Chuyên gia đầu ngành phẫu thuật Anh viết về tội ác thu hoạch tạng

Ngày 28/4/2022 vừa qua, giáo sư Martin John Elliott, một chuyên gia đầu ngành phẫu thuật Anh quốc đã có một bài viết trên tạp chí Tablet, chia sẻ những thông tin và hiểu biết của ông về tội ác thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.

Giáo sư Martin John Elliott là một chuyên gia phẫu thuật tim, đồng giám đốc y học bệnh viện Đường Great Ormond, giảng dạy phẫu thuật tim cho bệnh nhi tại Đại học London, giám đốc Dịch vụ Quốc gia cho Trẻ em bị Bệnh Khí quản Nặng, giảng sư Vật lý tại Cao đẳng Gresham. Ông là một trong những người hiếm hoi có khả năng tham gia vào việc phẫu thuật tạo hình khí quản kiểu trượt trên thế giới.

Giáo sư Elliott có hơn 260 nghiên cứu khoa học đã được bình duyệt, được thỉnh giảng tại hơn 300 khóa học trên toàn thế giới. Ông cũng tham gia vào nhiều bộ phim tài liệu khoa học và giảng dạy. Giáo sư Elliott đã huấn luyện nhiều chuyên gia phẫu thuật tim hàng đầu của thế giới, và tham gia vào việc cải tổ chất lượng dịch vụ y khoa ở một số quốc gia.

Giáo sư Martin John Elliott thuyết giảng tại Cao đẳng Gresham. (Ảnh: James Franklin Gresham/Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết của giáo sư Martin John Elliott trên tờ Tablet về tội ác thu hoạch tạng.

*

Tạng của nhà nước

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang phạm tội khi thực nghiệm y tế quy mô lớn, theo kiểu Đức Quốc xã, trên các tù nhân chính trị.

Tôi đã dành cả sự nghiệp của mình cho việc phẫu thuật tim mạch nhi khoa, mà hầu hết là vào việc cấy ghép. Trong y học, cần phải quan tâm, tìm kiếm những gì tốt nhất cho bệnh nhân, không làm tổn hại ai, và lấy sự thật làm cơ sở cho lòng tin. Có thể nói cấy ghép tạng là một điển hình thể hiện lòng nhân ái của con người, vì ở đó, một người đồng ý hiến tạng của mình để cứu mạng sống cho người khác, mà thông thường người hiến tạng không hề quen biết người nhận tạng. Đáng buồn thay, trong một hoàn cảnh khác, cơ sở đạo đức này đã bị gạt sang một bên, các cơ quan nội tạng đã bị cưỡng bức lấy đi mà không có sự đồng thuận của các tù nhân lương tâm, và hành vi lấy nội tạng ấy đã dẫn đến cái chết của họ. Dưới sự hậu thuẫn của nhà nước, các bác sĩ đã tham gia và đồng lõa với tội ác này.

Năm 2016, tôi được mời trở thành thành viên của Tòa án [độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại] Trung Quốc, một tòa án nhân dân có nhiệm vụ xem xét và tuyên án (được công bố vào năm 2020) đối với những bằng chứng về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ những tù nhân bị giam giữ trong các trại giam ở Trung Quốc (đặc biệt là những người tập Pháp Luân Công, một phong trào tâm linh xuất hiện năm 1992 tại Trung Quốc). Vào thời điểm đó, tôi không biết về những bằng chứng này và hầu như không biết về sự hiện diện của các trại [tập trung]. Tôi đã bị sốc, không chỉ bởi những gì tôi nghe thấy mà còn bởi sự thật rằng tôi không biết; các phương tiện truyền thông và các chính phủ ở phương Tây đã không thành công trong việc phơi bày thông tin này. Sau đó, họ đã làm việc hiệu quả hơn trong việc phơi bày cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương, Trung Quốc. Tòa án nhân dân độc lập thứ hai, Tòa án [về việc diệt chủng] người Duy Ngô Nhĩ, được thành lập vào năm 2020 và đã công bố phán quyết của mình vào năm 2021.

