Chính phủ lâm thời Bolivia mới đây đã chỉ định đại sứ tạm quyền tại Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, Bolivia chỉ định đặc sứ tại Washington. Chính quyền mới theo đường lối bảo thủ đang đảo ngược chính sách ngoại giao của của cựu Tổng thống Evo Morales, trong đó có việc hủy quan hệ với các đồng minh cũ là Venezuela và Cuba.
Chính sách ngoại giao của Bolivia đã chuyển dịch nhanh chóng trong chỉ hai tuần dưới quyền điều hành của Tổng thống lâm thời Jeanine Anez, theo đường lối bảo thủ. Bà Jeanine Anez là thượng nghị sĩ, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống tạm quyền, lấp vào khoảng trống chính trị sau khi lãnh đạo cánh tả Evo Morales từ chức và sống lưu vong tại Mexico.
Hôm thứ Ba (26/11), Ngoại trưởng Karen Longaric trong nội các lâm thời của bà Anez đã đề cử ông Walter Oscar Serrate Cuellar là đại sứ tạm thời, đặc phái viên của Bolivia tại Mỹ. Đây là đặc phái viên đầu tiên của Bolivia tại Mỹ kể từ năm 2008 khi mối quan hệ ngoại giao hai nước rạn nứt dưới thời Tổng thống Morales.
Ngoại trưởng Karen Longaric nói rằng việc chỉ định đại diện ngoại giao tạm thời này sẽ giúp mở đường cho việc tạo dựng mối quan hệ tốt hơn với Mỹ.
“Chính phủ tiếp theo chắc chắn sẽ chỉ định các đại sứ thường trực và sự chỉ định đó sẽ cần được Thượng viện [Bolivia] chuẩn thuận,” bà Longaric nói.
Hơn hai tuần trước, Bolivia đã chìm vào khủng hoảng sau cuộc bầu cử tổng thống 20/10, được xác định là gian lận, giúp ông Morales đắc cử nhiệm kỳ thứ tư.
Ông Evo Morales, tổng thống người bản địa đầu tiên của Bolivia và nắm quyền từ năm 2006, đã phải tuyên bố từ chức vào ngày 10/11 dưới áp lực của người biểu tình và sức ép của lực lượng cảnh sát, cùng quân đội. Quân đội Bolivia đã yêu cầu ông Morales từ chức sau khi một tổ chức giám sát quốc tế công bố báo cáo xác nhận cuộc bầu cử hôm 20/10 “có bất thường đáng kể”.
Tổng thống Anez sau khi nhậm chức đã cam kết sẽ nhanh chóng tổ chức cuộc bầu cử mới và khôi phục hòa bình trong đất nước Bolivia đang bị chia rẽ sâu sắc. Bà Anez ngoài việc siết chặt hơn mối quan hệ với các đồng minh Brazil và Mỹ, cũng đã trục xuất các nhà ngoại giao Venezuela và các bác sĩ Cuba.
Tuy nhiên, chính quyền của bà Anez cũng đang bị cáo buộc sử dụng lực lượng an ninh để áp bức quá mức người biểu tình ủng hộ ông Morales. Các tổ chức nhân quyền đang kêu gọi cần phải có cuộc điều tra quốc tế về hành vi bạo lực này của chính quyền Anez.
Reuters dẫn thông tin từ một tổ chức giám sát nhân quyền cho biết tính từ cuộc bầu cử tháng Mười, đã có 33 người Bolivia bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ, phần lớn con số tử vong này đến từ các cuộc biểu tình sau khi ông Morales đã từ chức và sang Mexico sống lưu vong.
Xuân Thành
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…