Từ lòng hồ chứa nước nứt nẻ của Tây Ban Nha đến mực nước hàng loạt các con sông khác như Danube, Rhine, Loire, Po… phải chứng kiến cảnh thấp nghiêm trọng, cho thấy đợt hạn hán hiếm thấy này đang “vắt kiệt” gần một nửa Châu Âu. Các chuyên gia cho rằng Châu Âu có thể phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm.
Hình ảnh ngày 25/7/2022 cho thấy lòng sông Rhine khô cạn phần ở Düsseldorf miền tây nước Đức. (Nguồn: INA FASSBENDER / AFP qua Getty Images)
Hãng tin AP cho biết trong gần 2 tháng qua, các khu vực phía tây, trung tâm và nam của lục địa Châu Âu hầu như không có mưa. Tại nước Anh thường xuyên mưa nhiều thì trong năm nay đã trải qua một trong những mùa hè nóng và khô hạn nhất. Vào ngày 12/8, Chính phủ Anh đã chính thức tuyên bố hạn hán ở miền nam và miền trung nước này.
Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình hình với nhiệt độ cao làm tăng tốc độ bốc hơi, thực vật khát hấp thụ nhiều nước hơn và tuyết rơi ít hơn vào mùa đông, hạn chế nguồn nước ngọt để tưới vào mùa hè. Châu Âu không phải là nơi duy nhất gặp khủng hoảng. Tình trạng hạn hán cũng đã được báo cáo ở Đông Phi, miền Tây nước Mỹ và miền Bắc Mexico.
Hạn hán không chỉ tàn phá nền kinh tế trang trại và buộc người dân hạn chế sử dụng nước, còn gây ra cháy rừng và đe dọa đời sống thủy sinh.
Thị trấn Lux ở vùng Burgundy của Pháp từng có dòng sông Tille chảy qua, giờ chỉ còn lại lòng sông khô cạn. Dòng sông uốn khúc giữa những hàng cây, giờ đã phủ lớp trắng đất bụi và hàng ngàn con cá chết phơi.
Jean-Philippe Couasne, chuyên gia kỹ thuật của Liên đoàn Nghề cá và Bảo vệ Môi trường Thủy sản địa phương, đã đi bộ trên lòng sông rộng 15 mét và liệt kê các loài cá chết. “Thật đau lòng, ở đây vốn trung bình có khoảng 8.000 lít nước chảy mỗi giây…. Bây giờ không có gì”, ông nói.
Ở các khu vực thượng nguồn, một số cá hồi và các sinh vật nước ngọt khác có thể thông qua thang cá (cấu trúc nằm trên hoặc nằm xung quanh một bờ cản nhân tạo như đập nước và đập chìm để tạo điều kiện cho sự di cư tự nhiên của các loài cá), bơi đến trú ẩn trong các hồ bơi. Nhưng không phải ở đâu cũng có những hệ thống như vậy. Couasne cho biết:
“Các con sông sẽ tiếp tục cạn kiệt nếu không có mưa và toàn bộ cá sẽ chết… Chúng bị mắc kẹt ở thượng nguồn và hạ lưu mà không có nước chảy vào, trong tình trạng ngày càng ít nước hơn thì nồng độ oxy sẽ tiếp tục giảm, các loài sẽ dần biến mất”.
Người phụ trách Jean-Pierre Sonvico chỉ ra rằng việc chuyển cá qua các con sông khác cũng sẽ không giúp ích được gì, bởi vì các tuyến đường thủy ở đó cũng bị ảnh hưởng.
Tuần trước, Trung tâm Nghiên cứu Chung (JRC) của Ủy ban Châu Âu cảnh báo rằng tình trạng hạn hán sẽ trở nên tồi tệ hơn và có thể ảnh hưởng đến 47% lục địa.
Nhà nghiên cứu Andrea Toreti tại Đài quan sát Hạn hán Châu Âu (European Drought Observatory) nói rằng hạn hán năm 2018 là cực đoan chưa từng thấy trong 500 năm, “nhưng năm nay, tôi nghĩ nó thực sự tồi tệ hơn”.
Trong 3 tháng tới, “chúng tôi dự đoán nguy cơ hạn hán ở Tây và Trung Âu và Vương quốc Anh vẫn rất cao”, chuyên gia Andrea Toreti nói.
Nhà khí tượng học Peter Hoffmann tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Potsdam Institute for Climate Impact Research) ở gần Berlin cho biết, tình trạng hiện nay là vì vấn đề biến đổi khí hậu trên khắp thế giới gây thời tiết khô hạn kéo dài. Ông nói: “Đó chỉ là chúng ta cảm thấy điều đó nhiều nhất vào mùa hè, nhưng thực tế hạn hán đang trở nên tồi tệ hơn quanh năm”.
