Các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông nói rằng họ được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm lịch sử tại Đài Loan hôm 6/6. Qua cuộc bỏ phiếu này, cử tri Đài Loan đã loại bỏ thành công thị trưởng thân Bắc Kinh vì ông này “không hoàn thành nhiệm vụ” dân cử.
Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), tổng thư ký đảng ủng hộ dân chủ Demosisto tối thứ Bảy (6/6), sau khi có kết quả bỏ phiếu tại Đài Loan, đã viết trên Twitter: “Hàn Quốc Du, nhân vật gắn kết với lợi ích của Trung Quốc chuyên chế, đã bị đá bay khỏi chức thị trưởng Cao Hùng bằng lá phiếu dân chủ”.
Hoàng Chi Phong viết thêm: “Một chiến thắng to lớn đối với nền dân chủ và một thông điệp rõ ràng từ người dân Đài Loan, nói ‘không’ với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Đài Loan”.
Tại thành phố Cao Hùng, miền nam Đài Loan, hôm 6/6 hơn 939.000 cử tri bỏ phiếu tán thành, trong khi hơn 25.000 người bỏ phiếu phản đối bãi nhiệm thị trưởng Hàn Quốc Du, thành viên Quốc Dân Đảng. Cuộc bỏ phiếu này đánh dấu lần đầu tiên một quan chức Đài Loan bị loại khỏi nhiệm sở theo cách này.
>>Cử tri Đài Loan bỏ phiếu bãi nhiệm thị trưởng thân Bắc Kinh
Cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm với đa số tán thành này được thúc đẩy một phần từ sự tức giận của người dân địa phương về quyết định của ông Hàn tham gia tranh cử tổng thống Đài Loan khi mới đắc cử thị trưởng Cao Hùng chưa được một năm. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Epoch Times tại Đài Loan, người dân địa phương nói rằng họ thất vọng khi ông Hàn đã dành nhiều thời gian cho chiến dịch tranh cử tổng thống, trong khi lại không hoàn thành những lời hứa cải thiện Cao Hùng khi ông vận động tranh cử năm 2018.
Ông Hàn đã thua trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1/2020 trước đương kim tổng thống Thái Anh Văn, thành viên của Đảng Dân Tiến.
Mối quan hệ gần gũi của ông Hàn với Bắc Kinh được biết rõ ở cả Đài Loan và Hồng Kông. Vào tháng 3/2019, chỉ một tháng sau khi thắng cử thị trưởng Cao Hùng, ông Hàn đã đi thăm Hồng Kông và hội đàm với lãnh đạo Đặc khu Carrie Lam thân Bắc Kinh và Wang Zhimin khi đó là giám đốc Văn phòng Liên lạc Hồng Kông, cơ quan đại diện của Bắc Kinh tại thành phố bán tự trị này.
Sau chuyến đi tới Hồng Kông và Ma Cao, ông Hàn cũng tới thăm thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, tại đây ông đã gặp ông Liu Yieyi, giám đốc Văn phòng Sự vụ Đài Loan, cơ quan trực thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ ông Hàn. Vài ngày sau khi ông Hàn gặp ông Liu năm 2019, Hoàn cầu Thời báo đã đăng bài viết ca ngợi những nỗ lực của ông Hàn trong việc “thúc đẩy mối quan hệ xuyên hai bờ eo biển”.
Gần đây nhất, hôm 5/6, một ngày trước cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm, Nhân dân Nhật báo đã đăng tải một bài bình luận ca ngợi những thành tựu của ông Hàn khi làm thị trưởng, đồng thời cáo buộc Đảng Dân tiến “cố tình triệt hạ” ông Hàn và chế nhạo nền dân chủ Đài Loan là “sự dối trá chính trị”.
Hoàn cầu Thời báo cũng đăng một bài viết về phát biểu nhượng bộ của ông Hàn sau khi có kết quả bỏ phiếu bãi nhiệm. Trong bài phát biểu này, ông Hàn đã quy thất bại của mình cho “những chỉ trích méo mó, vu khống và vô căn cứ”.
