan ‘bảo tàng’ này. Nhưng vấn đề là các tín đồ vẫn đến với UOC chứ không phải đến với Bộ Văn hóa và OCU.

Ông Tkachenko từng là một người tham gia tích cực trong việc vận động cho OCU để có được sự thừa nhận từ Giáo hội Chính thống Constantinople vào năm 2019. Kể từ sau vụ ông Tkachenko đòi trục xuất UOC khỏi Tu viện Kyiv và thậm chí đứng ra tuyên bố rằng những ai của UOC mà đồng ý cải đạo chuyển sang OCU thì sẽ được ở lại. Thực tế đã có ít nhất 1 người làm theo lời kêu gọi này của ông Tkachenko, và người đó sau khi phản bội UOC đã được OCU tấn phong làm tu viện trưởng Tu viện Kyiv (điều mà UOC đương nhiên không thừa nhận).

Ông Tkachenko từ đó đã được UOC coi là thành phần thiên vị cho giáo hội đối đầu OCU, chứ không phải là một bộ trưởng trung lập, như điều mà một quan chức chính quyền nên có. Như một động tác trả đũa, UOC đã vận động mở một cuộc trưng cầu qua mạng Internet ở Quốc hội —đây là theo luật của Ukraine— đề nghị cách chức bộ trưởng của ông Tkachenko, và chỉ không lâu sau đó thì trưng cầu này đã đạt đủ mốc 25.000 chữ ký.

Đạt đủ chữ ký thì Quốc hội phải trả lời. Quốc hội đã cho câu trả lời là bác bỏ yêu cầu này của nhân dân. Tuy rằng Quốc hội đã bác bỏ yêu cầu của nhân dân, nhưng uy tín của ông Tkachenko cũng vì điều này mà bị ảnh hưởng.

Tóm lại, nếu xét riêng vụ việc Tu viện Kyiv những tháng qua, thì ông Tkachenko tuy làm theo ý chỉ của ông Zelensky, và ‘thành công’ lấy lại được phần lớn các khu nhà của tu viện, nhưng cách làm của ông đã khiến ảnh hưởng lớn tới hình ảnh cao thượng của ông Zelensky mà các phương tiện truyền thông phương Tây đã dày công tạo dựng nên. Đồng thời ông Tkachenko đã thất bại trong việc giải bài toán tài chính của tu viện.

Biến Tu viện Các hang động Kyiv thành bảo tàng, kỳ thực đã là điều mà chính quyền Xô Viết từng làm 100 năm trước, và họ cũng không đạt được nguồn thu tài chính lớn gì từ một ‘bảo tàng’ theo cách làm như vậy.

Quan hệ của UOC với chính quyền Zelensky, vốn đã không tốt đẹp gì, đã tiếp tục trở nên xấu hơn, không chỉ vì ông Tkachenko. Đó là vận động của chính quyền Zelensky cho việc hợp pháp hóa gieo trồng và chế biến cần sa ở Ukraine.

Chỉ trong 1 giờ đồng hồ đã xuất hiện ít nhất thêm 6 bài liên quan đến cần sa ở Ukraine —theo Google tự động tìm kiếm— chủ yếu để chứng minh rằng cần sa không độc hại như người ta tưởng, và chính quyền Ukraine có năng lực kiểm soát thị trường cần sa (tiếng Việt trong hình là do chương trình dịch tự động của trình duyệt Chrome thực hiện, dịch từ tiếng Ukraine sang tiếng Việt).

Quyết tâm của chính quyền Zelensky về việc thông qua luật cần sa có thể thấy rõ ràng qua hoạt động truyền thông ở quốc gia này. Hôm nay (21/7) là đã gần 10 ngày kể từ ngày 13/7 Quốc hội thông qua lần 1 dự luật này. Để dự luật chính thức thành luật và có hiệu lực, thì nó cần được thông qua lần 2 và được tổng thống ký.

Một phép thử tìm kiếm bằng Google cho thấy chỉ trong 1 giờ đồng hồ, ở Ukraine đã xuất hiện 6 bài viết trên Internet liên quan tới cần sa. Có lẽ đó là giờ cao điểm, vào những ngày trước thì con số không cao như vậy, chỉ khoảng hơn chục bài 1 ngày. Tuy nhiên điều đó cho thấy quyết tâm của chính quyền Zelensky trong việc này.

Ngoài chính khách Yulia Tymoshenko cùng đảng của bà là những người phản đối dự luật này mạnh mẽ nhất, thì cũng có một số tiếng nói phản đối, ở mức độ thấp hơn và ở các mức khác nhau. Trong đó có giới tôn giáo và tín ngưỡng, gồm cả UOC.

Kitô Giáo dạy rằng con người nên nhẫn nhịn và hãy dựa vào niềm tin Chúa Kitô mỗi khi đối mặt những khó khăn trong đời. Chủ trương trồng và chế biến cần sa nhìn chung không khớp với tôn chỉ của tôn giáo phổ biến nhất Ukraine này.

Việc ông Zelensky quyết tâm định hướng cần sa dường như cho thấy ông đã không còn chú trọng con đường tâm linh trong sự nghiệp chính trị của mình, như ông từng miêu tả khẩu hiệu “độc lập tinh thần” mấy tháng trước.

Nhật Tân

Nhật Tân

Published by
Nhật Tân

Recent Posts

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

25 phút ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

56 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

1 giờ ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

2 giờ ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago