Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai (2/12) đã phát đi thông báo họ sẽ đình chỉ vô thời hạn việc xem xét yêu cầu của Mỹ về các chuyến thăm quân sự tới Hồng Kông, đồng nghĩa cấm tàu chiến Mỹ cập cảng hòn đảo bán tự trị này. Bắc Kinh coi đây là biện pháp trả đũa việc Washington luật hóa ủng hộ biểu tình Hồng Kông.
Tuần trước, sau khi Tổng thống Donald Trump ký hai dự luật ủng hộ biểu tình Hồng Kông thành luật, chính quyền Trung Quốc đã thề rằng họ sẽ ban hành “các biện pháp đối phó chắc chắn”.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Bắc Kinh hôm 2/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay: “Chúng tôi thúc giục Mỹ hãy sửa chữa sai lầm và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi. Trung Quốc sẽ thực hiện các bước tiếp theo nếu cần để duy trì ổn định, thịnh vượng của Hồng Kông và chủ quyền của Trung Quốc.”
Trong thời điểm bình thường trước đây, nhiều tàu chiến Mỹ vẫn tới thăm Hồng Kông hàng năm – một hoạt động truyền thống của quân đội Mỹ từ trước năm 1997 và sau đó chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục cho phép hoạt động giao lưu quân sự này.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên nói với Reuters: “Chúng tôi có lịch sử lâu dài về các chuyến thăm Hồng Kông thành công, và chúng tôi hy vọng rằng [hoạt động này] vẫn tiếp diễn.”
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn nói rằng việc thăm quân sự tới Hồng Kông và những nơi khác trên thế giới đóng vai trò là chương trình hữu ích “mang lại tự do cho thủy thủ của chúng tôi và mở rộng mối quan hệ [giao lưu] nhân dân với các nước chủ nhà”.
“Về các cuộc biểu tình tiếp diễn [tại Hồng Kông], chúng tôi lên án việc sử dụng vũ lực vô lý và kêu gọi tất cả các bên hãy kiềm chế bạo lực và tham gia vào đối thoại mang tính xây dựng,” ông Dave Eastburn nói thêm.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết động thái mới nhất của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng tới các hoạt động quân sự của Mỹ.
Trước đó, vào tháng Tám khi căng thẳng Mỹ – Trung leo thang về thương mại và các vấn đề an ninh khác, hai tàu chiến của Mỹ đã bị Trung Quốc từ chối tiếp cận cảng Hồng Kông.
Lần gần nhất một tàu chiến Mỹ thăm Hồng Kông là vào tháng Tư. Đó là chuyến thăm của tàu chỉ huy USS Blue Ridge thuộc biên chế của Hạm đội 7 Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản.
Ngoài vấn đề Hồng Kông, hai nước Mỹ, Trung cũng đang nỗ lực đàm phán để ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” nhằm kết thúc thương kiến kéo dài 17 tháng qua.
Một số chuyên gia quốc tế quan ngại rằng tranh cãi về Hồng Kông có thể ảnh hưởng tới nỗ lực hòa giải thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
Trả lời báo giới về vấn đề này hôm 2/12, Tổng thống Donald Trump cho biết việc ban hành đạo luật nhân quyền ủng hộ biểu tình Hồng Kông gần đây không làm cho các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc dễ dàng hơn, nhưng ông tin tưởng rằng Bắc Kinh sẽ muốn ký thỏa thuận thương mại này.
Luật đó “không khiến cho [đàm phán thương mại] tốt hơn, nhưng chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra,” ông Trump nói với báo giới tại Tòa Bạch Ốc trước khi lên máy bay di chuyển tới London, Anh Quốc chuẩn bị dự Thượng đỉnh NATO.
“Trung Quốc luôn đàm phán. Tôi rất hài lòng với vị thế của chúng ta hiện nay. Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận. Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra,” ông Trump nói và không khẳng định về khả năng có thể ký thỏa thuận vào cuối năm nay.
Xuân Thành
Xem thêm:
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…