Joe Felter cho hay Mỹ quan ngại về các phúc trình cho rằng Bắc Kinh đã triển khai tên lửa tới ba tiền đồn ở Quần đảo Trường Sa, Biển Đông.
Phó phụ tá cho Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á Joe Felter cáo buộc Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động kinh tế cá lớn nuốt cá bé tại Ấn Độ Dương và tỏ ra quan ngại trước thông tin Bắc Kinh đã triển khai tên lửa tới các đảo nhân tạo trên biển Đông.
“Đây rõ ràng trông giống một nỗ lực để quân sự hóa các thực thể còn đang tranh chấp ở biển Đông, và chúng tôi không ủng hộ điều đó. Chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp này”, ông Felter nói hôm thứ Sáu.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa các tên lửa chống hạm và chống phi cơ ra các đảo ở Trường Sa, nơi mà Philippines và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc chiếm các đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988 sau trận hải chiến Gạc Ma và Cô Lin. Những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng cải tạo ba thực thể ở Trường Sa là Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi. Các hình chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc cơ bản đã hoàn thành việc bồi tụ và xây dựng các kết cấu quân, dân sự trên ba hòn đảo này, bao gồm các đường băng dài đủ sức phóng, hạ máy bay quân sự, ra-đa và các nhà chứa máy bay.
Tin tức về tên lửa của Trung Quốc xuất hiện sau khi nước này tiến hành một loạt các cuộc tập trận bắn đạn thật trong thời gian một tuần tại biển Đông hồi tháng trước.
Hôm thứ Năm, Nhà Trắng cảnh báo việc Trung Quốc đưa tên lửa ra biển Đông sẽ “có hậu quả trong ngắn hạn và dài hạn”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói: “Chúng tôi biết rõ hoạt động quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc. Chúng tôi đã dấy lên quan ngại trực tiếp với Trung Quốc về điều này và sẽ có các hậu quả ngắn và dài hạn”.
Trên kênh CNBC, Greg Poling chuyên gia về Biển Đông tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, Washington, nhận định: “Có thể xem là Trung Quốc đang vượt qua một ngưỡng quan trọng. Các dàn tên lửa đó rõ ràng là một mối đe dọa tấn công đối với các bên tranh chấp khác, đồng thời đưa Trung Quốc gần thêm đến mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng biển và vùng trời ở Biển Đông”. Chuyên gia Poling nhấn mạnh, giờ đây, bất kỳ tàu bè hay phi cơ hoạt động gần khu vực Trường Sa đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.
Hiện chưa biết Bắc Kinh triển khai bao nhiêu tên lửa ở Trường Sa, nhưng với hệ thống vũ khí này, quân đội Trung Quốc nay không chỉ đủ sức tự vệ, mà còn có khả năng tấn công các đảo mà các nước tranh chấp khác đang nắm giữ ở Biển Đông. Nhưng rất có thể là Bắc Kinh sẽ không dừng ở đó. Theo dự báo của bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của CSIS, sau tên lửa, bước kế tiếp sẽ là triển khai chiến đấu cơ, giống như Trung Quốc đã làm ở Hoàng Sa.
Hoa Kỳ không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, và cũng tuyên bố đứng trung lập, không ủng hộ bên nào, tuy nhiên khẳng định sẽ bảo vệ đến cùng quyền tự do lưu thông hàng hải và không lưu trên lộ tuyến đông đúc nhất thế giới này.
Hồi tháng 3, Mỹ điều một tàu khu trục tiến vào phạm vi 12 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn khiến Trung Quốc tức giận, cáo buộc Mỹ là “khiêu khích quân sự nghiêm trọng”.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, lướt sóng và hoạt động ở bất cứ đâu mà chúng tôi được phép …chúng tôi khuyến khích các nước khác cũng thực hành quyền này theo luật pháp quốc tế”, ông Felter nói.
Sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Mỹ áp dụng chiến lược mới về vùng “Ấn Độ – Thái Bình Dương”, một nỗ lực nhằm kết nối một khu vực rộng lớn hơn làm cơ sở để cân bằng với sức mạnh ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên biển và đất liền.
Felter cho rằng một số hành động của Bắc Kinh tại Nam Thái Bình Dương là “không nhất quán” với những cam kết hòa bình. Ông nêu cụ thể việc Trung Quốc triển khai quân sự tới Djibouti hồi năm ngoái và tới các cảng Hambantora ở Sri Lanka và Gwadar ở Pakistan cũng như Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan là hành vi kinh tế “cá lớn nuốt cá bé”.
“Ở Nam Á, chúng tôi đã nghe được những tin tức không hài lòng về hành vi ăn thịt kinh tế của Trung Quốc – họ cũng đang cố gia tăng sự hiện diện theo cách mà chúng tôi cho rằng không nhất quán với lợi ích của những nhà nước và quốc gia ở đó”.
Washington cũng từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về tham vọng mở rộng quyền lực địa chính trị và kinh tế của Bắc Kinh, trong đó chủ yếu nhắm vào các quốc gia nghèo và gia tăng gánh nặng nợ nần cho các quốc gia này.
“Điều Trung Quốc đang làm … chúng tôi không cho rằng nó là vì lợi ích của trật tự dựa theo pháp luật mà chiến lược của chúng tôi đang khuyến khích”, ông Felter nói.
Trọng Đức
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…