Hạn hán đã dẫn đến khan hiếm nước ở một số nước Châu Âu và cũng gây nguy hiểm cho việc vận chuyển trên sông Rhine và sông Danube.
Đường thủy lớn nhất của Đức là sông Rhine dự kiến trong vài ngày tới sẽ đạt mực nước cực thấp. Các nhà chức trách cho biết, nhiều tàu lớn có thể gặp khó khăn khi di chuyển trên tuyến đường thủy quanh thành phố Kaub, nằm giữa Koblenz và Mainz.
Trên sông Danube, các nhà chức trách Serbia đã bắt đầu nạo vét để tàu có thể tiếp tục qua lại. Ở nước láng giềng Hungary, một vùng rộng lớn của hồ Velence gần thủ đô Budapest đã biến thành bùn khô khiến tàu thuyền mắc cạn. Mặc dù đã lắp đặt các thiết bị sục khí và tái chế nước để bảo vệ động vật hoang dã, nhưng chất lượng nước đã xấu đi. Một lệnh cấm bơi vào cuối tuần đã được áp dụng đối với một vùng hồ.
Đường thủy sông Po dài nhất của Ý cũng chịu mực nước thấp đến mức làm lộ lên cả sà lan thuyền từng bị chìm cách đây nhiều thập kỷ.
Mực nước trên Hồ Garda của Ý đã giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận, khi mọi người vào cuối tuần đổ xô đến địa điểm nổi tiếng ở phía đông Milan đã phải chứng kiến cảnh khu bờ sông lộ ra những tảng đá màu vàng. Các nhà chức trách gần đây đã xả thêm nước từ hồ lớn nhất của Ý để giúp tưới tiêu, nhưng đã dừng nó lại để bảo vệ mùa du lịch béo bở.
Và ở nước Anh vốn thường mưa nhiều thì tháng trước đã trải qua tháng Bảy khô hạn nhất kể từ năm 1935. Hạn hán đã dẫn đến việc thiếu đồng cỏ, người nông dân phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nước tưới và phải cho gia súc ăn thức ăn vốn để dành cho mùa đông.
Ngay cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã quen với thời gian dài không có mưa cũng đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề do hạn hán. Ở vùng Andalucía của Tây Ban Nha, vì dung tích của hồ chứa Vinuela ở tỉnh Malaga giảm xuống chỉ còn 13%, khiến nhiều nông dân trồng bơ đã phải hy sinh tưới nước thêm cho hàng trăm cây, để cứu những cây khác tránh khô héo.
Nhiều người nông dân ở Châu Âu đối mặt với ao và suối khô cạn đến mức có người phải sử dụng nước máy để nuôi gia súc của họ, mỗi con bò một ngày cần tới 100 lít nước. Tại đầu nguồn của sông Seine ở Paris, những đồng cỏ bình thường vẫn xanh tươi nay đã chuyển sang màu xám xịt. Anh nông dân Baptiste Colson (31 tuổi) cho biết đàn bò của anh đang gặp khó khăn, chất lượng và số lượng sữa của chúng ngày càng giảm. Tháng này anh buộc phải sử dụng tới phần thức ăn vốn để dành cho mùa đông.
Anh Colson dự kiến sản lượng ngô sẽ giảm ít nhất 30%, đây là vấn đề lớn đối với đàn bò sữa của anh. “Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải mua thức ăn … để những con bò có thể tiếp tục sản xuất sữa. Chi phí kinh tế sẽ rất cao”, anh nói.
Hà Lan, nổi tiếng với các dự án kiểm soát lũ lụt, đã buộc phải công bố chính sách tiết kiệm nước sau khi mực nước xuống thấp kỷ lục do một đợt nắng nóng. Nhóm ứng phó tình trạng thiếu nước MTW (Managementteam Watertekorten) của Chính phủ Hà Lan tuyên bố mực nước quốc gia ở Hà Lan đã xuống mức thấp kỷ lục, và dòng chảy của sông Rhine từ lãnh thổ này đã giảm 50% so với điều kiện bình thường.
Vào ngày 11/8, cư dân mạng @Citizen09372364 đã đăng bài viết trên Twitter và chia sẻ 2 bức ảnh. Dòng tweet có nội dung: “Hạn hán gần đây ở Châu Âu một lần nữa khiến ‘đá đói’ xuất hiện ở một số con sông ở Cộng hòa Séc và Đức. Những hòn đá này được sử dụng để đánh dấu mực nước sông cực thấp, dự báo về nạn đói. Trên một hòn đá ở sông Elbe vào năm 1616 khắc chữ: ‘Nếu bạn nhìn thấy tôi, hãy khóc đi.’ (Wenn du mich siehst, dann weine.)”
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…