Hôm thứ Ba (4/2), chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra một loạt phản ứng đối với thuế quan của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, bao gồm cả việc áp thuế đối với một số sản phẩm của Mỹ. Các chuyên gia chỉ ra rằng vòng chiến tranh thương mại Trung-Mỹ mới nhất cho thấy rõ ràng ĐCSTQ đang có thái độ phản ứng thận trọng, bởi nếu cuộc chiến thuế quan toàn diện nổ ra, Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn. Phản ứng của ĐCSTQ đối với thuế quan của Mỹ lần này mang tính biểu tượng hơn.
Bắt đầu từ 00:01 ngày 4/2 (theo giờ Miền Đông nước Mỹ, tức 13:01 giờ Bắc Kinh), Mỹ sẽ chính thức áp dụng mức thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Bộ Tài chính ĐCSTQ ngay lập tức tuyên bố sẽ áp thuế 10% hoặc 15% đối với khoảng 80 sản phẩm bao gồm than đá của Mỹ, khí tự nhiên hóa lỏng, dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số ô tô. Các biện pháp thuế quan sẽ có hiệu lực từ ngày 10/2. ĐCSTQ cũng công bố một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng và đưa hai công ty Mỹ vào danh sách đen là những thực thể không đáng tin cậy. Và Bloomberg vừa đưa tin vào ngày 5/2, cơ quan giám sát chống độc quyền của Trung Quốc đang chuẩn bị mở cuộc điều tra về các chính sách của Apple và mức phí mà công ty này tính cho các nhà phát triển ứng dụng, cổ phiếu Apple giảm 2,66% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa lúc 9:34 sáng theo giờ London.
Phân tích của Bloomberg cho rằng tại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Bắc Kinh đã trả đũa bằng các mức thuế tương tự hoặc tương đương với thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, lần này ĐCSTQ chỉ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 14 tỷ USD của Mỹ, chưa bằng 10% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ năm 2023 ( có số liệu hoàn chỉnh trong 1 năm gần đây). Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong số thuế quan mà ông Trump áp đặt lên Trung Quốc. Lần này Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 400 tỷ USD.
Tất nhiên ngoài thuế quan, ĐCSTQ cũng thực hiện các biện pháp trả đũa khác mà các chuyên gia cho là mang tính biểu tượng.
Phản ứng thận trọng của ĐCSTQ cho thấy họ đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế trong nước đáng kể, bao gồm thị trường bất động sản trì trệ và giảm phát. Kể từ cuối tháng 9 năm ngoái, hiệu quả từ các biện pháp kích thích của Chính phủ Trung Quốc bắt đầu mất dần. Tác động của thuế quan càng lớn thì Bắc Kinh sẽ càng phải tăng cường hỗ trợ nền kinh tế hơn nữa.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo hôm thứ Hai (3/2) rằng mức thuế bổ sung 10% mà Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của nước này 50 điểm cơ bản trong năm nay.
Theo Bloomberg, ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd., cho rằng do sự mất cân bằng rất lớn trong thương mại Trung-Mỹ, phía Trung Quốc (ĐCSTQ) “sẽ mất nhiều hơn” và do đó bị hạn chế.
Ông nói thêm: “Cuộc chiến thuế quan toàn diện (nổ ra sẽ) không có lợi cho Trung Quốc. Thay vào đó, Trung Quốc có thể ứng phó với thuế quan chủ yếu thông qua các biện pháp kích thích trong nước.”
Bloomberg cho biết, một số cảnh báo của Bắc Kinh hoàn toàn mang tính biểu tượng, nhấn mạnh khả năng hành động hạn chế hơn của họ. ĐCSTQ đã công bố một cuộc điều tra về Google, nhưng dịch vụ tìm kiếm của Google đã không còn khả dụng ở Trung Quốc Đại Lục kể từ đầu năm 2010. Một số công ty Mỹ có lợi ích kinh doanh lớn ở Trung Quốc đã không bị ĐCSTQ động đến khi đáp trả thuế quan của Mỹ.
Theo Financial Times đưa tin, ông Chris Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal, nói rằng động thái của ĐCSTQ “không phải là một phản ứng leo thang”. “Mục tiêu của họ hiển nhiên là tiến hành đàm phán và đạt được thỏa thuận.”
Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Oxford (Oxford Economics) cho biết, hành động trả đũa này là “một động thái mang tính biểu tượng hơn”. Các nhà phân tích nói thêm rằng động thái của Bắc Kinh chỉ làm tăng 2 điểm phần trăm trong mức thuế suất hiệu dụng tổng thể đối với hàng nhập khẩu của Mỹ.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có đạt được thỏa thuận nào đó trước khi thuế quan của Trung Quốc có hiệu lực hay không. Nhưng điều rõ ràng là các quan chức ĐCSTQ có ít cơ hội để mặc cả hơn trong các cuộc đàm phán. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhiều gấp 3 lần so với nhập khẩu từ Mỹ, có nghĩa là số lượng hàng hóa của Mỹ mà Bắc Kinh có thể đánh thuế là ít hơn so với hàng hóa của Trung Quốc mà Mỹ có thể đánh thuế.