Các tòa án nhân dân trên thế giới bắt nguồn từ các phong trào độc lập, hòa bình, do các thành viên của xã hội dân sự tạo dựng nên, nhằm giải quyết việc các hành động tàn bạo nghiêm trọng lại không bị thế giới trừng phạt. Tòa án nhân dân xuất hiện khi người dân cảm thấy rằng chính phủ và các cơ quan quốc tế đáng lẽ đã phải hành động nhưng lại không hành động. Các công dân của xã hội dân sự với tư cách là các bồi thẩm viên sẽ thông qua phán quyết về các bằng chứng được trình bày. Trong trường hợp của tòa án [về thu hoạch tạng tại] Trung Quốc và tòa án [về diệt chủng] người Duy Ngô Nhĩ, tiêu chuẩn để kết luận là “vượt lên mọi nghi ngờ hợp lý” (*). Bằng chứng đầy đủ được trình lên tòa án, cả bằng văn bản và thông qua nhân chứng trực tiếp, và đều được công bố công khai. Cả hai tòa liên tục mời Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nộp bằng chứng [để chứng minh sự vô tội]; và họ đã không làm.

(*) LND: Beyond reasonable doubt – Từ ngữ luật khoa. Để thuyết phục quan tòa và bồi thẩm đoàn về tội trạng của bị cáo, bên công tố cần phải chứng minh rằng bị cáo đích thực đã thực hiện hành vi phạm tội đó, “vượt lên mọi nghi ngờ hợp lý”. Đây là phương châm của hoạt động tư pháp thông thường.

Cũng cần phải nói thêm rằng, như các học giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg đã giải thích, việc nhầm lẫn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với đất nước và nhân dân Trung Quốc đã dẫn đến đủ loại hiểu lầm. ĐCSTQ điều hành một chế độ độc tài, xác định tư tưởng người dân như thế nào là phù hợp, đồng thời thi hành chính sách của đảng với cường độ cao. Thông qua lời nói hoặc hành động, ĐCSTQ bác bỏ các giá trị dân chủ và các quyền tự do được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc: tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tôn giáo và tín ngưỡng; quyền không bị bức hại; quyền riêng tư cá nhân; và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Những gì công dân Trung Quốc được phép biết sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của họ. Để tóm tắt kết quả của hai tòa án nhân dân độc lập nói trên, chúng ta cần lưu ý điểm quan trọng này.

Đầu tiên hãy nói tới Tòa án [về thu hoạch tạng tại] Trung Quốc. Các bằng chứng đã chứng minh rằng sau năm 1999, ĐCSTQ đã bỏ tù hàng nghìn người trong các trại tạm giam, đặc biệt là người tập Pháp Luân Công, chỉ vì tín ngưỡng của họ. Giang Trạch Dân, khi đó là chủ tịch nước của Trung Quốc, đã tuyên bố thành lập “Phòng 610”, một cơ quan an ninh chuyên dùng để tiêu diệt Pháp Luân Công. Giang Trạch Dân lo lắng về quy mô của Pháp Luân Công (70 triệu người theo tập, có nhiều thành viên hơn cả số đảng viên); sức hấp dẫn rộng rãi của Pháp Luân Công, ngay cả đối với quan chức cấp cao của ĐCSTQ; và các giá trị hòa bình của Pháp Luân Công, coi những giá trị này là phản tác dụng và khiến Trung Quốc suy yếu. Một cấu trúc phức tạp trong thể chế đã được xây dựng để thực hiện chính sách đàn áp. Pháp Luân Công – cùng với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Đài Loan và các nhà hoạt động dân chủ – đã bị chế độ gọi là “ngũ độc”.

Việc giam giữ những người này rất khắc nghiệt và tàn bạo. Chúng tôi đã kết luận “vượt lên mọi nghi ngờ hợp lý” rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phạm tội ác chống lại loài người – cụ thể là tước quyền tự do, giết người, tra tấn, hãm hiếp và thực hiện các hành vi bạo lực tình dục khác và ngược đãi dựa trên chủng tộc, quốc gia, dân tộc, văn hóa, hoặc tín ngưỡng.