Thất bại của ông Hàn đã phản ánh sự phản kháng của công chúng đối với Bắc Kinh và đề xuất của họ về việc đưa Đài Loan về dưới sự quản lý của Trung Quốc Đại lục bằng mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Chế độ Trung Quốc đã áp dụng mô hình “một quốc gia, hai chế độ” để quản lý Hồng Kông sau khi chủ quyền của thành phố này được Anh Quốc trao lại cho Trung Quốc vào tháng 7/1997.
Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Sunny Cheung thông qua trang Facebook cá nhân vào tối 6/6 đã hoan nghênh kết quả bỏ phiếu bãi nhiệm tại Đài Loan. Ông nói rằng “không quá lời” khi gọi ông Hàn là người “làm việc cho” Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục ca ngợi những thành tích khi ông ta làm thị trưởng.
Ông Cheung cũng so sánh nền dân chủ Đài Loan – nơi mọi người có thể bỏ phiếu loại bỏ quan chức – với tình trạng hiện tại của Hồng Kông, nơi mà mô hình “một quốc gia, hai chế độ” đã “hoàn toàn biến mất”.
Lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam vẫn tiếp tục tại nhiệm cho dù tỷ lệ bất tín nhiệm của bà cao. Ông Cheung cho rằng bà Lam tại vị bởi vì bà có sự ủng hộ của Bắc Kinh.
Lãnh đạo Hồng Kông, được gọi là Trưởng Đặc khu, do 1.200 thành viên của ủy ban bầu cử chọn. Thành viên của ủy ban thân Bắc Kinh này phần lớn được chọn bởi một nhóm nhỏ các cử tri đủ điều kiện. Trong khi, dân số của cả Hồng Kông là gần 7 triệu người.
Ngoài ra, chỉ 35 trong tổng số 70 thành viên của cơ quan lập pháp Hồng Kông, được gọi là Hội đồng Lập pháp (LegCo) là do cử tri Hồng Kông bầu trực tiếp. Những ghế còn lại do một nhóm lợi ích đặc biệt chọn ra. Những người được chọn này sau đó sẽ là các nhà lập pháp thân Bắc Kinh.
“Không có dân chủ, thì không có cách nào để áp đặt cơ chế kiểm tra lên chính phủ đang hoạt động ngoài vòng kiểm soát”, ông Cheung viết, chỉ trích chính quyền Hồng Kông.
Nhà lập pháp của Đảng Dân sự ủng hộ dân chủ Alvin Yeung viết trên Facebook rằng người Hồng Kông cực kỳ ghen tị với người Đài Loan có quyền bầu cử trực tiếp.
Ông Yeung chỉ ra rằng các đảng phái chính trị ủng hộ dân chủ Hồng Kông từ lâu đã đấu tranh đòi quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu. Ông cũng đặt câu hỏi rằng liệu có phải các đảng chính trị thân Bắc Kinh sợ bầu cử trực tiếp bởi vì các ứng viên của họ không nhận được đa số ủng hộ của cử tri.
Trong các cuộc bầu cử ủy viên hội đồng quận tại Hồng Kông vào tháng Mười Một năm ngoái, các ứng viên ủng hộ dân chủ đã thắng đa số ghế. Đây là cuộc bầu cử trực tiếp duy nhất tại Hồng Kông.
Diễn đàn Báo chí Công dân, một nhóm vận động do người biểu tình Hồng Kông thành lập, đã phát hành một tuyên bố chúc mừng người dân Cao Hùng, Đài Loan, nói rằng họ đã bảo vệ được quê nhà thông qua sử dụng lá phiếu chống lại “bộ máy thống nhất tàn bạo” của Trung Quốc.
Tuyên bố của Diễn đàn Báo chí Công dân nói thêm rằng những người biểu tình Hồng Kông sẽ ghi nhớ các quyền tự do của Đài Loan khi họ tiếp tục vận động cho một nền dân chủ lớn hơn nữa tại hòn đảo từng là thuộc địa của Anh Quốc này.
Thành viên đảng ủng hộ dân chủ Demosisto, Nathan Law viết trên Facebook cá nhân: “Khi chúng ta giải phóng Hồng Kông thành công, tôi hy vọng rằng Hồng Kông sẽ được giống như Đài Loan hôm nay, khiến những người khác phải ghen tị”.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…