Một số nhà kinh tế giữ thái độ thận trọng về việc việc liệu hai bên có thể đạt được thỏa thuận để tránh thuế quan hay không.
Tờ Financial Times dẫn lời nhà kinh tế trưởng Trung Quốc Robin Xing của Morgan Stanley cho biết: “Khả năng đạt được thỏa thuận tránh thuế quan có vẻ hạn chế”, “Con đường đi đến hạ nhiệt vẫn rất hẹp, cần cả hai bên đưa ra những thỏa hiệp lớn”.
Theo CNBC, bà Louise Loo, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Oxford Economics, cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lần thứ hai “rõ ràng vẫn đang ở giai đoạn đầu” và “rất có khả năng” hai nước sẽ áp dụng thêm nhiều đợt thuế quan.
Ông Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tại Ngân hàng Mizuho, cho biết các khía cạnh địa kinh tế tổng thể của thương mại Trung-Mỹ, có nghĩa là việc giải quyết vấn đề thương mại của hai nước này, sẽ khó khăn hơn so với việc giải quyết vấn đề với Mexico và Canada.
Ông Joseph Samuel Nye Jr., cựu hiệu trưởng Trường Harvard Kennedy, gần đây đã đăng một bài bình luận trên Newsweek, phân tích một cách có hệ thống những ưu điểm và nhược điểm của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu. Ông cho biết mặc dù Tổng thống Trump coi Trung Quốc là mối đe dọa bên ngoài lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt, nhưng về lâu dài, Hoa Kỳ vẫn có lợi thế đáng kể trong trò chơi quyền lực lớn này.
Giáo sư Nye chỉ ra rằng với tư cách là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đặt ra thách thức cho Hoa Kỳ ở nhiều lĩnh vực như: mạng lưới quan hệ đối tác thương mại của nước này đã vượt qua Hoa Kỳ, chi tiêu quân sự tiếp tục tăng, quá trình hiện đại hóa quân sự ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang được đẩy nhanh, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không ngừng mở rộng và đang nhanh chóng bắt kịp trong các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI). Lầu Năm Góc đã định vị Trung Quốc là một “thách thức đồng bộ”.
Tuy nhiên, thông qua phân tích chuyên sâu, Giáo sư Nye tin rằng Hoa Kỳ nắm giữ 7 “lá bài cao tay” chiến lược trong cuộc cạnh tranh dài hạn:
1. Lợi thế về mặt địa lý
Hoa Kỳ được bao quanh bởi hai đại dương và hai nước láng giềng thân thiện, có chiều sâu chiến lược rộng lớn; Mặt khác, Trung Quốc có tranh chấp biên giới với một nửa các nước láng giềng, bao gồm cả Ấn Độ, quốc gia có dân số đã vượt qua Trung Quốc.
2. Lợi thế nhân khẩu học
Lực lượng lao động của Trung Quốc đã suy giảm kể từ năm 2015, trong khi Hoa Kỳ, với tư cách là một quốc gia nhập cư, là một trong số ít quốc gia phát triển có dân số tiếp tục tăng.
3. Lợi thế về năng suất
Mặc dù robot có thể thay thế một phần lao động của con người, nhưng năng suất tổng hợp của lao động và vốn của Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm, trong khi năng suất của Hoa Kỳ vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng.
4. Lĩnh vực kỹ thuật
Mặc dù Trung Quốc dẫn đầu trong các lĩnh vực như vận tải công cộng và năng lượng mới, và đang nhanh chóng bắt kịp trong các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, Hoa Kỳ vẫn duy trì lợi thế trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ thông tin, công nghệ nano và công nghệ sinh học.
5. Lợi thế tài chính
Là đồng tiền dự trữ thống trị, đồng đô la Mỹ chiếm 60% dự trữ của các ngân hàng trung ương toàn cầu, mang lại cho Hoa Kỳ khả năng trừng phạt mạnh mẽ. Ngoài ra, lợi thế này còn được củng cố hơn nữa khi Hoa Kỳ trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
6. Lợi thế của sức mạnh mềm
Các cuộc thăm dò quốc tế cho thấy Hoa Kỳ hấp dẫn hơn Trung Quốc trên toàn cầu nhờ vào xã hội dân sự cởi mở. Sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với xã hội dân sự và các tranh chấp biên giới với các nước láng giềng đã hạn chế sự phát triển quyền lực mềm của Trung Quốc.
7. Lợi thế của liên minh
Tổng sản lượng kinh tế của Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc chiếm hơn một nửa nền kinh tế thế giới, trong khi Trung Quốc, Nga và Triều Tiên chỉ chiếm 1/5.
Trí Đạt (t/h)
Nghiên cứu cho thấy chỉ cần đun sôi nước trước khi uống có thể loại…
Tháng 1/2025, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so…
Phía chủ nhà Thái Lan và các đội khác sẽ tạm thời cho đội tuyển…
USPS vừa thông báo sẽ tiếp tục tiếp nhận các bưu kiện quốc tế từ…
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có hành động chống lại các cơ quan của…
Không lâu sau khi Bưu điện Mỹ (USPS) tạm dừng nhận bưu kiện đến từ…