Từ năm 1984 trở đi, Trung Quốc đã tiến hành cấy ghép nội tạng bằng cách sử dụng nội tạng của các tù nhân bị tử hình. Tại tòa, chúng tôi đã nghe bằng chứng về việc các bác sĩ phẫu thuật buộc phải lấy nội tạng từ một tử tù bị hành quyết, nhưng người hành quyết đã cố tình chỉ hành quyết “một phần”. Tù nhân đã bị bắn vào ngực phải chứ không phải hộp sọ, và các cơ quan trong ổ bụng đã bị lấy đi một cách vội vàng trước khi tử tù đó chết. [Khi sự việc này bị đưa ra ánh sáng,] Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chịu áp lực quốc tế và phải giảm số vụ xử tử, và do đó nguồn cung nội tạng để cấy ghép lẽ ra đã giảm. Nước này cũng không có hệ thống quyên góp tự nguyện như ở phương Tây.

Vậy mà vào đầu thế kỷ 21, chính sách của ĐCSTQ là mở rộng hoạt động cấy ghép tạng trên toàn quốc để đạt được vị trí dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực buôn bán nội tạng. Tuy nhiên, họ chưa hề có hệ thống quyên góp tạng tự nguyện. Một kế hoạch xây dựng các bệnh viện lớn đã được thực hiện, và các dịch vụ cấy ghép được mở rộng nhanh chóng. Trong khi nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố thực hiện 10.000 ca cấy ghép mỗi năm từ năm 2000 đến năm 2010, dữ liệu thu được bằng cách xem xét các trang web, ấn phẩm và tạp chí khoa học của bệnh viện – cùng những cuộc gọi điện thoại của các nhà điều tra – đã cho ra ước tính rằng khoảng 60.000 đến 90.000 ca cấy ghép đã được thực hiện hàng năm. Số vụ hành quyết đã giảm từ 12.000 xuống còn 5.000 vụ mỗi năm trong cùng một khung thời gian. Sự sụt giảm của số tù nhân bị tử hình và sự gia tăng các ca cấy ghép cho thấy rằng phải có một nhóm những người hiến tạng thay thế. Liệu nội tạng có đến từ những tù nhân bị giam giữ?

Có những chứng cứ củng cố cho suy đoán này. Các bệnh viện và trung tâm cấy ghép ở Trung Quốc đã quảng cáo thời gian chờ ghép tạng ngắn một cách kỳ lạ. Thời gian chờ đợi để có gan ở phương Tây thường vượt quá 6 tháng, và đối với thận, người ta có thể phải đợi từ 2 đến 3 năm nếu người hiến tặng không phải người thân. Tương tự đối với tim và phổi. Nhiều người đã chết trong quá trình chờ đợi. Các bệnh viện Trung Quốc thì quảng cáo thời gian chờ đợi tính theo ngày – điều không thể xảy ra nếu không có sẵn người hiến tạng.

Tòa án [về thu hoạch tạng tại] Trung Quốc đã nghe rất nhiều bằng chứng từ các cựu tù nhân, không chỉ về vấn đề tra tấn mà còn về các “xét nghiệm y tế” trong tù. Tù nhân bị xét nghiệm máu mà không được sự đồng thuận, nhà tù cũng không đưa ra mục đích và không trả kết quả; ngoài ra còn có kiểm tra thể chất; và siêu âm, dù không có lý do rõ ràng. Để thực hiện cấy ghép thành công, các mô của người cho và người nhận tạng phải phù hợp với nhau để giảm thiểu khả năng tạng bị đào thải. Xét nghiệm máu là cần thiết. Siêu âm nội tạng sẽ cho biết về tính toàn vẹn cấu trúc và sức khỏe của một cơ quan nội tạng. Có thể hiểu được các tù nhân sẽ rất khó chịu về những cuộc kiểm tra y tế. Họ không bao giờ được cho biết mục đích của các cuộc kiểm tra, và một số bạn tù đã “biến mất”. Họ ghép các mảnh ghép lại với nhau. Chúng tôi, bồi thẩm đoàn của tòa, đã tự hỏi bản thân rằng liệu có thể có một lời giải thích hợp lý nào khác cho việc kiểm tra y tế các tù nhân (ví dụ như xem xét khả năng truyền nhiễm, để xem họ có “phù hợp” là đối tượng bị tra tấn hay không), nhưng không. Chúng tôi kết luận rằng cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra và nhóm người bị lấy tạng có khả năng là các tù nhân, phần lớn là người tập Pháp Luân Công.

