Tòa án Tối cao Campuchia hôm thứ Năm (16/11) đã ra phán quyết cấm đảng Cứu Quốc đối lập (CNRP) hoạt động. Động thái này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Washington tuyên bố sẽ có “những bước đi cụ thể” phản đối Phnom Penh, trong khi Brussels đe dọa sẽ xóa bỏ các ưu đãi thương mại với chế độ của Thủ tướng Hun Sen.
Lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt xung quanh Tòa án Tối cao Campuchia trong buổi tuyên bố giải tán đảng CNRP hôm 16/11
Reuters cho hay lệnh cấm CNRP hoạt động của tòa án Campuchia theo sau việc lãnh đạo của đảng đối lập này là ông Kem Sokha bị bắt giam với cáo buộc tội “phản quốc” từ tháng 9/2017.
Ông Kem Sokha bị buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền của Thủ tướng Hun Sen với sự trợ giúp của Hoa Kỳ.
Trước thông tin đảng CNRP bị giải tán, mọi hoạt động tại thủ đô Phnom Penh vẫn diễn ra bình thường. Phóng viên Reuters ghi nhận không có các cuộc biểu tình và nhiều người dân nói rằng họ sợ không dám lên tiếng về vấn đề này.
Các thành viên đảng CNRP đã không đến trụ sở làm việc hôm thứ Sáu (17/11) và hiện chỉ có các nhân viên an ninh túc trực tại đây. Một nhân viên an ninh nói với Reuters rằng: “Họ lo lắng cho an toàn cá nhân”.
Nhiều người đã lên án Thủ tướng Hun Sen cưỡng bức giải tán đảng đối lập CNRP để dọn đường cho việc ông tiếp tục tái cử vào năm 2018 sau hơn 30 cầm quyền và đó là dấu chấm hết cho nền Dân Chủ mà quốc gia Đông Nam Á này nỗ lực thiết lập từ năm 1993.
>>Thủ tướng Campuchia Hun Sen: Tôi sẽ cầm quyền thêm 10 năm
Phát ngôn viên chính phủ Hoa Kỳ hôm thứ Sáu (17/11) đã nói rằng: “Với tình hình hiện tại, cuộc bầu cử [tại Campuchia] vào năm tới sẽ không hợp pháp, tự do và công bằng” và hứa hẹn sẽ có “những bước đi cụ thể” để phản đối Phnom Penh.
Một trong những bước đi đầu tiên mà Washington sẽ thực hiện là chấm dứt ủng hộ Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử 2018, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc tiết lộ.
Trong khi đó, tại trụ sở EU ở Brussels, phát ngôn viên của Liên minh Châu Âu cũng nói rằng cuộc bầu cử sắp tới tại Campuchia có thể là bất hợp pháp nếu không có phe đối lập và lưu ý rằng việc tôn trọng nhân quyền là điều kiện tiên quyết để Phnom Penh tiếp cận các ưu đãi thương mại từ EU chiếu theo chương trình “Mọi thứ trừ Vũ khí”.
Được biết, Campuchia đang được hưởng các ưu đãi lớn về chính sách thuế từ EU và cả Hoa Kỳ. Điều này giúp cho chính quyền của Thủ tướng Hun Sen phát triển mạnh ngành công nghiệp dệt may dựa trên chi phí nhân công thấp. Hàng dệt may xuất sang thị trường EU và Mỹ chiếm tới 60% tổng sản lượng xuất khẩu mặt hàng này của Campuchia.
Trong một bước đi mang tính biểu tượng, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết kêu gọi Bộ Tài chính và Ngoại giao xem xét liệt các quan chức Campuchia vào danh sách lạm dụng nhân quyền để chịu chế tài phong tỏa tài sản và cấm di trú.
Các lãnh đạo CNRP trước đây phản đối quốc tế trừng phạt Campuchia, nhưng hiện nay đã công khai ủng hộ các biện pháp chế tài này.
Ông Mu Sochua, trợ lý của ông Kem Sokha nói với Reuters rằng: “Các biện pháp trừng phạt là đòn bẩy tốt nhất để tiến tới đàm phán về các cuộc bầu cử rộng rãi, tự do và công bằng”.
Trong khi đó, chính phủ Hun Sen phản đối mạnh mẽ động thái mới nhất của Mỹ. Ông Huy Vannak, Thứ trưởng Bộ Nội vụ – nhân vật thân cận của ông Hun Sen cho hay nghị quyết của Thượng viện Mỹ đưa ra “không dựa trên bằng chứng và các thông tin từ tòa án”.
“Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ xem xét đến mối quan hệ song phương toàn diện với Campuchia và tiếp tục hợp tác vì lợi ích chung của hai nước”, ông Huy Vannak nói thêm.
Thủ tướng Hun Sen chưa có phát ngôn chính thức liên quan đến các tuyên bố mới nhất của EU và Mỹ.
Hùng Cường
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…