Tòa án [về việc diệt chủng] người Duy Ngô Nhĩ đã nghe những bằng chứng rất tương tự, nhưng ở quy mô lớn hơn. Theo lệnh trực tiếp từ Chủ tịch Tập Cận Bình, hàng trăm nghìn (có lẽ hơn một triệu) người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương trong điều kiện tàn ác, suy đồi và vô nhân đạo. Nhiều người đã bị tra tấn theo những cách tàn bạo nhất và trong thời gian dài. Tù nhân của cả hai giới tính đã bị cảnh sát và cả những người được trả tiền ở trong trại tập trung cưỡng hiếp hoặc bị bạo hành tình dục cực độ. Tình trạng biệt giam cũng phổ biến.

Những người bị giam giữ bị ép uống các loại thuốc ảnh hưởng đến sinh sản, phụ nữ mang thai buộc phải phá thai, kể cả trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Giống như những người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ cũng bị buộc phải xét nghiệm máu và kiểm tra y tế mà không được giải thích. Nhiều người đã “biến mất”. Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp nào về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng, người ta đã nghi ngờ rằng nó diễn ra.

Nhà cầm quyền cũng gây áp lực lên cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ bên ngoài các trại tập trung, bao gồm việc theo dõi và giám sát chuyên sâu bằng nhận dạng khuôn mặt và các công nghệ tiên tiến khác, cùng với lấy mẫu DNA và tổng hợp cơ sở dữ liệu. Những người đàn ông Hán được chỉ định là “bạn của gia đình”, đã đến sống trong các hộ gia đình của người Duy Ngô Nhĩ trong nhiều tuần để báo cáo về họ với chính quyền. Một chương trình kiểm soát sinh đẻ có hệ thống nhằm giảm dân số Duy Ngô Nhĩ đã được thiết lập và phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã bị ép buộc kết hôn với đàn ông người Hán.

Một chương trình vận chuyển lao động quy mô lớn đã được tạo ra, không chỉ trong nội bộ Tân Cương mà còn trên toàn Trung Quốc “đại lục”. Đức tin Hồi giáo nói riêng đã bị nhắm mục tiêu, các biểu tượng của Hồi giáo bị dỡ bỏ, hàng nghìn nhà thờ Hồi giáo và khu chôn cất đã bị xúc phạm hoặc bị phá hủy. Bất kỳ cách thể hiện công khai nào liên quan đến Hồi giáo (bao gồm cả việc đeo mạng che mặt, để râu và nghiên cứu các văn bản tôn giáo) đều có thể bị kết án tù dài hạn. Ngay cả việc sử dụng ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ cũng bị trừng phạt. Đất đai và các tài sản khác đã bị chiếm đoạt, và các cộng đồng, bao gồm cả những ngôi nhà hàng thế kỷ, đã bị phá hủy hoàn toàn. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bỏ tù, đôi khi trong thời gian dài, thân nhân của những người đã lên tiếng về cuộc sống ở Tân Cương. Họ cũng đã buộc các quốc gia khác phải cho phép dẫn độ những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc. Tòa án Duy Ngô Nhĩ kết luận rằng có đủ bằng chứng để nói những gì đã và đang xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng.

Hai tòa án nhân dân nói trên phán xét rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thực hiện những tội ác tàn bạo đối với một số lượng lớn người dân của mình, không chỉ lạm dụng họ mà còn sử dụng họ như một nguồn tài nguyên khai thác mà không có sự đồng thuận: nguồn lực lao động, nguồn thỏa mãn ham muốn và nguồn nội tạng.

Là một bác sĩ, tôi cảm thấy rất kinh hoàng, nhưng đáng lẽ tôi không nên ngạc nhiên. [Trong quá khứ] các bác sĩ đã trực tiếp tham gia vào các hành động tra tấn khủng khiếp nhất, có thể kể ra từ Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha, đến bên trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã, hay như được mô tả trong báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện năm 2014 về việc CIA thực hiện các vụ tra tấn. Bằng chứng của các tòa án nhân dân lần này đã cho thấy rằng ở Trung Quốc, những người có tay nghề cao, gần như chắc chắn đã được đào tạo về y tế, đã lấy mẫu máu, phân tích những mẫu đó, kiểm tra tù nhân, lấy và cấy ghép nội tạng mà không có sự đồng thuận. Tôi vẫn cố gắng nỗ lực để hiểu làm thế nào họ có thể làm điều này, mặc dù một số bằng chứng mà chúng tôi nghe được cho thấy rằng nhiều bác sĩ có lý do để lo sợ về trừng phạt cá nhân hoặc mối đe dọa đối với gia đình của họ.

Đối với những quan chức vô đạo đức trong ĐCSTQ, việc có một số lượng lớn những người bị cầm tù đã cung cấp một nguồn nghiên cứu đặc biệt trên con người. Việc đồng ý tham gia hay không là không quan trọng, dưới một thể chế độc tài, mọi việc đều có thể thực hiện được. Hiện nay, người ta biết rằng Trung Quốc đã tạo ra một cơ sở dữ liệu DNA khổng lồ của dân số Duy Ngô Nhĩ, trên danh nghĩa là vì mục đích an ninh. Nhưng điều này có thể tạo ra những gì nữa? Việc phân tích gen quy mô lớn như vậy là vượt quá khả năng của các nhà khoa học và công ty dược phẩm phương Tây, nhưng khi khả năng tìm kiếm các liệu pháp với mục tiêu y tế cụ thể ngày càng phát triển thì dữ liệu DNA này có thể cung cấp manh mối để tạo ra các tác nhân y tế. Một khi thuốc được tạo ra, việc thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả có thể được thực hiện trên những người bị giam giữ. Việc cấy ghép dị chủng [từ loài này sang loài khác] đã trở thành hiện thực: gần đây đã có một ca cấy ghép tim lợn vào người ở Hoa Kỳ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu lợn biến đổi gen có thể được nuôi trong trang trại và một lượng lớn tù nhân có thể bị đưa vào các thử nghiệm cấy ghép trên quy mô lớn?

Có lẽ tôi không cần phải nhắc nhở độc giả về sự khủng khiếp của các thử nghiệm y học tại các trại tập trung [trong quá khứ]. Nhưng một cơn ác mộng lặp lại trên quy mô lớn ngày nay vẫn tiềm ẩn ở Trung Quốc, và chúng ta phải cảnh giác. Tổ chức Tuân thủ Quyền toàn cầu đã đề xuất rằng điều quan trọng là các tổ chức – học thuật, y tế và doanh nghiệp – làm việc với các cơ quan Trung Quốc (hoặc các quốc gia khác) cần thực hiện ba điều: Thứ nhất, thiết lập cam kết nhân quyền để ngăn chặn hành vi phi đạo đức (bao gồm cả việc cấy ghép tạng); thứ hai, tiến hành các quy trình thẩm định về quyền con người để xác định, ngăn ngừa, giảm thiểu và giải trình các rủi ro y tế hoặc cấy ghép phi đạo đức; và thứ ba, tách khỏi bất kỳ mối quan hệ nào mà việc cấy ghép nội tạng phi đạo đức nêu trên không thể ngăn ngừa, giảm nhẹ hoặc có thể khắc phục được.

Y học cấy ghép ở phương Tây dựa vào việc chia sẻ dữ liệu minh bạch giữa các nhóm người hiến và người nhận tạng, trong đó dữ liệu của người hiến và người nhận có liên quan được cơ quan quốc gia quản lý tập trung. Việc này ưu tiên tính công bằng, danh sách chờ đợi ghép tạng được quản lý. Việc phân tầng rủi ro được thực hiện. Việc truy vết hoàn toàn có thể được thực hiện, nguồn gốc của cơ quan hiến tặng đều rõ ràng và được xác nhận là có đạo đức. Có thể theo dõi dữ liệu và truy vết về người hiến tặng nếu có bệnh phát triển ở người nhận tạng. Sự minh bạch có thể kiểm tra được là điều mà cộng đồng nghiên cứu y tế quốc tế phải đòi hỏi ở Trung Quốc.

Tác giả: Giáo sư Martin John Elliott
Minh Nhật dịch thoát
Xem bản gốc tại đây

Xem thêm:

Mời xem video:

Minh Nhật

Published by
Minh Nhật

Recent Posts

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

10 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

16 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

26 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

31 phút ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

31 phút ago

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

41 phút ago